Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 12 năm 2021 | 15:38

Hà Nội phát triển 44 triệu m2 nhà ở trong giai đoạn 2021-2025

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5019/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, UBND TP cũng thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ tại Mê Linh.

Cần 437.000 tỷ đồng để phát triển để phát triển 44 triệu m2

Theo đó, UBND thành phố đặt chỉ tiêu tổng diện tích sàn nhà ở phát triển giai đoạn 2021-2025 khoảng 44 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2 sàn/người.

Tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng trong các dự án tại các khu vực có khả năng bố trí nhà ở xã hội theo quy hoạch là 90% nhà ở chung cư; 10% là nhà ở riêng lẻ. Tỷ lệ diện tích sàn nhà ở để cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn tại dự án.

Thành phố cũng xác định cụ thể diện tích sàn nhà ở của các phân khúc hằng năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố. Cụ thể, năm 2021, phát triển tổng cộng 5.267.000m2 sàn nhà ở; trong đó, có 88.000m2 sàn nhà ở xã hội; 106.000m2 sàn nhà tái định cư; 573.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 nhà ở riêng lẻ.

 

hhhhh.jpg
Ảnh minh hoạ

 

Năm 2022, phát triển 8.419.000m2 sàn nhà ở; trong đó, có 241.000m2 sàn nhà ở xã hội; 152.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 3.526.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.

Năm 2023, phát triển 9.514.000m2 sàn nhà ở; trong đó, có 192.000m2 sàn nhà ở xã hội; 88.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 4.734.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.

Năm 2024, phát triển 9.696.000m2 sàn nhà ở; trong đó, có 239.000m2 sàn nhà ở xã hội; 92.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 4.865.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.

Năm 2025, phát triển 11.104.000m2 sàn nhà ở; trong đó, có 409.000m2 sàn nhà ở xã hội; 122.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 5.992.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.

Thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố dự kiến nhu cầu vốn là khoảng 437.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách khoảng 5.800,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, phát triển nhà ở xã hội và phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố khoảng 550,2 tỷ đồng và chi phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng vốn ngân sách thành phố khoảng 1,3 tỷ đồng.

UBND thành phố cũng huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện đầu tư, xây dựng nhà ở thương mại; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở tái định cư.

Để đạt được các chỉ tiêu phát triển nhà ở từ nay đến năm 2025, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các thủ tục hành chính và cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; tạo điều kiện hộ gia đình, cá nhân xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy hoạch và các chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Đặc biệt, đẩy nhanh công tác tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ; đồng thời, công khai các đồ án về quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn đã được phê duyệt và quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc…

Cùng với việc đề xuất nguồn vốn hợp lý của thành phố để phát triển nhà ở, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn vốn của Trung ương, UBND thành phố Hà Nội kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư tập trung.

Mạnh tay thu hồi 4 dự án chậm triển khai hàng chục năm tại Mê Linh

Theo đóTP. Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án.

Cụ thể 4 dự án bao gồm: Khu đô thị mới Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Việt Á. Riêng đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư.

Theo UBND TP Hà Nội, qua tổng hợp theo dõi, rà soát của các sở ngành Thành phố, trên địa bàn huyện Mê Linh sau thời điểm hợp nhất, mở rộng Thủ đô có 51 dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.759,5 ha.

 

img-bgt-2021-261114234-3215128758719261-2257740839234423042-n-1638170536-width1280height720.jpg
Một dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh

 

Báo cáo về tình hình triển khai các dự án, UBND TP. Hà Nội cho biết về thủ tục đầu tư, có 50 dự án đã được giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trong số đó có 3 dự án mới giao chủ đầu tư, chưa được chấp thuận đầu tư, cho phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư (Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh; Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh; Mở rộng dự án khu đô thị Cienco 5 tại huyện Mê Linh); một dự án chưa được giao chủ đầu tư, đang nghiên cứu lập quy hoạch (Khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho người thu nhập thấp).

Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, có 20 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án với tổng số tiền đã nộp khoảng 678 tỉ đồng, 8 dự án đã hoàn thành một phần nghĩa vụ tài chính với tổng số tiền khoảng 252 tỉ đồng (còn nợ khoảng 367 tỉ đồng); 23 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (do chưa có cơ sở quản lý thu).

Đến thời điểm hiện nay, việc triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư vẫn chậm, đều đang hoàn chỉnh các thủ tục, trong đó có một dự án đã cơ bản hoàn thành (Khu nhà ở, biệt thự tại xã Tiền Phong của Công ty CP Xây dựng Phương Huy).

Về việc điều chỉnh quy hoạch, trong tổng số 36 dự án thuộc diện phải rà soát, điều chỉnh đến nay đã có 11 dự án đã phê duyệt điều chỉnh; 5 dự án đang trình phê duyệt điều chỉnh, 8 dự án đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh (Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư).

Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo UBND TP, có 8 dự án đã có Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (KĐT làng hoa Tiền Phong; Khu biệt thự nhà vườn gia Tân, Khu nhà ở Minh Giang - Đầm và phần diện tích mở rộng, Khu nhà ở Minh Đức, KĐT mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2; KĐT mới CEO Mê Linh; Khu nhà ở cho người thu nhập thấp phục vụ Khu công nghiệp Kim Hoa - Phúc Thắng; Xây dựng văn phòng và khu biệt thự nhà vườn tại xã Đại Thịnh).

Các dự án còn lại chưa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, bao gồm: 2 dự án đang giải quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư; 4 dự án đã được nhà đầu tư nộp hồ sơ điều chỉnh nhưng cần phải hoàn chỉnh lại (Khu nhà ở cho người thu nhập thấp, khu biệt thự và nhà nghỉ Nam Sơn; Khu nhà ở Minh Giang Đầm Và giai đoạn II, KĐT Cienco 5); một dự án nhà đầu tư đã có văn bản xin tạm dừng giải quyết các thủ tục để giải quyết các tranh chấp nội bộ (khu du lịch 79 Mùa Xuân).

Thực hiện Kết quả giám sát các dự án chậm triển khai của HĐND TP, UBND TP đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, đề xuất báo cáo UBND TP đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh.

Hiện nay, UBND TP đang tiếp tục có chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thành lập tổ công tác liên ngành để tiến hành hậu kiểm, rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top