Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2019 | 15:0

Gương sáng cựu chiến binh

Những năm qua, trên địa bàn huyện Krông Bông (Đắk Lắk) xuất hiện nhiều tấm gương thương binh, cựu chiến binh (CCB) không chỉ năng nổ trong hoạt động xã hội mà còn trở thành điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Họ xứng đáng với danh hiệu Anh bộ đội Cụ Hồ ở mọi lúc, mọi nơi.

Làm giàu từ khó khăn

Ông Nguyễn Văn An hiện là Chủ tịch Hội CCB thị trấn Krông Kmar, từng vinh dự nhận Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội CCB  Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua gương mẫu.

 

tr4.jpg

Sinh năm 1961 ở huyện Kiến Xương (Thái Bình), năm 1979, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông An nhập ngũ, tham gia làm nghĩa vụ quốc tế, đóng quân ở Phnôm Pênh (Campuchia).  Năm 1987, rời quân ngũ, ông An cùng vợ con vào tổ dân phố 1, thị trấn Krông Kmar lập nghiệp theo diện tái định canh định cư của huyện Krông Bông. Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm sản xuất, nguồn vốn eo hẹp cộng với giá cả nông sản bấp bênh,  kinh tế gia đình ông gặp không ít khó khăn.

Sau khi học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi, nhận thấy việc độc canh một loại cây không đem lại hiệu quả, ông An bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với việc tái canh vườn điều già cỗi, ông trồng xen canh sầu riêng, bơ, măng cụt, kết hợp chăn nuôi gà đẻ trứng, bồ câu Pháp, trên 8 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) đất rẫy bạc màu. Hiện gia đình ông đầu tư thêm trên 2 tỷ đồng cho 2ha rẫy trồng bơ, sầu riêng, măng cụt ở huyện Cư Kuin. Trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

Mô hình đa cây, đa con thu “trăm triệu”

Đến thăm trang trại rộng trên 2ha, với mô hình đa cây, đa con của thương binh hạng 4/4,  ở thôn 10, xã Hòa Lễ,  ai cũng thán phục trước sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế VAC, có thu nhập 300 trăm triệu đồng/năm của ông Nguyễn Đắc Hòa.

 

tr4a.jpg

Sinh ra và lớn lên trên vùng chiêm trũng Hà Nam, tháng 7/1977, người thanh niên Nguyễn Đắc Hòa vừa tròn 18 tuổi, lên đường nhập ngũ vào quân tình nguyện Việt Nam thuộc Sư 10, Quân đoàn III, trực tiếp tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia khỏi họa diệt chủng. Tháng 5/1978, trong một trận chiến đấu tại cao điểm 23, ông bị thương phải nằm viện điều trị. Đến tháng 11/1980, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông xuất ngũ trở về địa phương.

Sau bao năm mưu sinh ở chốn quê nhà, nhưng do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất và thiếu lao động, nên cuộc sống của gia đình ông chỉ “đắp đỗi qua ngày”. Tháng 7/1987, ông quyết định đăng ký đi xây dựng kinh tế mới tại thôn 10, xã Hòa Lễ. Ông quyết định dùng số vốn ít ỏi và vay mượn thêm của người thân khai hoang trồng  1ha cà phê và 2 sào ruộng, đồng thời mở một quán ăn để có thu nhập hàng ngày.

Năm 2015, ông thế chấp tài sản vay thêm vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, quyết định đầu tư trên 1,5 tỷ đồng thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu là phát triển kinh tế trang trại VAC với nhiều loại cây, con.

Hiện nay, gia đình ông nuôi 6 con bò, trong đó có 4 con bò cái sinh sản; trên 100 con heo, trong đó có 20 heo nái, số heo sinh sản ra đều giữ lại nuôi.

Để duy trì thường xuyên đàn gà trên 200 con, ông chủ động đầu tư một máy ấp trứng để trực tiếp cung cấp gà giống cho trang trại của mình. Ngoài ra, còn có 20 con gà Đông Tảo, gà Kỳ lân, trị giá 1,5 - 5 triệu đồng/cặp.  2.000m2 ao nuôi cá trôi, trắm, mè…

Đầu năm 2019, sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi nhuận kinh tế đối với con dúi, ông vào tận Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) mua 40 con dúi bố mẹ về nuôi và đang phát triển tốt. Theo tính toán, mỗi năm đàn dúi sinh sản khoảng 100 con, với giá bán 400.000 - 500.000 đồng/kg, sau 8 tháng nuôi, gia đình ông có thêm nguồn thu gần 50 triệu đồng.

Về trồng trọt, với 1ha cà phê kinh doanh, mỗi năm thu được 3 tấn nhân, cho thu nhập 100 triệu đồng… Ngoài ra, ông còn có 1ha cà phê thời kỳ kiến thiết, trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, xoài, sapôchê (hồng xiêm), hứa hẹn mang về một nguồn thu không nhỏ…

Ông Trần Văn Minh, Chi hội trưởng Hội CCB thôn 10, nhận xét: Ông Hòa không chỉ là thương binh làm kinh tế giỏi, mà còn là hội viên gương mẫu, nhiệt tình tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới, là tấm gương điển hình trong lao động sản xuất và làm giàu để mọi người học tập.

Màu áo lính phủ xanh vùng đất quê hương

Sau khi rời binh nghiệp, khoác lên mình “chiếc áo người nông dân”, ông  Y Khing Niê (thường gọi Ama Đer), dân tộc Êđê, ở buôn Ngô B, xã Hòa Phong,  nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên khá - giàu từ sản xuất nông nghiệp. Ông là tấm gương luôn đi đầu trong mọi hoạt động xã hội của địa phương, được bà con mến phục.

tr4b.jpg

Năm 1978, ông  Y Khing Niê tham gia du kích xã ở Ea Yông (Krông Păk). Khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, ông được lệnh nhập ngũ vào Huyện đội (Krông Păk). Sau 3 năm trong quân đội, ông xuất ngũ trở về với vùng đất một thời đạn bom (căn cứ Buôn Ngô), hành trang là chiếc ba lô và 2 bàn tay trắng. Cuộc sống lúc mới rời quân ngũ vô cùng khó khăn, kéo theo là gánh nặng chăm lo cuộc sống gia đình.

Ông Y Khing Niê chia sẻ: Khi đứa con đầu lòng ra đời, bé thường xuyên bị sốt rét, nhiều lần con bị lên cơn co giật, ông phải địu con trên lưng chạy bộ hơn 40km đến Bệnh viện Krông Păk để chữa trị.

Những năm ấy, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thoát khỏi tập tục canh tác sản xuất lạc hậu “phát, đốt, chọc, tỉa”, nên gia đình ông luôn rơi vào cảnh thiếu đói.

Năm 1987, thực hiện chủ trương giãn dân, tách hộ, định canh định cư của Đảng bộ xã Hòa Phong (Krông Bông), ông cùng 25 gia đình trẻ xung phong đến vùng đất buôn Ama Thuăn cũ (nay là Buôn Ngô B). Sớm nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế  của vùng đất mới, ngoài 2.500m2 đất được cấp, vợ chồng ông tích cực khai hoang, mở rộng diện tích, đắp bờ ngăn nước làm ruộng, nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, gia đình đã tự túc được lương thực.

Với tính chịu thương, chịu khó và chi tiêu tiết kiệm, đến năm 2010, tích lũy được số vốn nho nhỏ, ông quyết định  trồng lại 760 cây cà phê.  

Sau lần thất bại ban đầu, ông suy nghĩ, trồng cà phê cũng như các loại cây trồng khác, nếu không nắm vững kỹ thuật và không đầu tư chăm sóc thì chẳng khác nào người lính có súng mà không có đạn. Vì thế, ông sắp xếp thời gian đi học hỏi những người có kinh nghiệm trồng cà phê ở Phước An, đồng thời tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật do khuyến nông, Hội Làm vườn huyện tổ chức. Những gì còn vướng mắc, ông tìm gặp người am hiểu để trao đổi thêm, đồng thời dùng số tiền tích cóp được bấy lâu mua máy móc, dây tưới, đào hồ chứa để chủ động nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô.

Ngày tháng trôi qua, đất không phụ công người, những vất vả đã được đền đáp, 5 đứa con của ông lớn lên lập gia đình ra ở riêng đều được ông chia đất, cho bò để phát triển kinh tế.  Hai vợ chồng tuổi đã lục tuần nhưng hàng ngày  vẫn ra đồng chăm sóc 7.000m2 cà phê, 4.000m2 ruộng nước 2 vụ, 1ha sắn, mỗi năm thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng.

Không những thế, gia đình ông còn luôn đi đầu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chung tay “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đóng góp Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa… Ông là tấm gương sáng về sự cần mẫn trong lao động sản xuất và tận tụy trong công việc, xứng đáng để mọi người trong buôn noi theo.                                                                                                             

 

 

Tiến Dũng - Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top