Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 7 năm 2020 | 20:20

Hà Nội vẫn loay hoay tìm giải pháp chống ô nhiễm

Sau nhiều sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn trong thời gian gần đây, Hà Nội đã có những chỉ đạo sát sao đến từng đơn vị trong việc cải thiện chỉ số chất lượng không khí, môi trường sông.

Nhiều giải pháp được đề ra

Sau sự cố tại bãi rác Nam Sơn, những ngày gần đây theo số liệu từ 10 trạm quan trắc không khí trên địa bàn TP.Hà Nội luôn ở ngưỡng “Xấu” và “Rất xấu”. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay chất lượng không khí kém hơn. Nồng độ bụi PM2.5 tại các trạm có thể lên đến >200 µg/m3 vào buổi sáng sớm, trong khi nồng độ bụi ngày cao nhất vào tháng 12/2018 vẫn <100 µg/m3.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Hà Nội gặp sự cố về ô nhiễm môi trường thế này. Gần đây nhất, vụ cháy khu công nghiệp nhà máy hóa chất Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) vào cuối tháng 6 vừa qua khiến nhiều người dân sống quanh khu vực lo sợ hóa chất bị rò rỉ ra môi trường. Hay trước đó vụ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân) vào tháng 8.2019 được các chuyên gia môi trường đánh giá là vụ đại hỏa hoạn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

3-1.jpg
Bãi rác Nam Sơn bị chặn khiến nhiều nơi trong nội đô ngập ngụa rác. Ảnh: Phạm Đông

 

Để cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn, mới đây UBND TP.Hà Nội đã giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm soát, xử phạt hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, thu gom đốt rác, đốt rơm rạ tự phát; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đổ rác đúng nơi quy định, không đốt rơm rạ, rác thải tự phát, giảm thiểu đốt vàng mã.

Các đơn vị cần đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đảm bảo không để tồn đọng rác thải. Nghiên cứu ứng dụng sử dụng pin năng lượng mặt trời, hoặc các nguồn nhiên liệu tái tạo khác thân thiện môi trường trong đời sống sinh hoạt. Rà soát quỹ đất, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các sân chơi, vườn hoa, tăng mật độ cây xanh, trồng cây xanh tại công viên, dải phân cách, ven đường giao thông trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và bảo vệ môi trường không khí.

UBND TP.Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện công tác tưới nước rửa đường theo chỉ đạo của UBND Thành phố để giảm phát tán bụi, yêu cầu các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường nghiên cứu cải tiến công nghệ, quy trình phun rửa đảm bảo tiết kiệm nước và đạt hiệu quả làm sạch cao...

Đặc biệt, Sở Xây dựng, Sở Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về “Chế tài xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân”, trong đó đề xuất nâng mức xử phạt, áp dụng mức chế tài mạnh đủ sức răn đe, quy định cụ thể, chi tiết đối với từng hành vi gây ô nhiễm môi trường của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Cần quyết tâm thực hiện giải pháp căn cơ

Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận định, từ sự cố tại bãi rác Nam Sơn đã cho chúng ta thấy một số điểm bất cấp từ cơ quan chức năng. Đó chính là biện pháp dự phòng để kịp thời ứng phó khi có sự cố ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí xảy ra.

“Việc người dân tại bãi rác Nam Sơn chặn xe rác vào khu xử lý dẫn đến tình trạng nội thành bị tồn động rác gây ô nhiễm môi trường toàn thành phố. Đây là những dẫn chứng cụ thể cho việc cần có giải pháp kịp thời để ứng phó. Hoặc cần phải đảm bảo quy trình bảo vệ môi trường, không để mùi hôi thối, hay nước bẩn ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài, đến cuộc sống của người dân”, ông Đăng nói.

Ngoài ra, ông Đăng cũng chỉ ra, Hà Nội nói riêng và các địa phương khác cần chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ như UBND TP nêu ở trên. Đặc biệt, người dân cùng chung tay thực hiện các giải pháp để đảm bảo môi trường, đảm bảo chính cuộc sống của họ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam phân tích, để giảm thiểu ô nhiễm không khí có rất nhiều giải pháp. Hiện nay, Hà Nội đang khôi phục lại các xe tưới đường để giảm thiểu lượng bụi mịn cơ học thuần túy. Tuy nhiên, theo ông Sơn chất lượng không khí không chỉ phụ thuộc vào ô nhiễm từ bụi mịn. Mà nó còn xảy ra nhiều nguyên nhân như khói, hóa chất độc hại phát sinh ở các khu công nghiệp quanh TP.Hà Nội.

Ô nhiễm môi trường hiện đang là vấn đề phức tạp, không chỉ riêng Hà Nội mà của cả nước. Vì vậy, để quản lý, kiểm soát chất lượng không khí thì chính quyền đại phương cần hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhằm kiểm soát việc phát tán bụi tại các địa điểm thi công xây dựng và trên phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng; tăng mật độ cây xanh trong đô thị, mở rộng công viên.

Ngoài ra, đối với công tác quản lý ô nhiễm không khí, theo ông Sơn, Hà Nội cũng như các thành phố lớn cần loại bỏ các phương tiện cũ nát, không đảm bảo bằng cách kiểm định khí thải ở ôtô, xe máy, hay các loại phương tiện khác mới đảm bảo hơn. Từ đó tăng cường phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm và hình thức giao thông không gây ô nhiễm.

“Việc giải quyết ô nhiễm môi trường không phải việc khó, giải pháp căn cơ đã có, việc cần làm bây giờ là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cả nhân dân thì việc khó cũng thành dễ”, ông Sơn khẳng định.

Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất

Phòng ngừa sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn thành phố, UBND Hà Nội vừa chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Theo chỉ đạo, Sở Tài nguyên và Môi trường phải tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt là đối với những đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất; công tác kiểm tra, thẩm định phương án ứng phó sự cố tràn dầu đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Viện hóa học môi trường quân sự, UBND quận Long Biên và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá ảnh hưởng của các chỉ tiêu, thông số môi trường vượt giới hạn cho phép đối với sức khỏe con người; trên cơ sở đó công bố kết quả quan trắc môi trường công khai cho người dân biết.

 

chay-cang.jpg
Công tác khắc phục sự cố môi trường sau vụ cháy ở quận Long Biên về cơ bản đã hoàn tất.

 

Các đơn vị khác như: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh hóa chất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt; kịp thời xử lý các vi phạm về an toàn hóa chất đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thẩm định phương án ứng phó về sự cố hóa chất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn Thành phố; kiểm tra việc sử dụng hóa chất độc hại và công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Công an Thành phố tăng cường kiểm tra, thẩm định phương án phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất và các đơn vị kinh doanh, buôn bán xăng dầu.

Tại địa phương, UBND thành phố giao UBND quận Long Biên tiếp tục chỉ đạo UBND phường Thượng Thanh kiểm tra, giám sát, đôn đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt và Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố môi trường; báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trong tháng 7/2020…

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top