Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2013 | 12:15

Hà Nội: Hàng nghìn cư dân hoang mang vì xưởng gỗ chờ “phát hỏa”

KTNT- Một xưởng mộc có diện tích khoảng 600m2 hoạt động suốt ngày đêm tại tầng 1 tòa nhà chung cư Licogi 13, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân - Hà Nội) không chỉ gây tiếng ồn, bụi bẩn và mùi hóa chất mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ đang đe dọa tính mạng, tài sản của gần 200 căn hộ với hàng nghìn cư dân đang sinh sống và làm việc ở đây... “Khủng bố” cư dânChủ đầu tư của tòa nhà Licogi 13 là Công ty CP Licogi 13. Theo phản ánh của người dân, sau Tết âm lịch 2013, tòa nhà này đã có ban quản trị do dân bầu ra, chủ đầu tư không còn quản lý và vận hành. Tại tầng 1 tòa nhà, theo thiết kế được cơ quan chức năng phê duyệt là để làm văn phòng nhưng chủ đầu tư lại cho thuê bán hàng ăn, cà phê. Nguy hiểm hơn, họ còn cho một đơn vị tư nhân thuê làm xưởng mộc. Xưởng mộc này hoạt động suốt ngày đêm, gây ra tiếng ồn, mùi khí độc hại, ngổn ngang gỗ cùng nhiều chất dễ cháy nổ như dầu PU, cồn, sơn...

Bà Nguyễn Thanh Tú vẫn khẳng định “xưởng gỗ rất an toàn”


Bà Trịnh Thị Thu Hà, tầng 13, Tòa nhà Licogi 13 bức xúc: “Công ty cho cơ sở sản xuất xưởng mộc thuê tại tầng 1 đang gây ra tiếng ồn, bụi, trong đó chứa hóa chất dễ cháy nổ như sơn, vecni, colophan, gỗ, ván ép... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của gần 200 hộ dân với hàng ngàn người đang sống và làm việc tại đây. Chỉ vì lợi nhuận, Công ty CP Licogi13 đã bất chấp những quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống cháy nổ, Luật Xây dựng, Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư...”.  

Ông Chu  Hùng, chủ căn hộ 207 cho rằng: “Ngày cũng như đêm, gia đình tôi hít phải bụi gỗ, khí độc hại từ cơ sở sản xuất này. Gia đình tôi có người già và trẻ nhỏ hiện đang phải chịu ô nhiễm môi trường do kho sơn của xưởng gỗ này xả ra. Tôi buộc phải đưa mẹ già và cháu nhỏ đi sơ tán. Tôi đã có ý kiến cụ thể (thậm chí là gay gắt) với ông Phúc, Trưởng Ban Quản trị tòa nhà về vấn đề này. Ông Phúc nói, họ (Công ty CP Licogi 13) hứa 45 ngày họ sẽ chuyển đi nơi khác. Hiện gần 200 căn hộ đang phải sống trên “lò thuốc súng” có thể cháy nổ bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng và tài sản hàng ngàn người. Phòng chống cháy nổ là việc phải làm ngay không thể trì hoãn được. Tôi  và nhiều cư dân khác yêu cầu ngày lúc này phải đóng cửa cơ sở sản xuất mộc gây ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ nêu trên. Không thể vì lợi nhuận của một nhóm người, đe dọa tính mạng của hàng ngàn con người dân...”

 “Mất bò mới lo làm chuồng”

Ngày 19/7, làm việc với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, bà Nguyễn Thanh Tú, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Licogi 13 cho biết, ngày 05/4/2012, Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại An Phát Vinh (Cty An Phát Vinh)  ký hợp đồng kinh tế số 231 với Công ty CP Licogi 13. Theo đó, Cty An Phát Vinh được quyền khai thác 1 phần diện tích mặt sàn tầng 1 tòa nhà (đúng với công năng của tòa nhà).

Tại Biên bản làm việc ngày 06/7/2013, giữa Công ty CP Licogi 13 và Công ty An Phát Vinh, hai bên thừa nhận: Trong thời gian qua Công ty này đã đưa máy móc nguyên liệu vào sản xuất, gây nhiều tiếng ồn, bụi, sơn... ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân, văn phòng xung quanh. Do đó hai bên thống nhất, dừng hoạt động của xưởng mộc sau 45 ngày và 60 ngày sẽ di chuyển toàn bộ, kể từ ngày 7/7/2013.

Xưởng mộc gây tiếng ồn, khí độc hại và ngổn ngang chất cháy nổ.


Văn bản làm việc khẳng định như vậy nhưng, bà Tú lại thanh minh: “Do thời gian qua hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, mình cũng phải thông cảm cho họ chứ. Phòng ốc đều khép kín nên không có ảnh hưởng đến cư dân, vì còn cách 01 tầng văn phòng nữa mới đến chỗ người dân sinh sống mà. Các thiết bị phòng cháy, chữa cháy cũng đầy đủ nên không có vấn đề gì đáng lo…”.

Sau khi biết được thỏa thuận của chủ đầu tư với Cty An Phát Vinh, cư dân ở đây rất bất bình. Họ cho rằng thỏa thuận này đang đùa dỡn với tính mạng của người dân, bởi hỏa hoạn có thể xảy ra cứ lúc nào, phải dừng ngay hoạt động của bên sai phạm, không thể để một thời gian dài như vậy.

Ông Phạm Văn Hựu, Tổ phó Tổ dân phố cho rằng: “Ngay từ khi Licogi 13 cho thuê làm xưởng mộc, tôi đã báo cáo đồng chí Công an khu vực rồi. Tôi cũng đã phản ánh việc này với Ban Quản trị tòa nhà. Người dân bầu lên Ban Quản trị, họ phải thay mặt người dân dừng cấp điện nước ngay lập tức, chứ không phải để đến bây giờ. Tổ dân phố không thể làm thay công việc của Ban Quản trị được...” .

Không thể “mất bò mới lo làm chuồng”, hàng nghìn tính mạng của người dân đang bị đe dọa bởi xưởng gỗ phát hỏa bất cứ lúc nào. Hơn lúc nào hết, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm tình trạng trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn cho biết: Theo quy định tại khoản 2 Điều 37, Luật Bảo vệ môi trường: “Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau đây không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư: a) Có chất dễ cháy, dễ gây nổ; b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh; c) Có chất độc hại đối với sức khoẻ người và gia súc, gia cầm; d) Phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người; đ) Gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước; e) Gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép.        

Tại khoản 2, Điều 85, Luật Bảo vệ môi trường: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép phải thực hiện biện pháp hạn chế, giảm thiểu không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng dân cư”.

Điều 23, Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD: Những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư: “ ... Gây tiếng ồn quá mức quy định, làm ảnh hưởng đến trật tự, trị an nhà chung cư. Xả rác thải, nước thải, chất độc hại bừa bãi...ô nhiễm môi trường...” . 


Duy Phong

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top