Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 7 năm 2016 | 1:38

Đừng biến Hà Tĩnh thành bãi rác!

Liên tiếp các vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng về môi trường từ biển đến rừng ở Hà Tĩnh đều gắn với chất thải của Formosa… Formosa được xem là kẻ tội đồ, còn một số cơ quan chức năng kiểm soát môi trường ở Hà Tĩnh không lẽ vô can?

Lỗ hổng trong việc giám sát xả thải  là bài học đắt giá cho Hà Tĩnh và các tỉnh khác.

Lỗ hổng hay buông lỏng

Sự việc cá chết hàng loạt do Formosa gây nên được phát hiện vào đầu tháng 4/2016, làm chấn động dư luận, gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế biển và đời sống của hàng triệu người dân 4 tỉnh miền Trung. Ngay sau đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và phát hiện ra nhiều vấn đề sai phạm xả thải độc hại của Formosa ra môi trường.

Từ việc Formosa lắp đặt đường ống xả thải ngầm dưới đáy biển trái phép đến nhập hàng trăm tấn hóa chất độc hại nguy hiểm để xúc rửa đường ống rồi xả thẳng ra biển không qua xử lý. Chưa dừng lại ở đó, thời gian qua nhân dân trong vùng liên tiếp phát hiện Formosa thông qua Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh chôn chất lấp chất thải rắn ra khắp nơi, như ở trang trại ông Lê Quang Hòa ở phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh), hay tại bãi rác Khu du lịch sinh thái biển thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên), ở xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Tân), Công viên phường Song Trí (thị xã Kỳ Anh)  và có nghi án “xuất khẩu” rác thải ra ngoài tỉnh đến việc người dân phát hiện đường ống xả thải ngầm trái phép chưa qua xử lý ra khu vực dân cư ở phường Kỳ Phương (TX. Kỳ Anh)…

Cho tới nay, những vấn nạn môi trường liên quan đến Formosa vẫn chưa chấm dứt vì một số điểm còn đang được kiểm tra, xác định. Việc chôn lấp hàng trăm tấn chất thải rắn độc hại diễn ra thường nhật không một cơ quan chức năng nào kiểm soát, chỉ có người dân trong vùng vì sự sống còn của họ phát hiện. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực môi trường, nhất là trách nhiệm của Sở TN&MT Hà Tĩnh đến đâu?

Trả lời báo chí khi được hỏi về trách nhiệm để xảy ra những sự việc vừa qua, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh nói: “Để xảy ra những sự cố này chúng tôi  thấy có một phần trách nhiệm của mình trong đó”. Tuy nhiên, dư luận cho rằng Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh nên thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Người dân khó có thể tin được một đơn vị trực tiếp và thường xuyên làm việc với Formosa như Sở TN&MT lại không phát hiện ra cách xử lý chất thải rắn cũng như đường ống xả thải ra khu vực dân cư? Và sau khi sự việc được người dân và báo chí phát hiện ra, Sở mới vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, lúc đó mới phát hiện ra Formosa ký hợp đồng xả thải với cá nhân ông Hòa là sai.

Mới đây nhất, dư luận lại băn khoăn trước thông tin kết quả phân tích mẫu chất thải của Formosa do Sở TN&MT lấy mẫu tại trang trại của ông Lê Quang Hòa có 13/15 mẫu nằm trong giới hạn cho phép. Nói về vấn đề này, ôngVõ Tá Đinh thừa nhận, việc lấy mẫu là thiếu khách quan và chưa đúng.

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng Sở TN&MT yếu kém về năng lực quản lý chuyên môn, buông lỏng và quá chủ quan trong khi Formosa là công ty đã có nhiều “vết đen” gây ô nhiễm môi trường trên thế giới.

Bài học đắt giá

“Sự cố môi trường biển do Formosa gây nên là bài học đắt giá đối với vấn đề thu hút đầu tư cũng như quản lý các dự án đầu tư. Việc trả giá là không thể tính được, nó liên quan đến mất mát về môi trường môi sinh, dư chấn về tâm lý của người dân về tinh thần và vật chất. Sau bài học này, thông điệp của Hà Tĩnh bây giờ là không có khái niệm thu hút đầu tư bằng mọi giá, sẽ không đánh đổi sự phát triển làm ảnh hưởng đến môi trường. Qua đó, Hà Tĩnh phải đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát chặt chẽ không chỉ dự án Formosa mà còn các dự án khác trên địa bàn”, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, người trực tiếp phụ trách dự án Formosa và các công ty khác trong Khu kinh tế Vũng Áng khẳng định.

Chỉ mới giai đoạn một và Formosa chưa hoạt động chính thức, nhưng tỉnh Hà Tĩnh phải trả giá cả hàng chục năm để khắc phục. Bài học trả giá quá đắt không riêng gì đối với tỉnh Hà Tĩnh mà đối với các tỉnh miền Trung và cả nước, đặc biệt các tỉnh ven biển hoặc tỉnh có sông lớn đang có nhiều khu công nghiệp, nhà máy hoạt động. Đó là bài học về giám sát xả thải và quản lí đầu tư. Một trong những nguyên nhân lớn nhất để dẫn tới việc Formosa “coi thường” pháp luật, gây ra thảm họa môi trường biển và đổ chất thải khắp nơi trên đất liền là do sự buông lỏng, yếu kém trong quản lý nhà nước về vấn đề môi trường của Hà Tĩnh, mà chịu trách nhiệm trực tiếp lĩnh vực này chính là Sở TN&MT. Theo dư luận, kể từ ngày Formosa đi vào hoạt động, bất kỳ xe tải chở hàng vào, khi đi ra, xe nào xe nấy đều cõng đầy ắp chất thải xả đâu, đổ đâu không ai để ý gì.

Nên chăng, sau thảm họa môi trường từ vụ Formosa gây ra ở Hà Tĩnh, các nhà quản lí nên đặt câu hỏi làm thế nào thu hút đầu tư để phát triển nhưng không tàn phá môi trường như Formosa.

Nhóm PV Hà Tĩnh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top