Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 15:6

Hái ra tiền nhờ áp dụng kỹ thuật ép na ra trái nghịch vụ

Nhờ áp dụng quy trình VietGAP, người dân xã An Sinh (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã đưa ra thị trường những trái na dai trái vụ chất lượng, thơm ngon.

Na trái vụ đã trở thành cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao cho nhà vườn nơi đây.

 

t14.JPG
Ông Phạm Văn Nhần bên vườn na trái vụ của gia đình.
 

Na mọc từ thân cây

Về xã An Sinh những ngày cuối năm, bạn sẽ gặp những cây na quả sai trĩu cành trên khắp các sườn đồi, đã trở thành hình ảnh đẹp, mang đậm nét đặc trưng từ hàng chục năm nay của vùng quê này. Nơi đây có lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, loại đất màu đỏ son, tơi xốp giúp cây na phát triển tốt.

Ngoài ra, bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng.  Đặc biệt, với kỹ thuật cắt cành để ép cho na dai ra quả gối vụ từ thân cây, người dân xã An Sinh đã học hỏi, thử nghiệm, điều chỉnh sự sinh trưởng của cây để kéo dài thời gian cây cho quả.

Để na cho quả trái vụ, cần áp dụng các biện pháp như: Cắt tỉa cành để cây được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa; thụ phấn nhân tạo và đặc biệt là chủ động nguồn nước tưới, đảm bảo đất luôn ẩm.

Ông Phạm Văn Nhần ở thôn Tam Hồng, chia sẻ, ở vụ na chính vụ, sau khi ăn Tết Nguyên đán, nhà tôi bắt đầu cắt bỏ toàn bộ cành. Khoảng 2 tháng sau, cây na mới bắt đầu có nụ, ra hoa, kết trái. Na chính vụ cho thu hoạch từ tháng 7 - 9 âm lịch. Nhưng muốn thu hoạch na trái vụ vào cuối năm thì cần phải ép để ra quả gối vụ bằng cách cắt tỉa cành. Na bị cắt cành khiến dinh dưỡng bị ứ lại, dồn về thân sẽ cho chồi lộc, đơm hoa ngay trên thân cây. Khi đó, tùy thuộc vào sức khỏe của cây, chủ động thụ phấn, khống chế số lượng quả cho phù hợp.

 

t15.JPG

Bằng các biện pháp kỹ thuật, người nông dân dân đã cắt tỉa, kéo dài mùa vụ thu hoạch na.

 

Theo ông Nhần, mùa na gối vụ sẽ cho thu hoạch vào tháng 9 – 11 âm lịch, nhờ kỹ thuật này, thời gian thu hoạch na muộn hơn, năng suất, chất lượng cao hơn, bán được giá hơn. Sản phẩm na trái vụ của bà con thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua hết.

Nâng cao năng suất

Nếu như na chính vụ rơi vào khoảng tháng 7 - 8 âm lịch, thì thời điểm này (đầu tháng 11), những trái na dai trái vụ mới đang được thương lái thu mua rầm rộ. Thời gian thu hoạch na trái vụ kéo dài 2 - 3 tháng, có thể đến tháng 12 âm lịch. Do sản lượng ít nên tiêu thụ nhanh, giá bán cao gấp 1,5-2 lần so với na chính vụ.

Theo ông Phạm Văn Nhần, hầu hết người dân xã An Sinh đều trồng na theo quy trình VietGAP. Na sạch, lại thu hoạch trái vụ nên giá bán khá cao, 30.000 - 35.000 đồng/kg, na chính vụ chỉ bán được giá 20.000 đồng/kg.

“Với 1 mẫu  (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) na, sản lượng cho thu hoạch khoảng 4 tấn quả, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi 40 triệu đồng. Na trái vụ thơm, ngọt lại bảo quản được lâu hơn do mùa này nhiệt độ ngoài trời thấp hơn, cùng với áp dụng quy trình VietGAP nên chất lượng được đảm bảo, mẫu mã đẹp, được khách hàng ưa chuộng. Không chỉ có khách hàng đến vườn mua mà nhiều người ở xa còn đặt hàng online nên việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn”, ông Nhần cho biết thêm.

Anh Nguyễn Công Huy phấn khởi chia sẻ, gia đình trồng hơn 3 mẫu na, dự kiến năm nay thu  hơn 10 tấn, với giá thu mua ổn định như hiện nay (35.000 đồng/kg), trừ chi phí, lãi khoảng 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã An Sinh, cho biết: An Sinh là xã miền núi, nhân dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi. Xã hiện có 448ha na. 5 năm trở lại đây, người dân trong xã tập trung điều chỉnh để na ra trái vụ. Quá trình để na ra trái vụ cũng tuỳ từng vườn, từng nhà, vườn nào thưa quả thì mới làm trái vụ hoặc cách 1 năm thực hiện 1 năm.

“Xã rất quan tâm đến việc trồng na của người dân. Chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng các mô hình na VietGAP, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm (Nhà nước 50%, nhân dân 50% kinh phí). Có hệ thống tưới thuận lợi, bà con tiết kiệm được sức lao động, cây trồng đủ nước cho năng suất cao hơn. Hiện, na của địa phương được xuất bán đi nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hoá… Nhờ việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng na nên nhiều hộ có thu nhập cao, ổn định, bình quân đạt 57 triệu đồng/người/năm”, ông Thắng cho biết thêm.

Với nhiều địa phương trên địa bàn thị xã Đông Triều, na dai đã và đang là cây trồng chủ lực, giúp người nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Để loại cây trồng này phát triển với năng suất và chất lượng cao hơn, từ năm 2012, sản phẩm na dai đã được triển khai xây dựng thương hiệu với mong muốn nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường.


 

 

 

Tam Anh - Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top