Thông tin di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực Cụm công nghiệp Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang khiến hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa, thậm chí là phá sản, cùng với đó là khả năng mất đi sinh kế của hàng nghìn người lao động.
Cụm công nghiệp Phú Minh tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Nỗi lo hàng chục doanh nghiệp phá sản, hàng nghìn lao động mất việc làm
Cụm công nghiệp Phú Minh có nguồn gốc và quá trình hình thành rất phức tạp. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Việt Hà (Công ty Việt Hà) được chuyển đổi từ Công ty Đầu tư Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nguyên là “Xí nghiệp nuôi gà Cầu Diễn”. Những năm 90, do chuyển đổi cơ chế thị trường, Xí nghiệp bị thua lỗ hàng tỷ đồng, đứng bên bờ vực phá sản. Nhằm thoát khỏi vũng lầy sắp đổ vỡ, tiền thân của Công ty Việt Hà ngày nay đã tận dụng diện tích kho tàng, nhà xưởng…, chăn nuôi gà sửa chữa lại để cho một số doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh, đồng thời đề xuất với Sở NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội cho phép nghiên cứu thành lập cụm công nghiệp trên cở sở diện tích đất đang quản lý, phù hợp với xu thế và chủ trương chung của Nhà nước, Thành phố lúc đó.
Xét trong bối cảnh và thời kỳ của từng giai đoạn, việc hình thành Cụm công nghiệp Phú Minh đã từng được sự ủng hộ, nhất trí của UBND thành phố và các sở, ban, ngành của Hà Nội. Ngày 25/9/2012, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6570/QĐ-UB cho phép Công ty Việt Hà được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án “Xây dựng Cụm công nghiệp Phú Minh” tại huyện Từ Liêm, Hà Nội với quy mô 40ha và phê duyệt đơn vị tư vấn để thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng cụm công nghiệp. Và tên gọi Cụm công nghiệp Phú Minh được bắt đầu từ đây.
Việc thực hiện nghiên cứu, thỏa thuận quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu khả thi đã được các sở, ban, ngành của Thành phố Hà Nội thẩm định và ủng hộ dự án tại các văn bản số 1664/TĐ-XD ngày 06/12/2002 của Sở Xây dựng, văn bản số 476/QĐ/SNN-KH ngày 16/12/2002, số 91/QĐ/SNN-KH ngày 21/3/2003 của Sở NN&PTNT. Từ những văn bản trên, các doanh nghiệp thuê đất hình thành nên Cụm công nghiệp Phú Minh ngày nay đã mạnh dạn đầu tư, chấp nhận rủi ro để vay vốn ngân hàng, xây dựng cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị lên tới hàng trăm tỷ đồng, với mong muốn gắn bó lâu dài với khu đất để ổn định sản xuất kinh doanh.
Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ, kinh phí đầu tư dự án xây dựng Cụm công nghiệp Phú Minh.
Cụm công nghiệp Phú Minh ra đời đã thu hút hàng chục doanh nghiệp đến để đầu tư, sản xuất cùng với đó là giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động, làm lợi ngân sách cho Nhà nước, tạo sự ổn định cho xã hội.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất đang hoạt động ra khỏi Cụm công nghiệp Phú Minh khiến nhiều chủ doanh nghiệp cảm thấy hoang mang, lo lắng tột độ, nguy cơ người lao động mất đi công ăn việc làm ổn định kéo theo hàng nghìn gia đình bố mẹ, vợ chồng, con cái không có nguồn sống, không có trợ cấp xã hội đã tạo bất bình, bức xúc trong dư luận.
Doanh nghiệp lao đao, sản xuất mất ổn định
Trước những thông tin gây hoang mang cho doanh nghiệp về việc di dời cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp Phú Minh, đặc biệt là chủ trương UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Công ty Việt Hà phải hoàn thiện xong kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh thuê nhà xưởng trong Quý IV/2017 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động của các doanh nghiệp. Như một kết quả tất yếu, nhiều cơ sở sản xuất đang phải hoạt động cầm chừng, không dám mua thêm máy móc, trang thiết bị để phục vụ sản xuất kinh doanh. Đứng trước những khó khăn này, đại diện các chủ doanh nghiệp đã phải đồng loạt gửi thư cầu cứu lên Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan quản lý mong có một chính sách ổn định để đầu tư, sản xuất.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phải yêu cầu các doanh nghiệp di dời một cách gấp gáp như vậy? Nếu lấy lại được nhà xưởng thì Công ty Việt Hà sẽ sử dụng đất vào việc gì hay để hoang hóa gây lãng phí, trong khi những dự án mới tại đây vẫn chưa được triển khai? Tại sao chưa giới thiệu quỹ đất, địa điểm mặt bằng mới để doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh đã vội vã thu hồi? Nếu bị buộc dừng sản xuất đột ngột thì ai sẽ đền bù những thiệt hại, tổn thất mất mát cho doanh nghiệp?
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Việt Hà đã ký hợp đồng cho hơn 30 doanh nghiệp thuê lại trên 152.167m2 đất để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh như: Sản xuất bao bì carton, bao bì nhựa, chế biến lương thực, thực phẩm bia, bánh kẹo, mỳ tôm, sản xuất gia công, cơ khí, sản xuất đồ nội thất, sản xuất và gia công xốp cách nhiệt, vật liệu xây dựng (cấu kiện bán thành phẩm), sản xuất dệt may… Hiện nay, trên phần đất Công ty Việt Hà thuê, đa số các doanh nghiệp đã sử dụng đất từ nhiều năm nay, một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nhưng đều có điểm chung là xây dựng các công trình kiên cố, với quy mô lớn, hệ thống kho tàng, bến bãi rộng rãi, dây chuyền, máy móc có công suất rất lớn nên việc di chuyển, tìm kiếm vị trí mới trong một thời gian ngắn là không thể làm được. Đó là chưa kể đến bài toán, hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ quản trị, kỹ thuật, nhân công của các doanh nghiệp đã đi vào nề nếp, ổn định, có tay nghề được đào tạo phù hợp với công việc, nay chuyển chỗ địa điểm mới, bản thân người lao động sẽ mất việc làm, còn doanh nghiệp mất đi một lượng lớn nguồn nhân lực có trình độ.
Ông Nguyễn Trung Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoa Việt cho rằng, trong gần 20 năm qua, từ khi các doanh nghiệp chúng tôi thuê nhà xưởng tại khu Trại Gà cho đến nay đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị sản xuất và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và vùng lân cận, bao gồm cán bộ, nhân viên khu Trại Gà cũ bị thất nghiệp.
“Mọi người đến với Cụm công nghiệp Phú Minh ngày nay chắc sẽ không tưởng tượng được khu Trại Gà trước kia. Nơi đây trước kia từng là bãi sình, đường sá lầy lội, khó đi, để được như thế này, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc. Đến bây giờ, nếu phải chuyển đi mà không có lộ trình, thời gian thu xếp thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, khả năng hàng nghìn mất đi sinh kế thì sao họ chịu được. Riêng đối với chúng tôi, các bạn hàng là đối tác xuất khẩu lớn nước ngoài thì thời gian dừng sản xuất để di dời không chỉ là mất đi doanh thu mà còn phái chịu các khoản phạt do vi phạm hợp đồng.
Ông Đặng Trần Thành, đại diện Công ty TNHH Trần Thanh cho rằng, trong số 30 doanh nghiệp đang thuê địa điểm tại khu Trại Gà, có những doanh nghiệp chưa biết phải đi đâu, nếu phải chuyển đi, tất yếu sẽ phải có doanh nghiệp lâm cảnh nợ nần, phá sản. Việc tháo dỡ máy móc hạng nặng sẽ mất rất nhiều thời gian, kéo dài nhiều tháng, bên cạnh đó, tìm kiếm địa điểm mới phù hợp không hề dễ dàng, rồi lắp đặt máy móc để có thể hoạt động trở lại cũng là cả một vấn đề.
Không giấu nổi tâm trạng lo lắng, bà Lê Thị Thu Liên – Phó Giám đốc Công ty TNHH In và Thương mại Tây Đô nói, chi phí di dời là hết sức tốn kém, trong khi doanh nghiệp không có doanh thu do ngừng sản xuất, vẫn phải trả lương nhân công. Chúng tôi không biết lấy nguồn nào để trang trải việc này, rất mong UBND có phương án hỗ trợ, có lộ trình di dời, giới thiệu địa điểm mới để cho hơn 30 doanh nghiệp không chỉ là tồn tại đâu mà còn phải phát triển, đóng góp của cải vật chất nhiều hơn cho xã hội.
Chủ trương di dời, không chỉ là câu chuyện riêng của các chủ doanh nghiệp, người lao động tại những doanh nghiệp này cũng đang điêu đứng, chịu nhiều tác động tiêu cực vì sinh kế bị đe dọa. “Tôi làm việc tại khu Trại Gà đã nhiều năm, một nách nuôi 2 con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nếu Công ty chuyển đi, chắc tôi phải nghỉ việc vì không thể nào đi xa được. Nguồn sống chính nuôi gia đình không còn, không biết những ngày dài sắp tới của mẹ già và hai con nhỏ của tôi sẽ ra sao đây” - Chị Nguyễn Thị Ng, một người lao động tại cơ sở sản xuất bao bì rưng rưng nước mắt.
Cần có lộ trình di dời các cơ sản xuất kinh doanh
Lo ngại trước việc Công ty Việt Hà gấp rút yêu cầu thanh lý các bản hợp đồng cho thuê đất, thu hồi khu nhà xưởng, các doanh nghiệp nằm trong Cụm công nghiệp Phú Minh đồng loạt kiến nghị lên Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan chức năng đề nghị cần có lộ trình di dời rõ ràng sau nhiều năm nữa để không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo đó, những tháng cuối năm 2017, Công ty Việt Hà thường xuyên gửi Giấy mời tới tất cả các doanh nghiệp đang thuê đất, nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Phú Minh đến để trao đổi những nội dung liên quan đến việc thanh lý hợp đồng thuê nhà xưởng và giải phóng mặt bằng.
Mặc dù thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố, nhưng đề nghị của Công ty Việt Hà quá bất ngờ với nhiều doanh nghiệp đang khai thác, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Phú Minh, trong khi trước đó, họ chưa có sự chuẩn bị cho việc di dời.
Nhiều doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh đề nghị các cơ quan chức năng cần có lộ trình và hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trong việc di dời nhà xưởng.
Trước thông tin trên, các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh hết sức ngỡ ngàng và không kịp trở tay vì chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm đã rất nhiều lần Công ty Việt Hà yêu cầu các doanh nghiệp di dời, trong khi đó mỗi khu nhà xưởng, các doanh nghiệp đầu tư số vốn, máy móc lên tới hàng trăm tỷ đồng, thậm chí một số doanh nghiệp có thời hạn thuê nhà xưởng kéo dài từ 8-9 năm nữa mới kết thúc.
Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội để xem xét, xử lý và trả lời các kiến nghị của các doanh nghiệp đang thuê nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Phú Minh trước ngày 05/02/2018.
Theo đó, các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh đã có văn bản gửi các cơ quan Trung ương và Hà Nội với nội dung đề nghị:
Một là, xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có lộ trình di dời phù hợp để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, giảm thiểu sự ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công ăn việc làm của người lao động;
Hai là, đề xuất các cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ, giới thiệu các khu công nghiệp hoặc địa điểm xây dựng nhà xưởng mới để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời có kế hoạch di dời phù hợp với quy hoạch mới (đặc biệt tại Cụm công nghiệp Phú Minh việc lập và duyệt quy hoạch mới đang gặp nhiều khó khăn và có thể kéo dài);
Ba là, có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc di dời, hỗ trợ các chi phí thiệt hại, mất mát của doanh nghiệp do việc di dời gây ra.
Việc giúp tồn tại một doanh nghiệp đã khó, nhưng để doanh nghiệp có chỗ đứng và tiếp tục phát triển lại càng đặt ra yêu cầu khó khăn gấp bội, do đó, để bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Phú Minh, thiết nghĩ UBND Thành phố Hà Nội cần có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ, tạo cơ chế thuận lợi, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp theo đúng chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Phan Anh Tuấn/tapchimattran.vn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.