Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 9 năm 2017 | 5:15

Hà Nội trong tuần: Đề xuất hơn 20 kiến nghị tới Thủ tướng, không sáp nhập một số sở

Chủ tịch Hà Nội đề xuất hơn 20 kiến nghị quan trọng tới Thủ tướng, đề xuất không sáp nhập một số sở, rác thải tràn phố... làm những vấn đề nóng trong tuần của Thủ đô.

Hà Nội đề xuất hơn 20 kiến nghị tới Thủ tướng

Ngày 29.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các lãnh đạo TP.Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của thành phố 9 tháng đầu năm, các nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và những kiến nghị của thành phố tới Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất hơn 20 kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, về việc ủy quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách, TP.Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 17 - Luật Đầu tư công. Trong khi chờ Quốc hội xem xét, sửa đổi, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND TP.Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách TP.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được phát triển nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn để hình thành các khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao TP tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép TP.Hà Nội được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, trọng tâm là các tuyến đường sắt đô thị.

Đáng chú ý, lãnh đạo TP kiến nghị Thủ tướng phân cấp cho Hà Nội được linh hoạt trong việc quản lý, điều hành và sử dụng quỹ dự trữ TP để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép TP được sử dụng nguồn vốn ngân sách sự nghiệp để thực hiện đối với chợ không có điều kiện kêu gọi xã hội hóa; đề nghị Chính phủ cho phép TP được thống nhất quản lý nhà nước về nước sạch về một đầu mối là Sở Xây dựng để đảm bảo việc quản lý, cung cấp nước sạch theo “một tiêu chuẩn” là “nước sạch đô thị”; đề nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung các dự án xử lý rác phát điện trong Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia tại các địa điểm: Sóc Sơn, Tả Thanh Oai - Thanh Trì, Đồng Ké - Chương Mỹ và Xuân Sơn, Sơn Tây - Ba Vì; đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4 - Sân bay Quốc tế Nội Bài và xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm. Tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Hà Nội thực hiện thí điểm giao cho cấp huyện quản lý Thanh tra xây dựng cùng cấp để phát huy hiệu quả; cho phép thành phố Hà Nội được thực hiện phân cấp quản lý y tế cơ sở về cho cấp huyện quản lý; cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, không thông qua đấu thầu, đấu giá...; cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội; cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số gói thầu tư vấn và dự án đặc thù.

Hà Nội tiếp tục đề xuất không sáp nhập một số sở

Sáng 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội đã có buổi làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.Hà Nội trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.Hà Nội tiếp tục đề xuất duy trì, không sáp nhập các sở: Quy hoạch - Kiến trúc; Xây dựng; Giao thông Vận tải để phù hợp với thực tiễn đô thị lớn...

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đã báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị từ năm 2011 đến năm 2016 trên địa bàn Hà Nội...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như: Công nghiệp vẫn tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm dần, tính cạnh tranh còn chưa cao; vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép... còn xảy ra. Hiện tượng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè có lúc, có nơi còn diễn ra. Một bộ phận cán bộ làm việc còn chưa hết trách nhiệm; lãnh đạo, cán bộ ở cấp cơ sở có lúc, có nơi còn gây phiền hà cho người dân. Trên địa bàn vẫn xảy ra dịch bệnh như sốt xuất huyết...

Tại buổi làm việc, nhiều cử tri Hà Nội bức xúc về các khoảng thu tự nguyện nhưng như... bắt buộc. "Đầu năm học mới, nhiều trường, lớp có các khoản thu tự nguyện nhưng như "bắt buộc", khiến người dân băn khoăn và bức xúc vì "đóng góp tự nguyện thì ấm ức, không đóng lại sợ con mình bị trù úm", ông Bùi Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP bày tỏ.

Công nhân trổ tài thi ‘kỹ nghệ’ bảo dưỡng, sửa chữa xe buýt

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của đoàn phương tiện, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã tổ chức hội thi “Bảo dưỡng sửa chữa định kỳ cấp 2 xe buýt lần thứ 3” vào sáng nay (30/9).

Hội thi lần này có 13 đội tham gia thuộc 13 đơn vị hoạt động buýt trong Transerco. Các tuyển thủ dự thi đều là tinh túy được tuyển chọn kỹ lưỡng tại các đơn vị, đều có tay nghề, chuyên môn cao, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

13 đội sẽ tham gia thi hai nội dung chính đó là thi thực hành bảo dưỡng định kỳ cấp 2 ở định ngạch 48.000km (cấp 2 lần 4); thực hành 14 nội dung công việc chính trong nội dung bảo dưỡng cấp 2 theo quy định nội bộ Tổng công ty và nội dung thi thay thế vật tư (thay toàn bộ các loại lọc theo xe như lọc gió, lọc dầu máy, lọc tinh nhiên liệu, lọc tách nước khí nén); thay dầu máy, dầu cầu, dầu số; bổ sung dầu trợ lực lái, dầu côn, dầu phanh; các vật tư phụ tùng thay thế đột xuất (nếu có) trong thời gian là 150 phút.

Theo lãnh đạo Transerco, trong điều kiện hiện nay, xe buýt đang vận hành trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Thời gian vận hành một ngày rất lớn, từ 4 giờ sáng xe đã lăn bánh và khi về đến garage, vào bãi nghỉ là vào khoảng 11 giờ đêm. 

“Bảo dưỡng định kỳ là các công việc bắt buộc phải thực hiện sau một chu kỳ vận hành phương tiện theo quy định của Tổng công ty. Để nâng cao chất lượng phương tiện, đảm bảo xe đã vận hành là phải trong điều kiện tốt nhất, cùng với việc đầu tư thay mới phương tiện thì việc siết chặt quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ luôn được Tổng công ty chú trọng,” lãnh đạo Transerco cho hay.

Thống kê của Transerco cho thấy, tỷ lệ xe bảo dưỡng định kỳ cấp 1, cấp 2 và sửa chữa lớn luôn hoàn thành kế hoạch đề ra; đảm bảo không có hiện tượng xe xấu, xe bẩn, xe mất an toàn ra tuyến hoạt động.

Tỷ lệ thay xe trên tuyến/10.000 lượt xe của các đơn vị và Tổng công ty đã giảm mạnh qua các năm với tốc độ giảm trung bình năm là khoảng 12% và hiện số liệu đang ở mức thực hiện tốt, rất thấp là 13,5 lượt/10.000 lượt xe.

Hà Nội khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh

Từ ngày 18/9 đến 27/9/2017, đoàn đại biểu TP Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc chính thức tại các TP London (Anh), Paris (Pháp) và Turin (Ý) để khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng TP thông minh.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông báo lộ trình xây dựng TP thông minh của Hà Nội và các ưu tiên của TP trong xây dựng hệ thống giao thông thông minh và Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung của TP. Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Văn Thảo và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của Hà Nội cũng như đánh giá cao hướng đi của Hà Nội trong xây dựng TP thông minh, đồng thời cam kết sẽ sẵn sàng hỗ trợ tạo điều kiện cho Hà Nội được tiếp cận các cơ quan, doanh nghiệp tại Anh và Pháp có kinh nghiệm trong xây dựng TP thông minh và giao thông thông minh.

Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với các Trung tâm giám sát, điều hành giao thông và giám sát an ninh công cộng của TP London, Paris và Turin.

Tại Turin, ngài Guido Montanari - Phó thị trưởng TP đã chào mừng và tiếp đón đoàn. Đồng thời, đoàn đã thăm và làm việc với các tổ chức và doanh nghiệp để tìm hiểu các giải pháp mới và kinh nghiệm triển khai các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực giao thông, y tế, ứng cứu khẩn cấp...

Qua các buổi làm việc đoàn công tác đã được nghe giới thiệu và trao đổi về kinh nghiệm trong việc xây dựng, tổ chức và quản lý điều hành các trung tâm giám sát, điều hành giao thông, giám sát an ninh công cộng, các mô hình ứng cứu khẩn cấp và các giải pháp thông minh trong quản lý và điều hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông, quản lý các phương tiện vận tải hành khách công cộng, thẻ vé thanh toán liên thông, giải pháp cho tòa nhà thông minh, năng lượng thông minh, an ninh thông minh, hệ thống rada thông minh giám sát giao thông,…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đánh giá cao những kết quả mà các TP đã đạt được trong việc ứng dụng các giải pháp thông minh để quản lý và điều hành giao thông, y tế, tích hợp đầu số cứu hộ, cứu nạn cũng như các giải pháp công nghệ mới được các công ty nghiên cứu, triển khai. Đồng thời, đồng chí cũng nêu định hướng và quyết tâm của Hà Nội trong việc xây dựng thành phố thông minh nói chung và mục tiêu cụ thể về Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung và hệ thống giao thông thông minh của Hà Nội. Với đặc điểm riêng, Hà Nội sẽ lựa chọn những thành tựu, học hỏi kinh nghiệm của các thành phố lớn trên thế giới để áp dụng hiệu quả, triển khai theo lộ trình và giai đoạn phù hợp.

Thiếu điểm trung chuyển, rác thải tràn phố

Để nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường (VSMT), hướng đến một đô thị xanh - sạch - đẹp, từ năm 2016, TP Hà Nội đã thực hiện cơ giới hóa việc thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn các quận. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng chưa được bố trí đồng bộ khiến công tác thu gom rác còn những tồn tại gây bức xúc.

Theo quy trình thu gom cơ giới hóa, đơn vị VSMT sẽ sử dụng xe ô tô thu rác trực tiếp từ các hộ dân, các thùng chứa theo lộ trình đã thống nhất vào đúng giờ quy định. Tuy nhiên, ở một số quận như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy… do có nhiều ngõ, ngách nhỏ và sâu nên hiện tại, nhiều khu vực vẫn phải thu gom bằng các xe chở thô sơ. Tại hầu hết các quận đều chưa bố trí điểm tập kết, trung chuyển đúng yêu cầu trước khi chuyển ra các bãi xử lý của TP. Do đó, tại nhiều tuyến phố, khu dân cư đang tồn tại những bãi tập kết xe, điểm cẩu rác bất đắc dĩ không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường, mà còn gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, lượng rác thải trên địa bàn TP hiện nay khoảng 6.200 tấn/ngày. Mặc dù hầu hết các quận đã áp dụng phương thức thu gom cơ giới hóa, song, do đặc điểm hạ tầng có nhiều ngõ nhỏ và sâu nên hiện vẫn còn 30 – 40% lượng rác thu gom bằng các xe thô sơ.

Nguyên nhân chính do quỹ đất quy hoạch dành cho việc này hầu như từ trước đến nay chưa được tính đến. Ông Đỗ Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy) cho biết, hiện phường không có khu vực nào thực sự đúng nghĩa là nơi cẩu rác. Do trong quy hoạch không có nơi tập kết tạm rác thải để chờ cẩu đi nên phường chỉ còn cách chọn một vài vị trí gần các khu công trình đang xây dở dang, thậm chí phải chấp nhận tập kết rác ở cả lòng đường, vỉa hè. 

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo một số quận, huyện, xã, phường chưa quyết liệt, còn thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, còn tâm lý trông chờ vào TP. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ tịch các quận, huyện, thị xã phải chủ động trong công tác VSMT theo phân cấp, trong đó quan tâm đến việc bố trí địa điểm và hỗ trợ đầu tư các trạm trung chuyển quy mô nhỏ phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng cơ giới hóa.

Vân Nhi (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top