Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 5 năm 2022 | 10:35

Gỡ khó cho “tàu 67”: Cần sửa đổi nhiều chính sách

Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được đánh giá là hệ thống chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác hải sản xa bờ.

Nghị định thể hiện quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác hải sản xa bờ, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, những khó khăn, vướng mắc dần lộ rõ, cần sớm sửa đổi Nghị định 67 sao cho sát thực tế...

Kỳ 1: Ngư dân lâm cảnh nợ nần, bị ngân hàng kiện

Đóng tàu theo Nghị định 67 từng được kỳ vọng là cơ hội để những ngư dân vươn khơi xa, bám biển, đổi đời, nhưng đến nay, thực tế nhiều ngư dân đang lâm cảnh nợ nần, bị ngân hàng kiện ra tòa…

Ngư dân vỡ nợ

Ông Đỗ Văn Tiến (58 tuổi, ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) từng sở hữu con tàu vỏ thép giá trị khoảng 16,3 tỷ đồng, nhưng nhiều năm qua phải chật vật làm đủ nghề để trang trải cuộc sống cho gia đình.

Tháng 2/2016, tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, số hiệu QNa-93455TS (công suất 814 CV), với tổng giá trị 16,3 tỉ đồng của gia đình ông Tiến chính thức hạ thủy vươn khơi bám biển. Tàu hoạt động được khoảng 2 năm nhưng đánh bắt không hiệu quả, không có khả năng trả nợ nên đành nằm bờ. Neo đậu quá lâu nên tàu đã xuống cấp nghiêm trọng,  cabin, khoang tàu, hầm máy... hoen gỉ nặng. Tháng 11/2021, tàu đã được thanh lý... bán sắt vụn.

 

1-copy.JPG
Tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Quảng Nam nằm bờ nhiều năm.

 

“Tàu đóng với số tiền lớn nhưng khi thanh lý thì chưa được 10% (1,5 tỷ đồng). Hiện nay, gia đình nợ ngân hàng khoảng 14 tỉ đồng nhưng chưa có cách gì để chi trả khoản nợ này”, ông Tiến chia sẻ.

Theo ông Tiến, nguyên nhân khiến tàu mới hoạt động nhưng phải “đắp chiếu” nằm bờ là do ngư trường đánh bắt hạn hẹp, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi quá lớn. Việc đánh bắt không hiệu quả dần dà cũng mất hết bạn thuyền.

Không riêng gì gia đình ông Tiến mà trên địa bàn còn có 3 ngư dân khác cũng lâm cảnh nợ nần phải thanh lý tàu.

Tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 số hiệu QNa-94989 TS (công suất 822 CV), do ngư dân Trần Công Chi (52 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) làm chủ, neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều suốt nhiều năm qua, mới thanh lý gần đây.

 

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, giai đoạn thực hiện Nghị định 67 từ năm 2014 - 2017, các ngân hàng cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp). Sau khi đưa vào khai thác, đến nay có 41 tàu bị hư hỏng, trong đó 20 tàu hư hỏng nặng, có tranh chấp giữa chủ tàu và nhà máy kéo dài đến năm 2017 mới giải quyết xong. Đặc biệt,  vẫn còn 278 tàu cá vỏ thép chủ tàu không thực hiện duy tu, bảo dưỡng theo quy trình dẫn đến nhiều tàu bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ và hoạt động của tàu.

 

Theo ông Chi, trước đây ông đi tàu gỗ nhưng sau khi được sự động viên, khuyến khích, ông tham gia đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Tàu ông đóng vào năm 2015, với tổng vốn khoảng 11,3 tỉ đồng, đầu năm 2016, tàu hạ thủy hành nghề lưới rê.

Hoạt động được một thời gian ngắn thì nghề lưới rê không hiệu quả, gia đình vay thêm 2 tỉ đồng để chuyển sang nghề khai thác lươn. Nhưng rồi nghề khai thác lươn cũng lỗ vốn. Ông Chi tiếp tục đầu tư thêm gần 3 tỷ đồng chuyển sang nghề câu mực khơi nhưng vẫn không hiệu quả. Không đủ tiền mua bảo hiểm, tàu nằm bờ, con tàu đã được thanh lý cách đây không lâu với số tiền chỉ gần 1,5 tỷ đồng. Việc ngân hàng bán thanh lý con tàu, coi như gia đình ông mất khả năng trả nợ. Bởi vì vay mượn để 2 lần cải hoán con tàu, không biết đến bao giờ mới trả nợ được cho ngân hàng.

Theo ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân khiến tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 nằm bờ là do sức ép của thị trường, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Ngoài ra, sức ép chi phí để vận hành con tàu thép cao.

Sau khi vay vốn ngân hàng để đóng tàu, nhưng nhiều ngư dân lại không có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, chỉ trả nợ theo kiểu “nhỏ giọt”, chính vì vậy, sau 5 năm, số nợ trả không được bao nhiêu khiến nhiều ngân hàng buộc phải kiện ngư dân ra tòa, nhằm thanh lý tàu để thu hồi lại ít vốn. Đến thời điểm này, có hơn 30% số tàu đã bị ngân hàng thanh lý để bán.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 63 “tàu 67”. Trong đó, 24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép, 2 tàu composite. Đáng chú ý,  6/63 tàu không hoạt động hoặc hư hại do sự cố thiên tai, tai nạn và nằm bờ. Tổng nợ xấu của hoạt động tín dụng liên quan tới “tàu 67” trên địa bàn chạm mốc 250 tỷ đồng; chiếm khoảng 60% tổng nợ xấu của toàn tỉnh.

Bị ngân hàng kiện, phải bán đất trả nợ

Phú Yên có 19 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67; trong đó có 8 tàu vỏ thép, 7 tàu compotsite và 4 tàu vỏ gỗ, chủ yếu hành nghề lưới vây và lưới chụp. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 6 tàu hoạt động hiệu quả, còn lại hoạt động cầm chừng, thua lỗ; 10 tàu cá đã bị các ngân hàng khởi kiện, chuyển qua thi hành án.

Ông Võ Văn Lành ở phường 6 (TP. Tuy Hòa) là một trong số những người vay vốn đóng tàu 67 bị ngân hàng khởi kiện, chuyển qua thi hành án. Ông Lành được Nhà nước cho vay hơn 30 tỷ đồng để đóng mới 3 tàu cá theo Nghị định 67, trong đó có 2 tàu vỏ gỗ cùng công suất 713CV và 1 tàu vỏ composite có công suất 800CV. Sau 3 năm hoạt động không hiệu quả, tính đến thời điểm này, ông Lành nợ quá hạn ngân hàng cả gốc lẫn lãi hàng tỷ đồng. Em ông Lành là ông Võ Văn Tú (phường 6, TP. Tuy Hòa) cũng vay ngân hàng hơn 22 tỉ đồng để đóng 1 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite, chuyên khai thác cá ngừ đại dương. Như anh trai, sau một vài chuyến biển có lãi, trả được nợ ngân hàng tầm 1,5 tỉ đồng; những chuyến biến sau, gia đình ông Tú phải bù lỗ khi chi phí mỗi chuyến biển gia tăng nhưng sản lượng khai thác, rồi giá cả thị trường không được như kỳ vọng.

Tại cảng cá Phú Lạc, mới đây, cơ quan thi hành án đã tiến hành kê biên, xác minh kiểm kê tài sản đối với tàu cá PY99993TS của ông Đỗ Ngọc Tín (phường Hòa Hiệp Nam, TX. Đông Hòa). Năm 2017, ông  Tín vay 18,5 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Yên. Ông Tín đối ứng thêm 1 tỷ đồng và thế chấp với ngân hàng hai thửa đất để được để đóng mới tàu cá vỏ sắt có chiều dài 27,8m, công suất 800CV, hành nghề lưới chụp. Sau 5 năm khai thác, đến nay số tiền gia đình nợ ngân hàng lên đến 18,9 tỷ đồng nên phải bán đi một thửa đất (300 triệu đồng) để trả cho ngân hàng, thửa còn lại cũng vừa phải kê biên trả nợ.

Theo một số ngư dân, tàu cá 67 hoạt động không hiệu quả một phần do họ chưa lường hết khó khăn khi vươn khơi với tàu công suất lớn. Bởi tàu lớn thì phí tổn lớn, lao động nhiều, số tiền chi ra để chuẩn bị mỗi chuyến biển cũng lớn gấp 2-3 lần trước kia. Trong khi đó, ngư trường khai thác không thuận lợi, nguồn thủy sản giảm sút, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá cả biến động… khiến nhiều chuyến biển thua lỗ, tàu cá phải nằm bờ. Việc đánh bắt không hiệu quả, dần dà cũng khiến chủ tàu mất hết bạn thuyền, mỗi lần muốn tìm đủ bạn để ra khơi càng khó khăn hơn.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết, có 3 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gồm BIDV, Agribank, Vietinbank cho ngư dân vay đóng tàu cá theo Nghị định 67. Đến ngày 31/12/2021, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 tại Phú Yên là trên 156 tỷ đồng. Hiện, một số tàu cá đã được các ngân hàng thương mại thu giữ để xử lý vẫn chưa được bán đấu giá vì không có người mua. Trong bối cảnh này, một số trường hợp, ngân hàng đồng ý để ngư dân bảo quản tàu vỏ thép và tiếp tục ra khơi đánh bắt để có kế sinh nhai cũng như có điều kiện để trả nợ.

“Mặc dù bị khởi kiện, tòa án đã xử xong nhưng ngân hàng cho chúng tôi tiếp tục quản lý tàu cá để khai thác. Hiện mong muốn lớn nhất của gia đình là ngân hàng xem xét xây dựng lại kế hoạch cho trả nợ phù hợp để ngư dân có thể tiếp tục ra khơi đánh bắt”, ngư dân Nguyễn Văn Chúng ở phường Hòa Hiệp Trung (TX. Đông Hòa) nói.

Ngư dân Đỗ Ngọc Tín thì bày tỏ: “Tôi mong các cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp ngư dân tiếp tục bám biển với tàu cá 67”.

Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được thực hiện đã tạo điều kiện giúp ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá để khai thác xa bờ, phù hợp với định hướng phát triển nghề cá theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, do sản lượng thủy sản những năm gần đây suy giảm, hiệu quả từ chuyến biển không đạt nên nhiều tàu cá thua lỗ, không còn khả năng trả nợ. Để gỡ khó cho ngư dân, UBND tỉnh Phú Yên đã có các công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Phú Yên, các ngân hàng thương mại gia hạn thời gian trả nợ cho các chủ tàu cá.

 

1.JPG
Tàu 67 ở Thiên- Huế đang vượt khó để vươn khơi, bám biển trả nợ vay ngân hàng.

 

Ngư dân Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) cho biết, cách đây 5 năm, ông bán con tàu vỏ gỗ 320CV hành nghề lưới vây rồi vay ngân hàng đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 hơn 18 tỷ đồng. Ngày “tàu 67” ông hạ thủy, không chỉ mang đến niềm vui cho ngư dân vùng biển này mà cả ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế. Lúc đó, ông Chiến tin những chuyến ra khơi bằng con tàu hiện đại này sẽ mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng trả hết nợ ngân hàng.

“Thời gian đầu ra khơi đánh bắt khá hiệu quả, cũng trả được vài trăm triệu cho ngân hàng nhưng các chuyến biển sau thì thua lỗ triền miên. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, vật giá tăng cao nên đang gặp rất nhiều khó khăn. Do vẫn còn nợ ngân hàng số tiền lớn nên cũng cố gắng vươn khơi để có tiền thanh toán”, ông Chiến cho hay.

Theo ngư dân Trần Phi, một “chủ tàu 67” ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), trong số 9-10 tháng tàu hoạt động, bình quân mỗi tháng 1-2 chuyến đánh bắt nhưng không phải chuyến nào cũng có lãi. Phần lớn các chuyến biển thường cho thu nhập 100-200 triệu đồng, trừ các khoản xăng dầu, trả công bạn thuyền, các chi phí nhiên liệu khác…, chủ tàu lãi chừng 50 -100 triệu đồng. Giờ đánh bắt khó khăn thêm dịch dã, xăng dầu tăng giá nên “tàu 67” nói riêng và tàu đánh cá nói chung đang gặp nhiều khó khăn.

 

Nếu không có những giải pháp kịp thời để bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì tàu đóng theo Nghị định 67 còn những chuyến ra khơi sẽ ngày càng chật vật.

 

Ông Chiến, ông Phi cũng như nhiều ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 ở Thừa Thiên - Huế đều ý thức rằng, việc trả nợ là trách nhiệm của ngư dân, buộc phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Sau khi các ngân hàng triệu tập làm việc để “gỡ nợ”, ngư dân đều cam kết sẽ trả nợ đúng quy định, tránh bị khởi kiện. 

Bất cập trong thực thi chính sách

Gần 6 năm trước, tàu cá vỏ thép đầu tiên của Quảng Ngãi trị giá gần 14 tỷ đồng, được đóng mới từ vốn vay theo Nghị định 67, được bàn giao cho ông Võ Văn Hân, ở xã Bình Châu (Bình Sơn). Thời điểm đó, tàu cá vỏ thép công suất lớn cùng ngư lưới cụ hiện đại là niềm mơ ước của nhiều ngư dân  trong tỉnh. Năm đầu tiên, tàu cá hoạt động ổn định. Nhưng, từ năm 2018, tàu cá vỏ thép của ông Hân cứ vươn khơi là lỗ nên phải nằm bờ. Từ đó, ông Hân không có điều kiện để trả nợ cho ngân hàng, nên phát sinh nợ xấu.

Trong số 62 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 của Quảng Ngãi, có 48 chiếc hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết. Trong đó, 43 tàu phát sinh nợ xấu với dư nợ gần 167 tỷ đồng; 5 tàu nợ nhóm 2, với dư nợ 89 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã xử lý dự phòng rủi ro 39 tàu, tương ứng hơn 160 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho rằng, Nghị định 67 ra đời với mục tiêu vừa giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta. Tuy nhiên, vì chưa lường hết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, dẫn đến nhiều “tàu 67” hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là với tàu vỏ thép. Nguyên nhân là do ngư dân chưa nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của Nghị định 67, nguồn vốn đóng tàu là ngư dân vay của ngân hàng, chứ không phải do Nhà nước cấp. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất và một số chính sách về bảo hiểm, cơ chế thực hiện. Đối với tàu cá vỏ thép sử dụng vật liệu đóng tàu mới, ngư dân chưa có kinh nghiệm trong quá trình sử dụng, thiết kế tàu chưa phù hợp với ngành nghề khai thác, cộng với tàu cá vỏ thép tiêu hao nhiên liệu nhiều, nên chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp.

Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách hỗ trợ theo Nghị định 67 đối với tàu cá vỏ thép chưa kịp thời, là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân đã gặp khó lại càng khó khăn hơn. Theo quy định của Nghị định 67, Nhà nước hỗ trợ ngư dân 100% phí bảo hiểm thân vỏ tàu và ngư lưới cụ, nhưng đến khi thực hiện Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 67) thì giảm còn 50%. Đặc biệt, Nghị định 67 quy định tàu cá vỏ thép được Nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng không quá 1% tổng giá trị con tàu, nhưng đến nay chưa có chủ tàu nào được thụ hưởng.

 

Kỳ 2: Giải pháp gỡ khó

 

 

Nhóm P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top