Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 7 năm 2018 | 10:16

Giá cá tra bất ngờ giảm

Trong khi người nuôi lo lắng giá cá tra giảm, nguồn cung của một số địa phương trọng điểm nuôi đang tăng.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 6 có xu hướng giảm sau thời gian dài duy trì ở mức cao kỷ lục.

Sản lượng tăng 9,9%

Theo Bộ NN-PTNT, hiện giá cá tra ở ĐBSCL từ 28.000-30.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã giảm thu gom cá nguyên liệu từ các hộ nuôi dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới. Tại các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang và TP Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu kích cỡ từ 700-800g đang được các công ty mua trả tiền mặt từ 26.500-28.000 đồng/kg. Giá cá tra giống cũng giảm mạnh từ 60.000-70.000 đồng/kg xuống còn 25.000-28.000 đồng/kg.

Giá cá tra bất ngờ giảm - Ảnh 1.

Thu hoạch cá tra tại ĐBSCL Ảnh: NGỌC TRINH

Trong khi đó, sản lượng nuôi cá tra của các địa phương ở ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm ước đạt 643.600 tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương nuôi cá tra trọng điểm có sản lượng lớn như Đồng Tháp đạt 221.200 tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ; An Giang đạt 159.800 tấn, tăng 14,7%.

Ông Huỳnh Quang Khắp (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bộc bạch: "Tôi thuê ao nuôi 4 ha cá tra, vừa rồi mới bán đợt một được 30.000 đồng/kg nhưng nay giảm chỉ còn 26.000 đồng/kg. Nghe nói Trung Quốc là thị trường lớn nhập khẩu cá tra của Việt Nam nhưng họ đang tạm ngưng mua nên giá mới giảm như vậy".

Ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Nhờ sớm cảnh báo người nuôi nên toàn tỉnh có khoảng 450 ha mặt nước nuôi cá tra nhưng vụ này chỉ thả nuôi 200 ha. Hiện giá cá tại đây chỉ còn khoảng 26.000 đồng/kg, giảm 4.000-5.000 đồng/kg so với tháng trước. Với giá này, người nuôi vẫn còn lãi chút ít". Theo ông Hiền, thời gian qua, do thiếu nguồn cung nên giá cá tra tăng đột biến lên hơn 30.000 đồng/kg, còn hiện nay do các nhà nhập khẩu đã nhập đủ hàng nên giá giảm. "Khi giá cá tăng kỷ lục, Chi cục Thủy sản đã khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích thả nuôi vì sợ sau này giá không được tốt như vậy. Ngành nông nghiệp đã kiểm soát được việc này nên không xảy ra tình trạng nông dân đua nhau đào ao nuôi cá tra" - ông Hiền nói.

Cảnh giác yếu tố bất thường

Theo một số DN, khi giá cá tra lên đến 32.000 đồng/kg, các nhà nhập khẩu Trung Quốc tạm ngưng mua để tiêu thụ lượng cá tra tồn kho đã nhập trước đó. Điều này đã làm giá cá tra trong nước giảm vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ mặt hàng này lớn nhất của Việt Nam.

Ông Phan Hoàng Duy, Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), phân tích: "Giá cá tra đang giảm do nhiều nguyên nhân, như Trung Quốc giảm mua, trong khi nguồn cung đang ổn định. Thời gian qua, giá cá tra tăng liên tục, người nuôi nảy sinh tâm lý chờ giá lên cao hơn mới bán nhưng khi giá cá giảm, họ lại lo ảnh hưởng lợi nhuận nên muốn bán ra. Như vậy, lượng cung nhiều hơn cầu, trong khi nhu cầu nhà máy không tăng nên giá cá giảm là tất yếu".

Tuy nhiên, giá cá tra có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới hay không, ông Duy cho rằng điều này phụ thuộc vào thị trường. "Thông thường, thời gian tới là thời điểm các nước nhập khẩu ở châu Âu, Trung Quốc, Mỹ tăng cường lượng nhập hàng cho cuối năm thì nhu cầu thị trường tăng, giá cá tra ổn định hoặc sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ yếu tố bất thường, nhu cầu thị trường không tăng hoặc giảm thì giá cá sẽ giảm tiếp" - ông Duy nhận định. 

 

Khó trở lại mức giá kỷ lục

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định giá cá tra đang trên đà giảm nhưng không đáng lo vì mức giá trên 26.000 đồng/kg vẫn tốt với người nuôi. "Ngành nuôi cá tra không còn có tình trạng tự phát, làm ăn kiểu ăn may mà đã có sự tính toán trước khi đầu tư. Do đó, từ nay đến cuối năm, việc nuôi cá tra vẫn ổn định, giá khó quay trở lại hơn 30.000 đồng/kg những vẫn giữ ở mức tốt, không lo ngại chuyện cung vượt cầu, giá bán dưới giá thành như đã xảy ra trước đây. Về thị trường xuất khẩu, dù thị trường châu Âu chưa hồi phục nhưng tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 vẫn đạt gần 1 tỉ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2017 là tín hiệu đáng mừng nhờ thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN.

Theo VASEP, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang được đánh giá là sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang cả 2 thị trường này. Dự báo xuất khẩu cá tra trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Ông Phan Hoàng Duy nhìn nhận việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chưa có nhiều khởi sắc do rào cản về thuế chống bán phá giá và đạo luật Farm Bill. Liên quan đến đạo luật Farm Bill, vừa qua, Cục Thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm (FSIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng có thông báo về việc hoàn tất quá trình xem xét, đồng thời khẳng định về mặt hồ sơ, hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ. Vừa qua, USDA đã cử đoàn sang Việt Nam đánh giá thực tế 6 nhà máy, trong đó có Caseamex. "Họ đánh giá từ điều kiện nuôi, vận chuyển, sản xuất cho đến xuất khẩu. Kết quả như thế nào sẽ được phía Mỹ thông báo về cho Bộ NN-PTNT" - ông Duy nói.

 
 
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top