Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 16:21

Giá thịt lợn Trung Quốc tăng trở lại gây lo ngại cho toàn cầu

Chiếm 56% tổng sản lượng và 45% lượng tiêu thụ thịt lợn toàn cầu, giá thịt lợn ở Trung Quốc đang tăng nhanh gây lo ngại sẽ tác động lan truyền đến các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Giá lợn hơi tăng 46%

Giá thực phẩm tăng trên thị trường Trung Quốc và toàn cầu bắt đầu tác động đến ngành thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi lợn trong những tuần gần đây.

Đầu tháng 7/2022, một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của Trung Quốc, bao gồm cả New Hope Group, đã thông báo tới khách hàng sẽ tăng giá thức ăn cho lợn, gia cầm và cá do giá khô đậu tương, ngô và lúa mì tăng. Và hầu hết các doanh nghiệp bắt đầu tăng giá từ ngày 4 - 10/7.

Thị trường thịt lợn, loại thịt tiêu thụ chủ lực ở Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, vì đậu tương và ngô là những nguyên liệu chính được sử dụng trong ngành chăn nuôi lợn.

Theo số liệu mới đây của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, tính đến đầu tháng 7, giá lợn hơi ở nước này đã tăng 46% so với tháng 3/2022.

Theo dữ liệu CPI gần đây nhất của Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng của nước này tháng 6/2022 tăng 2,5% so với một năm trước đó, cao hơn mức tăng 2,1% của tháng 5 và cao nhất trong gần hai năm qua. Giá thịt lợn tháng 6 tăng gần 3% so với tháng 5, làm gia tăng áp lực lạm phát.

Điều đáng chú ý là, giá thịt lợn của Trung Quốc tăng mạnh bất chấp sản lượng thịt lợn cũng tăng, với sản lượng quý 2/2022 đạt mức cao nhất nhiều năm do đàn lợn hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi.

 

01.jpg
Các nhà chế biến thịt Trung Quốc cũng đang tính đến việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài.

 

Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc quý 2/2022 tăng lên 13,78 triệu tấn, mức cao nhất trong khoảng thời gian ít nhất kể từ năm 2015.

Sự gia tăng này diễn ra bởi người chăn nuôi tăng số lượng lợn nái vào năm 2020 và năm 2021 sau khi dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tàn phá đàn lợn của nước này vào năm 2019.

Quý 2 thường là khoảng thời gian sản lượng thịt lợn thấp nhất trong năm do lượng giết mổ tăng vọt trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Trung Quốc - trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3, nhưng năm nay thì khác.

Sản lượng thịt lợn Trung Quốc trong quý 2/2022 đúng bằng sản lượng quý 4/2021 và cao hơn 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết.

Dữ liệu cũng cho thấy 365,87 triệu con lợn đã bị giết mổ trong nửa đầu năm. Trong đó, 16 nhà sản xuất lợn hơi lớn cho biết đã bán tổng cộng 63,6 triệu con lợn, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà sản xuất hàng đầu như Muyuan Foods và Wens Foodstuff báo cáo mức tăng lần lượt 80% và 70 %, theo thông tin từ Boya Consulting.

Trong những tháng đầu năm nay, sản lượng thịt lợn tăng trong khi nhu cầu giảm do dịch Covid-19 bùng phát nhiều lần, tạo ra nguồn cung dư thừa và gây áp lực lên giá cả cũng như lợi nhuận từ ngành nuôi lợn.

Đa số người chăn nuôi lỗ lớn trong 6 tháng qua. Họ bắt đầu tiêu hủy một số lợn nái của mình vào cuối năm ngoái, đẩy nhanh tiến độ tiêu hủy lợn nái trong quý 1/2022 do càng nuôi càng lỗ, và điều đó có thể đồng nghĩa với việc sản lượng thịt lợn sẽ giảm vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, cơ quan thống kê cho biết, tổng đàn lợn đã đạt 430,57 triệu con vào cuối tháng 6, tăng từ 422,53 triệu con vào cuối tháng 3

Đó là lý do giá thịt lợn mới tăng nhanh trở lại trong thời gian gần đây, với tỷ suất lợi nhuận chỉ chuyển biến từ tiêu cực sang tích cực kể từ tháng 6/2022. Giá cả tăng đang gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách nhà nước, buộc họ phải vào cuộc để cố gắng hạ nhiệt cơn “sốt’ giá thịt lợn.

Theo Bloomberg, nhằm kiềm chế giá thịt lợn đang có khả năng tăng cao trở lại, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch quản lý số lượng tổng đàn lợn cả nước trực tiếp đến tận từng hộ chăn nuôi, khuyến khích ngân hàng cho người chăn nuôi vay tái và khởi đàn, đồng thời bán thịt lợn từ nguồn dự trữ nhà nước. Các nhà chế biến thịt quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này cũng đang tính đến việc tăng nhập khẩu thịt lợn.

Cân nhắc xả kho dự trữ chiến lược

Đầu tháng 7, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này đang cân nhắc xả kho dự trữ thịt lợn chiến lược nhằm kiềm chế đà tăng giá của loại thực phẩm chủ lực này.

Theo ủy ban trên, giá thịt lợn tăng đột biến là do “các hành vi phi lý” của các chủ trang trại như găm giữ nguồn cung và cung cấp nhỏ giọt ra thị trường. Do đó, ủy ban yêu cầu các nhà cung cấp thịt lợn sản xuất với tốc độ bình thường, đồng thời cảnh báo họ không nên tích trữ.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cũng chỉ thị chính quyền các địa phương giải phóng nguồn cung kịp thời để ngăn chặn nguy cơ giá tăng mạnh.

Trung Quốc hầu như không chịu tác động từ tình trạng lương thực tăng mạnh trên toàn cầu liên quan tình hình xung đột tại Ukraine hiện nay.

Tuy nhiên, giá thịt lợn ở nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn trong những năm gần đây, khiến lạm phát tiêu dùng tăng đột biến.

Năm 2019, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, sẽ giải phóng đất để khôi phục sản xuất thịt lợn, đồng thời mở kho dự trữ để kiềm chế đà tăng giá.

Chuyên gia về chăn nuôi lợn của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Wang Zuli cho biết, trong bối cảnh giá thịt lợn tiếp tục tăng, người chăn nuôi lợn đang “chuyển lỗ thành lãi”, với lợi nhuận khoảng 60 nhân dân tệ (khoảng 210.000 đồng)/con.

Ông Wang cho rằng, những ngày đen tối nhất đối với người chăn nuôi lợn đã qua và nguồn cung thịt lợn dự kiến tăng trong thời gian tới.

Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Tại Việt Nam, đầu tháng 7/2022, giá lợn hơi cao nhất là 61.000 đồng/kg thì đến nay, lợn hơi tăng 11.000 đồng/kg (hiện là 72.000 đồng/kg), tương đương 18%.

Giá lợn tại Trung Quốc đã tăng lên khá cao so với Việt Nam, chênh lệch gần 20.000 đồng/kg, dẫn đến xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, khiến giá lợn tại thị trường Việt Nam tăng theo.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định, giá lợn hơi tăng theo giá thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, thị trường ghi nhận đang có đợt dịch chuyển lợn từ Nam ra Bắc, khiến nhu cầu tăng và giá đi lên. Với mức giá hiện tại, người nông dân đang hòa vốn hoặc có lãi nhẹ. Thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá lợn hơi Việt Nam có thể bằng giá khu vực.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 6 lần tăng, tương đương tăng khoảng 20%, cộng các chi phí đầu vào khác (con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc khử khuẩn, sát trùng...) nên giá bán lợn hơi phải trên 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi, tạo động lực đầu tư, tái đàn.

Lý do dẫn đến tăng giá thức ăn, phần lớn là do nguyên liệu sản xuất và chi phí vận chuyển tăng khi giá xăng, dầu tăng và quan trọng hơn cả là phần lớn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện phải nhập từ nước ngoài, đặc biệt cuộc xung đột căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến tình hình nguồn nguyên liệu càng khan hiếm.

Thức ăn chiếm 70 - 80% trong tổng cơ cấu giá thành chăn nuôi. Trước giá cám tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã tìm cách tự phối trộn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm chi phí sản xuất, nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt và phù hợp với hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ (từ vài chục con lợn trở xuống).

Do đó, nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá lợn vẫn ở mức thấp thì nguy cơ nhiều hộ chăn nuôi lớn phải giảm đàn để giảm chi phí, hộ nuôi quy mô nhỏ có thể phải “treo chuồng”.

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top