Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 6 năm 2017 | 9:45

Hà Nam: Đổ lỗi cho nhau, người dân không được dùng nước sạch!

Mặc dù đã nộp tiền để được đấu nối sử dụng nước nhưng gần 2 năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã An Mỹ, huyện Bình Lục (Hà Nam) vẫn không được lắp đặt hệ thống nước, trong khi chính quyền xã đổ lỗi cho trung tâm nước sạch, còn trung tâm nước sạch lại “tố” xã nợ tiền nên không lắp cho người dân.

Nhà máy nước sạch tại xã Đồng Du (Bình Lục, Hà Nam).

Mỏi mòn chờ nước

Cuối năm 2013, người dân 5 xã: Đồng Du, Tràng An, Bình Nghĩa, Đồn Xá, An Mỹ của huyện Bình Lục vui mừng khi được UBND tỉnh Hà Nam cho phép xây dựng nhà máy cấp nước sạch đóng tại xã Đồng Du với công suất 4.500m3/ngày đêm. Dự án có tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam làm chủ đầu tư.

Khi dự án đi vào hoạt động, người dân hứng khởi, bảo nhau bỏ nước mưa, lấp giếng khoan để dùng nước sạch. Nhiều người dân trong các xã đã đăng ký để được lắp công trình nước sạch này. Vào đợt đầu, có hàng nghìn hộ dân đăng ký, thấy nước sạch sinh hoạt tiện lợi, nên người dân nhiều xã bắt đầu đăng ký đợt 2.

Tuy nhiên, tại xã An Mỹ, các hộ dân đã đóng tiền đợt 2 để đăng ký lắp đặt hệ thống nước sạch đã gần 2 năm nhưng đến nay vẫn không được dùng nước.

Theo phản ánh của người dân xã An Mỹ, vào đầu tháng 9/2015, hơn 100 hộ dân trong xã đã đến nộp mỗi hộ 968.000 đồng cho xã để đăng ký đấu nối sử dụng nước từ hệ thống cấp nước sạch liên xã Tràng An, An Mỹ, Đồng Du, Bình Nghĩa, Đồn Xá, huyện Bình Lục vào đợt 2.

Phiếu thu tiền của người dân đóng để dùng nước sạch

Sau khi đóng tiền xong, chờ mãi không thấy bất kỳ cơ quan nào đứng ra đấu nối cho các hộ dân, nhiều gia đình đã kiến nghị đến xã nhưng vẫn không ăn thua. Đến nay, việc đấu nối, lắp đặt nước sạch cho các hộ dân này cũng bắt đầu đi vào quên lãng.

Ông Nguyễn Văn Ân, một người dân trong xã, cho biết: “Nhà tôi rất mong có nước sạch sử dụng, nhưng không hiểu họ thu tiền của chúng tôi làm gì mà suốt mấy năm trời không cung cấp nước, bây giờ nước giếng khoan bơm lên có mùi tanh không thể dùng được nữa mà nước sạch thì chẳng thấy đâu”. 

Trong khi đó, nhiều hộ dân đã đăng ký lắp đặt đợt 1 cũng bắt đầu có ý kiến về chất lượng nước của công trình này không đảm bảo.

Đỏ lỗi cho nhau, dân chịu thiệt

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lượng, Phó chủ tịch UBND xã An Mỹ, địa phương có các hộ dân nộp tiền nhưng chưa được cấp nước sạch, cho biết: “Trước đây, nguồn nước ngầm của địa phương bị ô nhiễm thì vấn đề thiếu nước sạch thật sự đáng lo ngại, tuy nhiên khi có nước máy rồi nỗi lo ngại cũng chẳng giảm đi vì chất lượng nước chưa đảm bảo. Hơn thế nữa, hiện nay các hộ dân nộp tiền đợt 1 đã có nước, còn đợt 2 có 141 hộ đã đóng tiền với số tiền gần 1 triệu đồng/ hộ nhưng vẫn chưa được cấp nước. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đề nghị sớm cung cấp nước cho người dân theo cam kết, tuy nhiên cơ quan này không có bất cứ câu trả lời nào. Không còn cách nào khác, số tiền thu của dân UBND xã chỉ biết gửi vào ngân hàng”

Trong khi đó, ông Tạ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Hà Nam, cho biết: “Việc người dân nộp tiền mà chưa được cấp nước sạch là do UBND xã An Mỹ còn nợ chủ đầu tư 500 triệu đồng trong việc đấu nối 956 công tơ cho các hộ dân trong xã, địa phương nhùng nhằng không chịu thanh toán tiền nợ nên chủ đầu tư không tiếp tục đấu nối cho các hộ dân còn lại. Các hộ dân nộp tiền đợt 2 của UBND xã An Mỹ không nằm trong dự án ban đầu, đây là các hộ đăng ký thêm, nhiều lần chúng tôi làm việc với xã là hãy giải quyết dứt điểm các tồn đọng nợ cũ. Sau khi quyết toán xong thì chúng tôi mới giải quyết các hộ còn lại của địa phương”.

Về việc người dân phản ánh chất lượng nước không đảm bảo, ông Thắng cho hay: “Nguyên nhân khiến nước sạch bị đục bẩn là do một đơn vị làm đường khi thi công đã làm vỡ đường ống nước. Khi vá đường ống, nhà máy không tiến hành xúc xả đầy đủ dẫn đến nước bị bẩn và nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm".

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin.

Trung Hiếu

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top