Nóng nóng kéo dài, nhiều vườn cà phê khô hạn, khiến nông dân phải tưới xuyên Tết
Đầu năm mới, trong khi mọi người nô nức đi chúc Tết, thì nhiều hộ trồng cà phê ở Gia Lai lại kéo máy ra vườn để tưới nước cho cây.
Thời điểm Tết cũng là lúc mùa tưới cà phê vào cao điểm do nắng nóng kéo dài.
Thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán 2019, cũng chính là mùa tưới nước cho cà phê ở Gia Lai vào cao điểm. Nhiều năm trước, khi lượng nước vẫn đều đặn đổ về, lấp đầy sông, suối, quanh các vườn cà phê, người dân nơi đây không quá vất vả trong việc tìm nguồn nước.
Song, 4 năm trở lại đây, lượng nước giảm mạnh, rất nhiều sông, suối cạn đáy, khiến người trồng cà phê Gia Lai điêu đứng.
“Tưới nước là công đoạn quan trọng nhất, quyết định sản lượng cà phê. Nếu không đủ nước, sẽ khiến cây bị giới hạn sức chịu ẩm, và khó phục hồi sau thu hoạch. Lúc này, cây không đủ khỏe để phân hóa mầm hoa, thậm chí có thể chết”, ông Trần Quang Thủy, xã Ia Tô, Ia Grai, cho biết.
Không như những cây công nghiệp dài ngày khác, cà phê có nhu cầu nước rất cao, vì vậy người trồng cũng phải tốn nhiều công sức, chi phí. Đầu Xuân mới, khi người dân nô nức đi chơi, chúc Tết người thân, thì rất nhiều hộ trồng cà phê huyện Ia Grai phải kéo máy ra vườn tưới cho cà phê.
Hơn 2 năm nay, ông Lê Văn Tân, xã Ia Bă, Ia Grai, gần như không có một cái Tết trọn vẹn. Khi người ta kéo máy về nhà, chuẩn bị đón Tết thì ông lại kéo máy ra con suối, cạnh vườn cà phê hơn 2.000 cây, để chuẩn bị tưới.
“Nước bây giờ rất hiếm, khi người ta nghỉ Tết, ít người tưới, mình tranh thủ mới đủ nước cho mấy nghìn cây cà. Còn không thì cứ tưới được một lúc lại hết, phải dừng lại, vừa tốn thời gian, và chi phí nhiều hơn”, ông Tân cho biết.
Năm nay, ông Tân quyết định tưới xuyên Tết, vì lo lắng nước sẽ không về kịp, khi các hộ dân quay lại công việc sau những ngày nghỉ.
“Tôi mới mua giàn béc tưới (dạng ống tưới phun mưa – PV), 29 Tết lắp béc xong, nổ máy cho nó tự hoạt động, rồi về nhà lo Tết, vài tiếng sau lại ra chuyển béc một lần. Tuy tốn kém một chút, nhưng có thể tưới liên tục qua Tết, không phải túc trực thường xuyên”, ông Tân chho biết.
Không có điều kiện lắp béc như ông Tân, anh Lê Văn Vương, xã Ia Grăng, chấp nhận đón năm mới trên vườn cà phê, vì phải tưới bằng ống. Sau khi chúc Tết hàng xóm thân quen, sáng mùng 1, anh đã vội vàng nổ máy tưới nước.
Theo anh Vương, tưới cà phê bằng ống nước vất vả hơn rất nhiều so tưới béc, vì phải canh máy, tự kéo và ráp ống.
“Do nước khan hiếm, nên chúng tôi phải chọn nơi có lượng nước ổn định để đặt máy tưới, có khi điểm đặt máy cách vườn gần 5km. Nếu dùng 1 máy hút không đủ, phải thêm 1 máy đặt giữa để đẩy nước lên. Vất vả, nhưng phải chấp nhận, nếu không cây sẽ chết. Nguồn thu chủ yếu là cà phê, nếu nó chết, chắc cả nhà chết theo”, anh Vương cho biết.
Không chỉ vất vả khi đặt máy, việc tìm nguồn nước cũng gian nan không kém. Theo anh Vương, trước Tết, một số hộ có vườn ở đầu nguồn, dùng bao cát chặn lại để tạo thành hồ. Vì thế, cứ khoảng 21 – 24h, các gia đình phía hạ nguồn muốn có nước, phải men theo dòng chảy tháo nước về.
Chúng tôi gọi vui là “cướp nước”. Tết người ta nghỉ hết, không có ai giành, nên phải tranh thủ tưới. Hết Tết, họ ra máy ồ ạt, lúc đó mình không có nước đâu”, anh Vương tâm sự.
Theo ông Đào Lân Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ia Grai, tổng diện tích cà phê của huyện là 17.587 ha. Trong đó, cây đang kinh doanh là 15.669 ha, còn lại là tái canh.
Năng suất cà phê năm 2018 toàn huyện ước giảm 2.000 tấn nhân, nguyên nhân do thời tiết thất thường. Không chỉ cà phê, hàng trăm ha tiêu và cây trồng khác cũng bị hư hại nghiệm trọng", ông Hưng cho biết.
Điều chín rộ, nông dân Gia Lai buồn vui lẫn lộn
Tết rơi vào đúng cao điểm quả điều chín rộ giúp người dân có tiền mua sắm Tết, tuy nhiên giá bán lại giảm mạnh so với năm ngoái khiến nhiều nông dân lo lắng.
Tết Kỷ Hợi 2019, diễn ra đúng cao điểm thu hoạch điều ở Gia Lai. Điều không cần chăm sóc nhiều như cà phê, vì vậy nguồn thu nhập của người dân rất lớn. Đặc biệt, việc điều chín rộ vào dịp Tết, được xem như nguồn thu đáng kể, để trang trải thêm sau thu hoạch cà phê.
Giá điều xuống khá thấp khiến nông dân lo lắng.
“Cà phê thu hoạch được chỉ đủ để trả nợ ngân hàng. May mà điều chín rộ đúng lúc, nên chúng tôi mới có tiền sắm Tết, và có thêm tiền mua dầu phục vụ mùa tưới”, bà Phan Thị Tươi, Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, chia sẻ.
Song, bà con cho biết, so thời điểm này năm 2018, giá điều thô năm nay giảm từ 10 – 20.000 đồng/kg. Đây là mức giảm mạnh nhất trong gần 10 năm qua.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, xã Ia Tô, năm 2018, mức giá giao động từ 38- hơn 50.000 đồng/kg, bà thu khoảng 150 triệu đồng. Song, năm nay giá đã xuống dưới 30.000 đồng/kg.
“Chiều 30 Tết, tôi chỉ bán điều 29.500 đồng/kg, nhìn lượng quả thì năm nay cũng không được mùa. Nếu cứ duy trì như thế này thì năm nay chắc thất thu so các năm trước”, bà Thu chia sẻ.
Theo Tổng Cục Hải quan, kết thúc năm 2018, xuất khẩu điều không khả quan, lượng tăng nhưng kim ngạch sụt giảm. Sang năm 2019, dự báo, giá điều nhân sẽ tiếp tục trầm lắng, cho đến tháng 3 – 4/2019.
Cụ thể, năm 2018 xuất khẩu hạt điều cả nước đạt 373.500 tấn, trị giá hơn 3,3 tỉ USD, tăng 5,9% về lượng, nhưng giảm 4,2% về trị giá, so năm 2017. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt mức hơn 9.000 USD/tấn, giảm 9,5% so năm 2017.
Việc giá điều xuất khẩu sụt giảm, khiến thị trường điều thô trong nước cũng trầm lắng, các nhà máy không còn động lực mua nguyên liệu đầu vào sản xuất.
Trước Tết Nguyên đán, nhiều lò tách vỏ điều thô đã nghỉ sản xuất, nhu cầu nguyên liệu không còn cao, khiến giá điều thô trong nước khó có biến động đi lên cho đến sau Tết.
Đắk Lắk: Mô hình VAC có hiệu quả
Xuất thân từ gia đình thuần nông, không có điều kiện kinh tế, từ nhỏ anh Nguyễn Hoàng Vũ (SN 1993) thôn 1, xã Cư Kty, huyện Krông Bông, đã ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Đang học năm thứ hai ngành Công nghệ Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Vũ quyết định bỏ ngang, vì thấy không phù hợp. Năm 2013, anh thi đỗ vào ngành Chăn nuôi - Thú y, Trường Đại học Tây Nguyên.
Mô hình nuôi ếch thương phẩm của anh Vũ
Tốt nghiệp, thay vì đi xin việc, Vũ chọn cách về làm nông nghiệp theo cách riêng của mình, không theo lối truyền thống. Nhận thấy khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp là vốn, nên Vũ xác định “lấy ngắn nuôi dài”.
Với 1,2 ha đất của gia đình, anh vay 30 triệu đồng mua 1.000 con gà ri, hiện, tâm lý thị trường chuộng thực phẩm sạch, nên anh chọn cách nuôi thả vườn, để chất lượng thịt cao.
Sau mỗi lứa bán, có vốn, anh xây thêm chuồng trại nuôi 60 con heo sạch. Để dễ chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh, anh Vũ tách thành từng khu riêng, bố trí sát trùng ngay từ cổng ra vào. Bằng cách nuôi gối đầu, tháng nào anh cũng bán 100 - 300 con gà, 15 - 20 con heo. Ngoài ra, còn trồng rau sạch để làm thực phẩm và chăn nuôi.
Đầu năm 2018, anh nhận thấy mô hình nuôi ếch thương phẩm đầy triển vọng, dễ nuôi, ít rủi ro, anh đã đầu tư. Nhờ đầu ra ổn định 70 - 80.000 đồng/kg, lứa ếch 2.000 con nuôi thử nghiệm, sau gần 4 tháng đã cho thu nhập khá.
Sau nhiều nỗ lực, trang trại VAC của anh Vũ đã cho “quả ngọt”. Mỗi năm xuất chuồng hàng nghìn con gà, heo, ếch, đem lại lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. Anh dự định, sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng thương hiệu gà sạch an toàn sinh học, gắn chỉ dẫn địa lý, và hướng tới cung ứng các loại con giống VAC sạch cho thị trường.
Nắng nóng, cà phê khô hạn, nông dân phải làm việc cả trong ngày Tết; điều chín rộ, người dân buồn, vui lẫn lộn; mô hình VAC hiệu quả của thanh niên 9x, là tin tuần tại nhiều địa phương.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.