Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 6 năm 2022 | 22:3

Gieo sạ - tác nhân khiến lúa ma bùng phát

Gieo sạ từng được xem là tiến bộ do giảm sức lao động, chi phí sản xuất, hiệu quả hơn cấy truyền thống, nhưng đến nay lại là tác nhân khiến lúa ma bùng phát.

Ngày 30/6, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của 15 tỉnh thành phía Bắc đã họp tại Hưng Yên để tìm giải pháp diệt trừ lúa ma - giống lúa đang bùng phát khiến 1.800 ha lúa xuân bị thiệt hại, trong đó 453 ha nặng và 35 ha mất trắng. Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lo ngại vụ mùa tháng 10 tới, lúa ma sẽ xuất hiện dày, thiệt hại sẽ lớn hơn.

Đại diện cho tỉnh bị thiệt hại 500 ha lúa trong vụ xuân 2022, ông Nguyễn Quốc Việt, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định, chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến diện tích lúa ma tăng nhanh. Nửa đầu năm thời tiết khắc nghiệt, rét liên tục khiến nông dân không phun thuốc diệt cỏ sớm trong giai đoạn hậu và tiền nảy mầm của lúa ma, sau đó dù phun cũng không diệt trừ được.

Người dân vẫn chưa ý thức được những tác hại của lúa ma. "Thực tế khi cắt lúa ma, thay vì tiêu hủy như khuyến cáo thì nhiều người lại vứt ngay trên đồng hay dưới mương, càng làm cho tốc độ lây lan khủng khiếp hơn", ông Việt nói. Có gia đình mua giống một lần, song một hai vụ tiếp theo lại dùng thóc mới thu hoạch ra để gieo cấy, khiến lúa ma cứ thế nhân rộng.

Ông Việt nói, từ năm 2010, gieo sạ - hình thức nhà nông lấy hạt lúa giống đã được ngâm ủ nảy mầm gieo trực tiếp xuống ruộng - được xem là tiến bộ vì giảm sức lao động, chi phí sản xuất, năng suất và hiệu quả kinh tế hơn so với việc cấy truyền thống (gieo mạ ở sân, ruộng, sau đó vùi xuống ruộng). Nhưng đến nay, phương pháp này lại là tác nhân làm gia tăng diện tích ảnh hưởng bởi lúa ma. Tại Nam Định, có hai huyện gieo sạ 100% thì cả hai bị nhiễm nhiều nhất.

Một lý do khác, theo ông Việt là nhân công cho việc diệt lúa ma thiếu hụt. Nông dân gieo sạ xong để đấy đi làm nhà máy, khi thấy lúa dại lấn át lúa thường thì sẵn sàng bỏ. Nam Định từng vận động các huyện trích kinh phí hỗ trợ bà con diệt lúa gây hại này, song "như muối bỏ bể".

 

Nông dân Hà Nam nhổ bỏ lúa ma. Ảnh: Phạm Chiểu

Nông dân Hà Nam nhổ bỏ lúa ma. Ảnh: Phạm Chiểu

 

Vụ xuân vừa qua, lúa ma xuất hiện khắp huyện, thành phố tại Ninh Bình với hơn 1.200 ha bị ảnh hưởng. Ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình, đánh giá do đặc thù dễ sinh trưởng, tồn tại lâu trong môi trường, lúa ma đang lây lan với cấp số nhân. Hiện diện tích gieo sạ ở phía Bắc chiếm 50% tổng diện tích, khiến việc kiểm soát lúa ma khó khăn.

"Nhận diện lúa ma cũng rất khó. Tôi nhìn nhiều cũng không thể phát hiện được vì quá giống lúa thường, nếu bảo nhổ bỏ thì nhổ hết", ông Hiếu nói và khẳng định chỉ có chuyển đổi phương thức gieo cấy thì mới mong diệt được.

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình, cũng khẳng định hiện cứ khu vực nào gieo sạ là xuất hiện lúa ma, huyện Kiến Xương là một ví dụ. "Biện pháp nhổ bỏ là không khả thi. Dứt khoát phải bỏ sạ. Vùng nào sạ mà chuyển qua cấy là hết", ông Giang nói.

TP Hà Nội có diện tích lúa lớn nhất miền Bắc, nhưng tỷ lệ nhiễm lúa ma thấp, năm 2020 có 10 ha tại huyện Sóc Sơn, năm 2022 giảm chỉ còn 1,2 ha. Bà Lưu Thị Hằng, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, cho rằng để diệt lúa ma quan trọng nhất là quản lý giống, xử lý triệt để. Khi phát hiện lúa ma, chính quyền khoanh vùng, điều tra xuất phát từ đâu và tổ chức diệt bỏ.

"Năm 2020, khi Sóc Sơn phản ánh về lúa ma, chúng tôi xuống điều tra thì phát hiện diện tích nhiễm là do người dân sử dụng giống lúa của một công ty chưa được cấp phép lưu hành. Năm 2021, ở huyện Thạch Thất cũng xuất hiện mấy sao lúa ma do người dân mang giống từ miền Nam ra cấy", bà Hằng chia sẻ.

Nói về giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất trong việc diệt trừ lúa ma, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng phải chuyển đổi từ gieo sạ sang cấy tay và máy. "Phương thức này không chỉ giảm lúa gây hại mà còn giúp giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước. Thời gian tới cấy sẽ được khuyến khích không chỉ phía Bắc mà cả phía Nam", ông nói.

Lúa ma, hay còn gọi là lúa cỏ, lúa trời, lúa hoang, có thời gian sinh trưởng ngắn hơn lúa thường. Hiện có ba loại lúa ma gồm: Loại cây cao, hạt thóc râu dài; loại cây thấp, hạt thóc có râu và loại cây lùn, hạt thóc không râu. Loại này rất dễ rụng hạt, khả năng tồn tại tốt. Trong điều kiện chôn sâu dưới đất ngập nước, chỉ sau một tháng lúa ma đạt tỷ lệ nảy mầm trên 90%. Chúng sinh trưởng mạnh, lấn át lúa trồng. Sau khi trổ bông, chúng đổ và kéo theo cả lúa thường.

Lúa ma bắt đầu xuất hiện rải rác tại các tỉnh phía Bắc từ năm 2015, song ba năm gần đây bùng phát mạnh. Nếu mật độ 100 hạt lúa ma trên một m2 thì sẽ làm giảm năng suất lúa trồng khoảng 30%, còn 1.000 hạt/m2 thì làm giảm đến 90%. Việc diệt trừ rất khó khăn do chưa có loại thuốc diệt cỏ đặc trị mà không ảnh hưởng tới lúa trồng.

 

 

 

vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Top