Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, trong tổng số 108 cơ sở thực phẩm trên địa bàn được kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) với 15 cơ sở với tổng số tiền 165 triệu đồng trong quý 3/2019.
Chi cục ATVSTP Hà Nội đã lấy 50 mẫu thực phẩm để xét nghiệm, trong đó phát hiện 3 mẫu không đạt gồm hạt trân trâu và hai thực phẩm chức năng. Các xét nghiệm khác đều cho kết quả đạt từ 95 - 100%.
Theo Sở Y tế Hà Nội, Ban chỉ đạo ATTP Thành phố đã xử phạt 5.819 cơ sở kinh doanh thực phẩm với tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng vi phạm trong 9 tháng đầu năm 2019. Riêng quý III đã xử phạt 165 triệu đồng đối với các cơ sở vi phạm ATTP.
Cũng trong quý 3/2019, Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng thông tin đã cấp mới 255 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm cho 85 hồ sơ đạt; cấp 258 giấy tiếp nhận bản công bố cho sản phẩm thực phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Thành phố cũng cấp mới 2.551 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong đó: Tuyến thành phố cấp mới 2.061 giấy; Tuyến quận, huyện, thị xã cấp mới 490 giấy.
Ngoài ra, Hà Nội còn cấp 832 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm thực phẩm, 183 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và tiếp nhận 13.650 bản tự công bố.
Công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn thành phố là một công việc hết sức cần thiết, công tác này đòi hỏi phải làm thường xuyên, liên tục từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện. Phân cấp trách nhiệm quản lý để khi có vấn đề về ATVSTP xảy ra, việc xử lý mới đúng, người tiêu dùng rất mong các cơ quan chức năng thực thi thường xuyên, liên tục để bảo đảm thực phẩm trên thị trường luôn luôn an toàn.
Bảo đảm đủ thịt lợn cho Tết Canh tý
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu phi (DTLCP) tuy nhiên Thành phố vẫn bảo đảm cung ứng đủ lượng thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nguồn cung cấp thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là bảo đảm được chất lượng và ATVSTP, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết.
Theo kế hoạch, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với Tết năm 2019).
Cụ thể, gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000m3 xăng dầu...
Nhằm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội còn tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các điểm chợ hoa, cây cảnh phục vụ Nhân dân trên địa bàn TP...
Từ tháng 2 đến nay, dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến nguồn cung giảm sút mạnh. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, hiện đàn lợn toàn TP Hà Nội có 1.170 nghìn con, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 9 tháng qua chỉ đạt 211,2 nghìn tấn, giảm 14,1%, riêng trong tháng 9 sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP chỉ đạt 14.200 tấn. So với nhu cầu của người dân trong 1 tháng thì còn thiếu 4.394 tấn thịt lợn, dịp Tết Nguyên đán thiếu 8.100 tấn/tháng.
Để đảm bảo nguồn hàng thịt lợn phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa cho thị trường Hà Nội.
Phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể
Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, đơn vị cung cấp và cha mẹ học sinh góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn tập thể trường học, đây là nội dung tại cuộc Hội thảo công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học mới đây tại Hà Nội
Tham luận của các đơn vị Trung tâm y tế huyện Quốc Oai, Phòng y tế quận Nam Từ Liêm, Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tây Hồ và Trường tiểu học Phương Liên (quận Đống Đa), Trường tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Trường tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) và của 4 nhà cung cấp thực phẩm đều cho thấy rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, đơn vị cung cấp và cha mẹ học sinh để góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể để phòng ngừa ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, chật hẹp, khó sắp xếp bếp ăn theo nguyên tắc một chiều; một số trường không có đủ mặt bằng, thiếu cơ sở vật chất để nấu ăn tại trường… Một số nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm hoặc cô nuôi vẫn còn đeo đồ trang sức, để móng tay dài trong chế biến thực phẩm. Nhà cung cấp chưa thực hiện đúng các cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm… Đây là những nguyên nhân chính dễ dẫn đến mất ATTP tại bếp ăn trường học.
Ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo ATTP. Chỉ đạo Ban giám hiệu các trường thực hiện nghiệm việc ký hợp đồng thực phẩm tại những đơn vị đủ cơ sở pháp lý, kiên quyết không hợp tác với đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm không an toàn.
"Song song với đó, ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục, các đơn vị truyền thông đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh ATTP. Ngành giáo dục cũng cần đẩy mạnh hoạt động quản lý, chỉ đạo về vệ sinh ATTP tại trường học có bếp ăn bán trú. Tăng cường kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể, hướng dẫn các đơn vị khắc phục tồn tại để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo ATTP bếp ăn trường học", ông Trần Văn Chung cho hay.