Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 9 năm 2020 | 16:46

Hà Giang tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế

Hà Giang có địa hình phức tạp, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ... Khắc phục khó khăn ấy, Đảng bộ, chính quyền nơi đây đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện tốt nhất để người dân phát triển kinh tế

Triển khai nhiều mô hình, dự án

Theo báo cáo của huyện Yên Minh (Hà Giang), từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ triển khai 127 dự án nhân rộng và phát triển đa dạng hóa sinh kế cho người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn, gồm: 20 Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản theo hình thức đầu tư có thu hồi dành cho các hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm trở lại; thực hiện 34 dự án trồng, mở rộng diện tích các loại cây ăn quả, dược liệu, như: Hồng không hạt, lê, mận Tam hoa, Xa nhân tím, chè Shan tuyết, ớt, xoài, Su su, tỏi, Đương quy, hồi; hỗ trợ 60 dự án phát triển chăn nuôi – thủy sản như kiên cố hóa chuồng trại chăn nuôi gia súc, hỗ trợ con giống thủy sản, gia cầm, thủy cầm, lợn địa phương và hỗ trợ 10 dự án ngành nghề kinh doanh, dịch vụ… Tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng.

01.jpg
Người dân thị trấn Đồng Văn thu hoạch lúa Khẩu mang

 

Ông Nguyễn Đình Duẩn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh, cho biết: Các dự án được triển khai đã cho thấy những hiệu quả nhất định, góp phần giúp kinh tế nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực, toàn diện hơn trên các lĩnh vực. Một số dự án chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, cá chép ruộng đã cung ứng ra thị trường với số lượng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần đưa ngành chăn nuôi của huyện phát triển mạnh. Người dân được tiếp cận các quy trình kỹ thuật mới, tiến bộ khoa học để áp dụng trong sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi...

Nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp năm 2020, huyện Đồng Văn xác định rõ những nội dung cần tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển gắn với giải pháp, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện cụ thể, qua đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên sâu. 

Trong 8 tháng đầu năm 2020, huyện đã tổ chức đánh giá mô hình trồng thử nghiệm 1,5 ha giống ngô lai biến đổi gen hạn chế sâu keo mùa Thu tại xã Sủng Trái, Sủng Là và thị trấn Đồng Văn. Qua trồng và theo dõi quá trình sinh trưởng, không xuất hiện sâu ăn lá, sâu đục thân, đục bắp, năng suất bình quân đạt 74,6 tạ/ha, thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn huyện. Tổ chức thẩm định, phê duyệt 39 dự án với tổng kinh phí trên 8,8 tỷ đồng để hỗ trợ việc nhân rộng một số mô hình đã được người dân thử nghiệm từ thực tiễn, như: Mô hình trồng cây Đương quy Nhật Bản, đến nay đã trồng được 10,5 ha tại 7 xã, thị trấn, hiện cây đang trong giai đoạn phát triển củ, không có sâu bệnh hại; mô hình trồng cây Bình Vôi được 25 ha tại  xã Sính Lủng, Tả Phìn, Tả Lủng, cây sinh trưởng và phát triển được 10 - 12 lá, dây dài khoảng 1,5 m; mô hình nuôi dê tại xã Vần Chải, đã mua 52 con, hiện tại đàn dê đang sinh trưởng tốt. Ngoài ra còn thực hiện các dự án hỗ trợ bò, dê, lợn nái sinh sản, trồng rau Bắp cải, Su hào chuyên canh, trồng lê; chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ 1.124 ha cây Bạc hà phục vụ phát triển nuôi ong nội; chế biến ủ chua cỏ, trồng cây ớt, dong riềng, trồng Tam giác mạch...

Bên cạnh việc nhân rộng các mô hình trồng trọt, huyện Đồng Văn tập trung hỗ trợ người dân xây dựng phát triển các gia trại. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện xây dựng được 17 gia trại chăn nuôi bò quy mô từ 15 con trở lên/9 xã, thị trấn; 40 gia trại chăn nuôi lợn quy mô từ 20 con trở lên/18 xã, thị trấn (4 gia trại quy mô trên 50 con/4 xã, thị trấn); 6 gia trại chăn nuôi dê quy mô 40 con/5 xã, thị trấn; 22 gia trại chăn nuôi gia cầm quy mô từ 500 con trở lên/10 xã, thị trấn, trong đó có 2 gia trại quy mô 1.000 con và 2 gia trại chăn nuôi thỏ quy mô 180 - 200 con tại xã Sảng Tủng, Tả Lủng.

02.jpg

Sản phẩm của HTX Chế biến chè Phìn Hồ được quảng bá, trưng bày, giới thiệu tại nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh và các điểm bán hàng Việt

 

Chị Ly Thị Khía, thôn Há Hơ, xã Sà Phìn chia sẻ: “Năm 2020, qua sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ về cây giống, gia đình tôi quyết định chuyển đổi 0,6 ha đất trồng ngô sang trồng cây Đương quy. Được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho thấy cây Đương quy phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương, cho sản lượng khá cao; với 0,6 ha, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg tươi mang lại cho gia đình thu nhập trên dưới 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô truyền thống. Dự kiến sang năm tới, tôi sẽ tuyên truyền cho các hộ dân khác cùng thôn tham gia trồng Đương quy để tăng thu nhập, giảm nghèo”.  

 

Đảm bảo những "huyết mạch" để phát triển kinh tế

Hà Giang hiện có 522 km đường quốc lộ (QL); trên 310 km đường tỉnh lộ (TL); trên 220 km đường đô thị; 1.830 km đường cấp huyện và trên 5.140 km đường liên xã. Giai đoạn 2015 – 2020, Hà Giang tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển giao thông (GT) theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế, chính trị, đầu mối GT; duy trì và nâng cao khả năng khai thác mạng lưới GT hiện có, nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ vận tải, giảm thiểu tai nạn GT; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 1.790 km đường; trong đó, 598 km đường trục xã, 608 km đường trục thôn, 510 km đường ngõ xóm và 83 km đường trục nội đồng; cải tạo và xây mới 2.590 cầu, cống dân sinh; trên 86% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn.

Bà con thôn Ma Sào Phố, xã Nghĩa Thuận làm đường bê tông nông thôn.

Bà con thôn Ma Sào Phố, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) làm đường bê tông nông thôn. Ảnh: Báo Hà Giang

 

Với phương châm “4 tại chỗ” và có phương án chủ động ứng phó với thiên tai, Sở GTVT đã chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai; các sự cố “đứt mạch” GT được “nối” kịp thời; tình trạng ách tắc GT trong mùa mưa lũ được giải quyết nhanh chóng. Bên cạnh đó, phát triển hợp lý kết cấu hạ tầng GT đô thị; 100% tuyến đường trong các khu dân cư tập trung được cứng hóa; hoàn thiện hệ thống cống, rãnh thoát nước, lát gạch vỉa hè; 100% thôn biên giới có đường giao thông đến trung tâm đạt chuẩn Nông thôn mới; hoàn thành 186 cầu dân sinh thuộc chương trình quản lý tài sản địa phương. 

Mèo Vạc là huyện đặc biệt khó khăn, trước thực trạng đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tăng cường việc tập huấn cho lãnh đạo UBND các xã; cho lãnh đạo hội, đoàn thể nhận ủy thác từ huyện đến xã; tới đoàn thể cấp xã, trưởng thôn, bản và các Tổ TK&VV. Sau các lớp tập huấn, hiệu quả công nhiệm vu đã nâng lên rõ rệt ở mọi đơn vị, mọi tổ chức... Hàng năm, các thành viên Ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát; giải quyết kịp thời những vướng mắc tại cơ sở. Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện tốt vai trò chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai cho vay các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, minh bạch. Hội, đoàn thể các cấp nhận ủy thác, Tổ TK&VV đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách; Ban quản lý thôn triển khai kịp thời các nguồn vốn do xã phân bổ, bình xét cho vay và giám sát nguồn vốn sau khi cho các đối tượng vay đúng quy định và bảo đảm nguồn vốn cho Nhà nước…

04.jpg
Một buổi tập huấn của Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc cho các thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện

 

Ông Phùng Minh Thóc, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc, cho biết: Tính đến 31/8/2020, Ngân hàng CSXH Mèo Vạc có tổng nguồn vốn thực hiện trên 280 tỷ đồng, tăng trên 34 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ tăng 13,9%. Huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV trên 4 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm tăng 233 triệu đồng. Huy động tiền gửi của tổ chức và cá nhân đạt trên 11 tỷ đồng. Doanh số cho vay trong tháng 8 đạt 8,4 tỷ đồng/167 lượt hộ vay; lũy kế từ đầu năm đạt 62 tỷ đồng/1.253 lượt hộ vay; tổng nợ xấu 481 triệu đồng, chiếm 0,17%.

 

Kinh tế của người dân không ngừng phát triển

Đến thôn Nà Màu (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên) nhắc đến Bàn Văn Bày, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết và yêu quý tặng cho cái tên đầy thân thiện “người không ngủ”. Là Phó Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Nà Màu, hết việc chung lại tới việc của gia đinh nhưng anh vẫn không quên quan tâm tới mọi người, anh đã vận động người dân trong thôn giúp gia đình ông Bàn Văn Goàng xóa nhà tạm; đồng thời, huy động người dân đóng góp 400 ngày công và 232 triệu đồng làm đường thôn và hiến 600 m2 đất để làm công trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, anh tuyên truyền, vận động bà con trồng Keo tai tượng, quế lai, Thảo quả và nuôi lợn đen để có thêm nguồn thu nhập,… hiện, thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt 32 triệu đồng/năm.

05.jpg
Anh Bày (người trong cùng) thăm mô hình nuôi cá của hộ dân trong thôn

 

Trong phát triển kinh tế gia đình, anh tập trung trồng giống chè Shan tuyết, mỗi năm thu về 40 triệu đồng; Thảo quả thu được gần 10 triệu đồng/năm; gần 40 triệu đồng tiền bán lợn; ngoài ra, anh còn có nguồn thu từ trồng lúa, nuôi cá Bỗng, gà thả đồi và trồng rau; mỗi năm thu hàng chục triệu đồng …

Ông Lầu Văn Viễn (sinh 1979), dân tộc Tày (thôn Lùng Sinh, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên) là một trong những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi vườn – ao - chuồng (VAC).

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Đại học Thái Nguyên, anh về địa phương và được phân công giảng dạy bộ môn Vật Lý tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Việt Lâm. Bên cạnh việc dạy học, năm 2017, anh mạnh dạn vay 60 triệu đồng từ Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh để đầu tư nuôi trâu và đào ao thả cá, phát triển kinh tế gia đình. Anh Viễn chia sẻ: “Ban đầu, tôi nuôi 3 con trâu đực và 1 ao cá trên 2.000 m2 chủ yếu là nuôi cá Rô phi đơn tính và cá Trắm. Nhằm vượt qua khó khăn, tôi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, mạng internet và tham gia tập huấn các lớp khuyến nông, khuyến ngư do huyện, xã tổ chức. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình tôi thu được 8 tạ cá Rô phi đơn tính, 6 tạ cá Trắm; với giá bán trên thị trường từ 50.000 – 80.000 đồng/kg. Để mở rộng sản xuất, năm 2018, tôi nuôi thêm 30 con dê, nhập thêm 200 con gà lai về nuôi và phát triển thêm 40 đàn ong mật. 

HTX Thương mại - Vận tải Tuấn Băng thành lập năm 2006, với ngành nghề kinh doanh thương mại - dịch vụ tổng hợp. Năm 2019, doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hơn 6 tỷ đồng. Hiện tại, HTX đã xây dựng được các vùng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 674,4 ha, sản lượng trên 2.500 tấn/năm. Ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc HTX, chia sẻ: Sản phẩm “Tuấn Băng trà” của HTX được sản xuất và chế biến đúng tiêu chuẩn 1 tôm 1 lá, búp chè được hái đúng vụ, đúng lứa và đúng kỹ thuật. Với việc sử dụng nguyên liệu từ những vùng chè Shan tuyết và quy trình sản xuất kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm “Tuấn Băng trà” có hương thơm đặc biệt, cánh chè có tuyết trắng, nước xanh, vị đậm, ngọt hậu. Trong cuộc thi phân hạng do tỉnh tổ chức vào tháng 7 vừa qua, “Tuấn Băng trà” được Hội đồng đánh giá, phân hạng đánh giá rất cao với điểm số 77,7 điểm, xếp tốp đầu các sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

06.jpg

Việc sản xuất, chế biến chè của HTX được kiểm soát nghiêm ngặt

 

Đến nay, HTX Thương mại – Vận tải Tuấn Băng thực hiện thu mua chè tươi của người dân tại 4 xã: Nà Chì, Quảng Nguyên, Khuôn Lùng (Xín Mần) và xã Tân Nam (Quang Bình). Ngoài sản phẩm chè chất lượng cao, HTX còn sản xuất một số sản phẩm cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, như: Chè xanh sấy, chè đen, chè vàng, chè lăn, chè uống... Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán được 200 – 300 tấn chè khô các loại, doanh thu hơn 10 tỷ đồng; tạo công việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình 4 – 6 triệu đồng/người/tháng và 70 công nhân làm theo thời vụ.

Với việc đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế rộng khắp các địa bàn, nhiều người dân trong tỉnh Hà Giang  đã có cơ hội học tập, làm theo; nguồn tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế có mặt kịp thời càng tiếp sức thêm để nhân dân vươn lên xóa nghèo, làm giàu. Những tín hiệu tích cực gần đây trong phát triển kinh tế của một số người dân, một số vùng trong tỉnh đã góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, từng bước hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ khóa XVI đề ra.

 

Đình Hợi (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top