Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2019 | 14:42

Giá điện không phải tăng 8,36%

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho biết, qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố.

gia-dien.jpg

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thừa nhận hóa đơn tiền điện tăng 35% trước phản ánh của người dân về hóa đơn tiền điện tăng mạnh trong tháng 4/2019.

Cần minh bạch

Ngay phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sáng ngày 20/5, trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội.

Tại phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách của Chính phủ và quyết toán ngân sách nhà nước 2017 sáng nay (22/5), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho biết, nhiều ngày nay cử tri hỏi ông "liệu tình hình giá điện giảm hay không?".

Đại biểu Ngân khẳng định ông không đồng tình với cách chia bậc thang tính giá điện như hiện nay, đồng thời đề xuất phương án thay thế. Ông phân tích, ở Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ có 3 bậc tính giá điện; Indonesia, Malaysia có 5 bậc nhưng Việt Nam quy định đến 6 bậc, trong đó bậc 1 từ 0-50 kWh và bậc 2 từ 51-100 kWh là quá thấp.

“Hiện, nhu cầu sử dụng điện của người Việt Nam tăng lên do thu nhập tăng, nhu cầu và điều kiện sử dụng các thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng tăng lên. Do đó, bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Do đó, nên gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100 kWh; bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300 kWh”, ông Ngân đề xuất.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho biết, Báo cáo của Chính phủ vừa qua khẳng định việc điều hành giá điện là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một điều hành mà có bức xúc trong cử tri, nhân dân thì nên xem xét lại.

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, ngoài việc thanh tra kịp thời, báo cáo công khai dư luận vấn đề đúng hay chưa đúng việc điều hành giá điện, đề nghị Quốc hội giao UBTVQH có giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán điện, điều chỉnh giá điện, bởi đây là vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.

Trong báo cáo của Bộ Công thương, cũng có quan điểm điều hành để hỗ trợ cho những người sử dụng ít, khuyến khích người sử dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, đại biểu Diếm cho rằng, đối với cơ chế thị trường, quan điểm này chưa phù hợp. Bởi đối với người nghèo, người sử dụng ít, Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền điện.

“Quan điểm của ngành điện trong việc sử dụng giá điện từ bậc 3-4-5 để điều tiết hỗ trợ cho bậc 1-2 tức là ngành điện đã thò túi của người này để bỏ vào túi của người kia mà không được họ đồng tình. Vì vậy, đã gây bức xúc cho người dân và cử tri trong điều hành giá điện vừa qua”, ông Mai Sỹ Diến nêu quan điểm và kiến nghị ngành điện phải xây dựng lại bậc thang bảng giá điện.

Đề nghị kiểm toán vào cuộc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà (Lào Cai) cho biết, qua tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố.

Bà Hà phân tích: Bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá, các chuyên gia kinh tế cho thấy người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng cho 1kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,36% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.

“Nên để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện”, bà Hà nhấn mạnh.

Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi các đại biểu liên quan đến vấn đề này, nhưng đa số đại biểu cho rằng chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri. Đơn cử như việc Bộ lý giải tính luỹ tiến 6 bậc là căn cứ tham khảo của một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc…

Nhưng ở Hàn Quốc thì Chính phủ còn giảm giá điện để giúp các hộ dân vượt qua thời điểm nắng nóng, bởi họ coi đó là thiên tai và cuộc sống người dân cần được bảo đảm. Nước này cũng giảm giá cho hộ thu nhập thấp, cho cơ sở phúc lợi, gia đình có con nhỏ... Ta copy bậc thang nhưng chính sách đi kèm cho người dân lại chưa thể hiện được. Do đó, cách tính luỹ tiến nhưng mức luỹ tiến bao nhiêu để đáp ứng sinh hoạt tối thiểu của người dân thì cần tính toán, cân nhắc.

 

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top