Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2019 | 14:41

Giá thịt lợn tăng trở lại

Sau khi nhiều địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), giá thịt lợn bắt đầu tăng trở lại do nhu cầu tiêu thụ lên cao của người tiêu dùng. Đây là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp và người chăn nuôi.

tr7.jpg
Tiêu thụ thịt lợn tại các chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện rất khả quan. Ảnh: Đinh Tuấn.

Tuy nhiên, bà con nên thận trọng khi tái đàn, bởi DTLCP vẫn còn diễn biến khá phức tạp.

Không thể thiếu thịt lợn trong bữa ăn

Bà Nguyễn Thị Lan, người dân sinh sống tại khu chung cư Đầm Lấm (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội) cho biết, ngay sau khi biết khu vực mình sinh sống có DTLCP, người dân khá hoang mang, không biết bệnh dịch này như thế nào? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người dân khi sử dụng thịt lợn hay không?

“Mặc dù xem truyền hình, đọc báo được biết DTLCP không ảnh hưởng đến sức khỏe, không lây lan đối với người, nhưng chúng tôi vẫn có tâm lý e ngại mua thịt lợn. Đổi sang các loại thực phẩm khác như gia cầm nhưng không có thịt lợn trong bữa ăn cũng thấy thèm, nên khi biết đã hết dịch DTLCP, chúng tôi tăng mua thịt lợn ăn trở lại. Có điều là phải chế biến thật kỹ cho yên tâm”, bà Lan chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đồng Than (Yên Mỹ - Hưng Yên) cho hay, người dân vùng nông thôn chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt để phát triển kinh tế. Từ khi xã phát hiện DTLCP, nhiều hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi rất lo lắng vì khó bán được lợn do ít người tiêu thụ. Chúng tôi vẫn biết bệnh dịch không lây sang người, nhiều người thì sợ không dám ăn thịt lợn chuyển sang ăn thịt gia cầm nhưng ăn mãi rồi cũng chán. Thịt lợn cho nhiều chất dinh dưỡng nên không thể thiếu trong bữa ăn của chúng tôi.

Trở lại xã Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội), nơi phát hiện ra DTLCP ngày 17/3/2019, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Như (xóm Chùa) cho biết: Người dân biết có DTLCP khi chính quyền và cán bộ thú y về đây phun thuốc  khử trùng, tiêu hủy lợn mắc bệnh. Nghe tuyên truyền là không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu như ăn chín  nên chúng tôi vẫn sử dụng thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày.

Sức mua tăng trở lại

Sau một tháng người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn do lo sợ DTLCP, sức mua thịt lợn tại một số địa phương bắt đầu tăng.

Chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam lâu nay được coi là chợ đầu mối lợn lớn nhất miền Bắc, chuyên cung cấp lợn thịt và các loại gia súc, gia cầm đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố. Nếu những ngày đầu tháng 3/2019, giao dịch lợn thịt giảm 1/3 so với trước đây thì nay đã tăng trở lại.  Sang giữa tháng 4, giao dịch lợn thịt tại chợ tăng lên 40% so với cách đây 2 tháng, giá thịt lợn hơi, tăng lên trên 40.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam, cho biết: Đầu tháng 4, số lợn xuất bán qua chợ đầu mối từ 500 đến hơn 1.000 con/ngày.

Theo ông Lộc, những ngày gần đây, có lúc giao dịch lợn thịt tại chợ đầu mối này lên đến 1.500 con lợn/ngày với giá trung bình trên 45.000 đồng/kg.

Khoảng 20 quầy bán thịt lợn tại chợ Tân Kim, chợ truyền thống tại Trung tâm TP. Hải Dương rôm rả người mua, kẻ bán… Bà Tăng Thị Sen, người bán thịt lợn tại chợ cho biết, điều này trái ngược hoàn toàn với hình ảnh cách đây khoảng một tháng, khi tỉnh Hải Dương công bố phát hiện ổ DTLCP đầu tiên.

"Người dân mua thịt lợn cũng tăng lên nhiều. Lúc mới có dịch thì không bán được nổi nửa con nhưng giờ đã bán được nhiều hơn rồi. Đối với người bán thực phẩm thì an toàn thực phẩm phải đặt trên hết, thịt phải qua kiểm dịch thì chúng tôi mới bán", bà Sen cho hay.

Hưng Yên và Hà Nội là nơi có 2 địa phương đầu tiên công bố hết DTLCP, giá lợn hơi hiện ở mức 42.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Còn ở Ninh Bình, giá lợn hơi tăng thêm 4.000 đồng/kg, hiện dao động ở mức 42.000 đồng/kg.

Thái Nguyên và Lào Cai là nơi ghi nhận mức giá lợn hơi cao nhất, ở mức 43.000 đồng/kg. Một số tỉnh như Yên Bái, Bắc Giang, Ninh Bình, Nghệ An, giá lợn hơi hiện cũng tăng, lên 42.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, giá lợn hơi cũng tăng trung bình 1.200-1.300 đồng/kg. Một số địa phương có mức giá lợn cao như: Trà Vinh 49.000 đồng/kg, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu 46.000 đồng/kg hay Cần Thơ, Tiền Giang 47.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, giá lợn trên địa bàn Đồng Nai liên tục tăng. Hiện tại Gia Kiệm và Trảng Bom, giá lợn hơi ở mức 45.000 - 46.000 đồng/kg, tăng hơn 7.000 - 8.000 đồng/kg so với thời điểm thấp nhất hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Làm tốt công tác phòng chống dịch

Để nhanh chóng khôi phục đàn lợn, hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Minh Đức, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương, cho biết, cần tăng cường giám sát, kiểm tra các khu vực đã từng có dịch và yêu cầu người chăn nuôi hết sức cẩn trọng khi tái đàn.

"Hướng dẫn cho bà con chỉ tái đàn 10% công suất chăn nuôi tại chuồng, trại đó. Sau 30 ngày kiểm tra nếu như âm tính với DTLCP thì chúng tôi sẽ hướng dẫn tái đàn tiếp tới 100%. Trong quá trình nuôi đều yêu cầu bà con phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn lợn. Nếu có dấu hiệu khác thường thì phải báo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương", ông Đức nói.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khuyến nghị, để ổn định sản xuất, khi bảo đảm công bố hết dịch, các hộ chăn nuôi lợn nên tái đàn trở lại. Tuy nhiên, quá trình tái đàn cần phải thận trọng. Trong đó, lưu ý áp dụng theo quy trình an toàn sinh học, không nên tái đàn ồ ạt. Bởi mặc dù các vùng dịch đã công bố hết dịch nhưng có thể mầm bệnh, nguồn vi-rút vẫn còn lưu hành dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch nếu không áp dụng biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau Chỉ thị 04/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTPCP, số tỉnh, thành xảy ra  dịch được khoanh vùng là 23, lưu thông thịt lợn sản phẩm bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh đã từng bước được khống chế.

“Khu vực xảy ra dịch là ở các hộ nuôi lẻ, đây là khó khăn trong phòng chống dịch khi an hoàn sinh học khó thực hiện. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang cung cấp 45% lượng thịt lợn ra thị trường. Người tiêu dùng đã dần quay lại với thịt lợn, lượng thịt lợn tiêu thụ trên thị trường đã bước đầu được cải thiện, giá thịt tăng lên 40.000 đồng/kg”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, làm tốt công tác phòng chống DTLCP là biện pháp quan trọng hàng đầu để dịch không có cơ hội lan truyền đến vùng chưa có dịch, đến trang trại nuôi lợn thịt lớn trên địa bàn cả nước. Còn đối với những địa phương bị DTLCP làm thiệt hại do phải tiêu hủy rất cần có sự hỗ trợ cho người chăn nuôi để tái đàn ngay.

Thiệt hại do DTLCP rất lớn, tuy nhiên, nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt, không những hạn chế được thiệt hai do dịch bệnh gây ra mà còn là điều kiện để cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững và an toàn.

 

"Từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn dự báo tiếp tục lạc quan, với chiều hướng tăng thêm chứ không giảm. Trong đó, giá lợn có thể sẽ tăng cao trong khoảng từ quý III và quý IV/2019".

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top