Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 12 năm 2021 | 11:37

GDRP năm 2021 của Hà Tĩnh đạt 5,02%

Sáng 29/12, Cục Thống kê Hà Tĩnh tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2021. Theo đó tốc độ tăng trưởng GDRP năm 2021 của Hà Tĩnh ước tăng 5,02% so với năm 2020, xếp thứ 4 trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Trần Thanh Bình thông tin, năm 2021 là năm bản lề cho 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế có nhiều biến động lớn, đặc biệt dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ Hà Tĩnh đã lần lượt đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Với tốc độ tăng trưởng GDRP năm 2021 của Hà Tĩnh ước tăng 5,02% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 67,03 triệu đồng/người/năm (tăng 4,91 triệu đồng/người/năm so với năm 2020).

 

122d3091036t30552l0.jpg

Không khí làm việc tại buổi họp báo sáng nay

 

Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,52%; khu vực công nghiêp - xây dựng chiếm 43,95%; khu vực dịch vụ chiếm 31,76%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,77%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá, đặc biệt là lúa xuân đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay với 58,95 tạ/ha; chăn nuôi trâu, bò, lợn vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bệnh dịch; sản lượng gỗ khai thác tăng so với cùng kỳ; sản xuất thủy sản đang nỗ lực ổn định trong trạng thái bình thường mới và tuân thủ các biện pháp phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Tính chung cả năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 16,03%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,93%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 7,09%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 5,77%. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 12,64% so với năm trước.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,71% so với năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 51,3% so với năm trước.

Tính đến ngày 15/12/2021, toàn tỉnh thành lập mới 1.086 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 13.259 tỷ đồng (tăng 15,6% về số lượng và 80% về số vốn đăng ký). Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 là 7,8 tỷ đồng).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 ước tính đạt 46.778,58 tỷ đồng, giảm 0,42% so với năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2021 ước tính đạt 41.939,38 tỷ đồng, chiếm 89,65% tổng mức và tăng 1,99% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 3.491,20 tỷ đồng, giảm 18,51%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 7,35 tỷ đồng, giảm 36,37%; doanh thu dịch vụ khác đạt 1.339,65 tỷ đồng, giảm 13,87%. Doanh thu vận tải, kho bãi năm 2021 ước đạt 4.341,47 tỷ đồng, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

122d3091115t95694l0.jpg
 Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Trần Thanh Bình thông tin số liệu thống kê Hà Tĩnh năm 2021 tại buổi họp báo.

 

Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2020; mức tăng chủ yếu do giá thép tăng cao nên Formosa đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mặt hàng thép (xuất khẩu thép từ Formosa ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa.

Tổng thu NSNN trên địa bàn tính đến ngày 15/12/2021 đạt 15.302,89 tỷ đồng, bằng 151,12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: thu nội địa ước đạt 7.881,28 tỷ đồng tăng 11,49% so với năm 2020; thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.668,98 tỷ đồng, tăng 218,71% so với năm trước. Tổng chi NSNN trên địa bàn tính đến ngày 15/12/2021 đạt 19.975,13 tỷ đồng bằng 105,59% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 27.314 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch giao và tăng 5,06% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 31% GRDP.

Trong năm, chỉ số giá CPI tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước.

Về lĩnh vực xã hội, dân số trung bình năm 2021 ước tính 1.314.056 người, tăng 1,34% so với năm 2020 (tăng 17.434 người).

Theo kết quả rà soát, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 4,68% (17.848 hộ, tương ứng 38.876 khẩu); tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09% (19.426 hộ, tướng ứng 60.896).

Năm học 2021 - 2022, Hà Tĩnh triển khai tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; giữ vững chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, xét nghiệm nhanh, truy vết thần tốc để xử lý triệt để ổ dịch. Hà Tĩnh đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin và tiếp tục linh hoạt trong việc cách ly, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

 

 

Hoàng Hằng
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top