Cung vẫn đang vượt cầu
Theo Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC), trong quý 1 năm 2018, thương mại hồ tiêu thế giới có nhiều biến động, giá giảm sâu nhất từ trước tới nay và phần lớn đã nằm dưới giá chi phí sản xuất của các nước, trừ Brazil.
Tình hình thương mại các nước sản xuất và xuất nhập hồ tiêu lớn đang biến động khó lường, các nhà mua chính đang có xu hướng ít giao dịch hơn, đăc biệt Mỹ, Châu Âu và Trung Đông.
Hiện tại, giá tiêu ở Việt Nam chỉ còn khoảng từ 61.000-64.000 đồng/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là 49.000 đồng/kg. Do giá tiêu giảm mạnh nên mặc dù thời gian qua Việt Nam xuất nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm.
Báo cáo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, khối lượng xuất khẩu tiêu của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 88.000 tấn, giá trị 311 triệu USD, tăng 15,5% về khối lượng nhưng giảm 33,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân các tháng đầu năm 2018 đạt 3.692 USD/tấn, giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Đánh giá tình hình xuất khẩu hồ tiêu từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết, các giao dịch trong mua bán hồ tiêu diễn biến khá sôi động.
Tuy nhiên, năm nay nhiều nhà nhập khẩu cũng thường dựa vào lý do Việt Nam tăng diện tích nên đưa những dự báo về sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2018 quá lớn để trả giá thấp trong mua bán.
Bên cạnh đó, đây cũng là cao điểm vụ thu hoạch, nhiều nông dân ồ ạt bán ra do yếu tố tâm lý và áp lực trả nợ ngân hàng, các đại lý hạn chế thu mua khiến nguồn cung trong một thời điểm ngắn hạn bị vượt quá cao… đã khiến giá hồ tiêu liên tục đi xuống trong thời gian này.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, kinh doanh cả nội địa và xuất khẩu đều vất vả do thương mại ngành hồ tiêu thế giới diễn biến quá mạnh.
Tình trạng giá thấp và biến động không ngừng đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung ứng trong nước đều chịu rủi ro cao do có một số doanh nghiệp bán đón.
Việc này có thể có lợi cho một số doanh nghiệp, do giá xuống nhưng số chung trong từng thời điểm đã gặp rủi ro, tình trạng xù hàng, không thanh toán hợp đồng xảy ra liên tục, nhất là trong năm 2017.
Các doanh nghiệp cho rằng, trong năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn; trong đó có Việt Nam có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung hồ tiêu toàn cầu sẽ vẫn cao hơn năm 2017 và cao hơn nhu cầu.
Điều này khiến giá hồ tiêu trên thị trường thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu của người trồng tiêu sụt giảm mạnh.
Xuất khẩu tiêu Việt Nam không chỉ gặp khó do nguồn cung đang lớn hơn cầu mà còn phải đương đầu do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan…