Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 11 năm 2021 | 10:9

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và lãnh đạo của TP. Hà Nội tham dự buổi Lễ bàn giao Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để chính thức vận hành thương mại

Sáng nay (6/11), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và TP. Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông. Ngay sau đó, tuyến đường sắt bắt đầu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
1.jpg
Ký kết bàn giao đường sắt Cát Linh - Hà Đông giữa Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội.

 

 
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thay mặt chủ đầu tư gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương và nhân dân Thủ đô đã hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện dự án.
 
Ông Đông cho biết, đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông là dự án đường sắt thí điểm đầu tiên của Thủ đô được đưa vào khai thác, là tuyến đường sắt khối lượng lớn, vận chuyển đúng giờ, sẽ giải quyết ùn tắc phía Tây của Hà Nội. Sau quá trình xây dựng, Bộ GTVT đã kiểm tra, nghiệm thu công trình đảm bảo an toàn chất lượng, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu để đưa vào khai thác thương mại.

"Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt tiếp tục chỉ đạo Tổng thầu phối hợp với đơn vị vận hành là Metro Hà Nội trong giai đoạn đầu khai thác, bảo hành, bảo trì công trình theo quy định", ông Đông nói.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đại diện đơn vị tiếp nhận, cho biết, hôm nay chúng ta vui mừng có mặt tại đây để tổ chức lễ bàn giao dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước đưa vào vận hành khai thác.

2.jpg
Chuyến tàu đầu tiên chuẩn bị xuất phát

 

Ông Tuấn cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342km, đi ngầm 75km. "Tuyến Cát Linh - Hà Đông hoạt động sẽ giúp tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, cùng 9 tuyến đường sắt đô thị khác đang xây dựng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông quan trọng, góp phần giảm ùn tắc nội đô", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, với tốc độ như hiện nay, cần 8-10 năm mới xây xong một tuyến đường sắt, do vậy, thành phố sẽ có giải pháp đột phá để thực hiện. "Chúng ta đi qua chặng đường dài, nhiều khó khăn, rút ra nhiều bài học để chuẩn bị các công trình tiếp theo", ông Tuấn nói.

Trong 15 ngày đầu, hành khách được miễn phí vé và được phát sổ tay hướng dẫn đi tàu. Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, đơn vị vận hành, cho biết, nhân viên nhà ga sẽ phát thẻ 0 đồng cho khách và thu lại vào cuối ngày để kiểm đếm số lượng.

3.jpg
Những hành khách đầu tiên trải nghiệm dịch vụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

 

Sau thời gian này, giá vé lượt dự kiến là 8.000 đồng với chặng ngắn và 15.000 đồng toàn tuyến. Ngoài ra, còn có vé ngày 30.000 đồng, vé tháng 100.000- 200.000 theo đối tượng khách. Người được miễn phí đi xe buýt ở Hà Nội cũng sẽ được miễn phí đi tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Tuần đầu, tàu điện hoạt động từ 5h30 đến 20h hằng ngày, tần suất 15 phút mỗi chuyến; tuần tiếp theo 10 phút mỗi chuyến. Sau 6 tháng, thời gian vận hành kéo dài đến 22h30, tần suất giờ cao điểm 6 phút mỗi chuyến. Nếu khách đi đông, biểu đồ chạy tàu sẽ được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trên tuyến đường sắt dài 13 km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây.

Có 52 tuyến xe buýt dọc đường sắt này, riêng ga Cát Linh 16 tuyến. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ, bố trí dịch vụ trông xe cá nhân tại các bến.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2016, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
PV
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top