Trong khi nhiều tiểu thương ở chợ Quý Cao sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng để thầu chợ thì UBND xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ - Hải Dương) lại chỉ định thầu với “giá bèo” khiến dư luận bức xúc.
Theo các tiểu thương, BQL chợ thu phí gà tươi sống 1.500 đồng/con, vịt tươi sống 1.000 đồng/con, trong khi đó có người bán cả trăm con vịt, gà thì số tiền phải đóng khá lớn.
Chợ Quý Cao rộng khoảng 3.000m2, được khánh thành và đi vào hoạt động năm 2013. Điều đáng nói là, khi đưa chợ vào khai thác, xã không tổ chức đấu thầu mà chỉ định cho bà Nguyễn Thị Vân, người trong xã, thầu chợ.
Theo hợp đồng giao thầu thu phí, lệ phí tại chợ Quý Cao năm 2016 thì giá trị hợp đồng khoán gọn là 40.000.000 đồng/năm, thời gian thực hiện 12 tháng, từ 2/3/2016 đến ngày 1/3/2017. Việc thu phí và lệ phí được thực hiện theo Quyết định 14/2012/QĐ-UBND ngày 20/7/2012 của UBND tỉnh Hải Dương. Cụ thể, phí cố định mức thu 4.000 đồng/m2/tháng; phí vào chợ bán hàng tùy theo giá trị hàng hóa. Nếu hàng có giá trị dưới 100.000 đồng, mức thu 2.000 đồng/lượt; hàng có giá trị từ 100.000 - 500.000 đồng, thu 3.000 đồng/lượt; hàng có giá trị trên 500.000 đồng, thu 4.000 đồng/lượt.
UBND xã Nguyên Giáp ký hợp đồng thầu chợ với bà Vân trị giá 40.000.000 đồng/năm, trung bình bà Vân bỏ ra hơn 100.000 đồng/ngày để thầu chợ. Trong khi đó theo người dân vào phiên chợ chính ban quản lý thu từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng/ngày.
Theo các tiểu thương, quy định là vậy nhưng khi thực hiện, bà Vân tự ý nâng mức phí cao hơn quy định nhiều lần khiến người dân và tiểu thương bức xúc, còn xã thì làm ngơ coi như không hay biết. Cụ thể, nhiều tiểu thương phải chịu mức phí từ 10.000 - 20.000 đồng/buổi chợ. Chẳng hạn, phí hàng thịt 10.000 đồng/buổi, vào ngày cuối tháng tăng lên 20.000 đồng/buổi; hàng cá 15.000 đồng/buổi; hàng rau 2.000 - 10.000 đồng/buổi; gà tươi sống 1.500 đồng/con, vịt tươi sống 1.000 đồng/con. Các hàng bán trong ki- ốt mái tôn phải nộp 10.000 đồng/buổi chợ, trong khi những chỗ ngồi tại đó đã phải “mua nền” từ 10.000 đồng/chỗ. Tại chợ không niêm yết hoặc thông báo công khai mức phí, thu tiền cũng không có biên lai.
Bà Ng., tiểu thương bán hàng tại chợ, tâm sự, phí chợ cao một cách vô lý, chỉ có tý rau thôi mà thu của người ta chục nghìn đồng thì ai mà chịu được. Chúng tôi thắc mắc thì người ta bảo đó là quy định chung, ai cũng phải nộp như vậy. Nếu không nộp sẽ bị đuổi ra khỏi chợ.
Một tiểu thương khác cho biết, chợ có khoảng 200 quầy hàng cố định, mỗi ngày thu 10.000 đồng/quầy, vào cuối tháng họ thu cao gấp đôi. Ngoài ra, mỗi ngày có hàng trăm người dân địa phương và ở các xã lân cận tới bán hàng không cố định, họ thu 10.000 - 20.000 đồng/người/phiên. Trong khi đó, mỗi tháng chợ họp 12 phiên chính, trung bình thu được 4.000.000-5.000.000 đồng/phiên, các ngày còn lại thu được 2.000.000-3.000.000 đồng/phiên. Nhẩm tính ra một tháng ban quản lý chợ thu gần 100 triệu đồng. Ấy vậy mà xã cho thầu có 40.000.000 đồng/năm là quá thấp. Bức xúc hơn là, xã không tổ chức đấu thầu mà chỉ định thầu chợ. Chúng tôi cho rằng, UBND xã và bà Vân có sự ăn chia số tiền thầu và số tiền thu thực tế. Nếu phải đóng 100 triệu đồng/năm tôi cũng thầu.
Chưa hết, người dân xã Nguyên Giáp còn cho biết, số tiền dù rất ít ỏi thu từ chợ Quý Cao nhưng không được nhập vào ngân sách xã. Bằng chứng là tại báo cáo thu chi tài chính của xã, không thấy khoản thu từ chợ Quý Cao.
Theo nhiều người bán hàng tại chợ, Ban quản lý thu phí cao hơn nhiều lần so với quy định.
Theo ông Bùi Viết Tuấn, Chủ tịch UBND Nguyên Giáp, xét thấy gia đình bà Vân có hoàn cảnh khó khăn nên xã tạo điều kiện và chấp thuận giao thầu chứ không tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Khi phóng viên phản ánh việc thu phí, lệ phí bừa bãi tại chợ Quý Cao, ông Tuấn tỏ ra bất ngờ, ông cho biết xã vẫn thường xuyên giám sát hoạt động ở chợ. Phóng viên cho ông Tuấn xem video cảnh thu phí ở chợ thì ông im lặng.
Liên quan tới số tiền thầu chợ bỏ ngoài ngân sách, ông Tuấn cho biết, khoản tiền này được nộp vào kho bạc. Tuy nhiên, khi được đề nghị xem chứng từ cũng như báo cáo tài chính trình HĐND xã, thì ông Tuấn lấy lý do kế toán đi vắng và muốn xem, phải có ý kiến chỉ đạo từ huyện Tứ Kỳ.
Ông Tuấn giải thích, đây là việc của nhiệm kỳ trước, nếu cung cấp cho báo chí e rằng sẽ thành chuyện tế nhị, nhạy cảm.
Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm làm rõ khuất tất trong việc chỉ định thầu chợ Quý Cao.
Nhóm PV
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.