Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 5 năm 2022 | 10:59

Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp

Trong giai đoạn 2019 - 2022, Hàn Quốc phối hợp, hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện trên 30 chương trình, dự án cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, với tổng kinh phí hơn 136 triệu USD.

Sớm mở cửa thị trường các loại quả tươi

Trung tuần tháng 4 vừa qua, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đã hội đàm và ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc Kim Jong-hoo nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, xứng tầm đối tác chiến lược giữa hai nước.

Năm 2021, kim ngạch xuất - nhập khẩu nông – lâm - thủy sản giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 2,92 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2020. Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022, Hàn Quốc phối hợp, hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện trên 30 chương trình, dự án cho ngành Nông nghiệp và PTNT với tổng kinh phí hơn 136 triệu USD, trong đó có 21 chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, với tổng kinh phí gần 50 triệu USD và 1 dự án sử dụng vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư 86 triệu USD.

 

01.jpg
Hệ thống văn phòng và nhà kho HTX, nhà lưới, nhà nuôi nấm, máy phát năng lượng mặt trời, hệ thống sấy và xay xát lúa gạo của Hàn Quốc.

 

Hiện, các dự án này đã và đang tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả. Đối với các chương trình dự án đã kết thúc, Bộ quan tâm chỉ đạo kế thừa, nhân rộng mô hình, kết quả từ các dự án này, từng bước cải thiện thu nhập, sinh kế cho người nông dân.

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, các sản phẩm của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ trợ cho nhau. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị phía Hàn Quốc sớm xem xét mở cửa thị trường các loại quả tươi như bưởi, nhãn, vải, chôm chôm và chanh leo.

Hàn Quốc đã công nhận 2 cơ sở xử lý hơi nước nóng của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ đề nghị được công nhận thêm các cơ sở đủ điều kiện và sớm chuyển giao chương trình kiểm tra nhà máy cho phía Việt Nam với sản phẩm xoài. Đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật, phía Việt Nam đề nghị sớm xem xét chấp thuận hồ sơ và mở cửa thị trường đối với sản phẩm thịt gà chế biến.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề xuất phía Hàn Quốc tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác đã được ký kết, trong đó tập trung vào các nội dung: tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, trang trại thông minh, phát triển chuỗi giá trị.

Thứ trưởng Kim Jong-hoo cho biết, ông hoàn toàn nhất trí với những đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai bộ trong thời gian tới và ghi nhận các đề nghị, xem xét các hồ sơ theo thứ tự ưu tiên do Việt Nam đề xuất để thúc đẩy mở cửa thị trường. Ở chiều ngược lại, ông cũng đề nghị Việt Nam xem xét một số sản phẩm như dưa vàng, thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn… để những sản phẩm này sớm vào được thị trường Việt Nam.

Đối với các dự án ODA, Thứ trưởng Kim Jong-hoo đề nghị Việt Nam hỗ trợ thực hiện 4 dự án đang triển khai theo đúng tiến độ thoả thuận; đồng thời ký kết thỏa thuận mới về chăn nuôi gia súc và tiếp tục thực hiện hiệu quả dự án về trang trại thông minh.

Cách xây dựng nông nghiệp thông minh ở Hàn Quốc

Trong xã hội Hàn Quốc, nhu cầu quản lý nông thôn hiệu quả ngày càng tăng do dân cư nông thôn già đi và dân số giảm. Một mặt, xuất hiện nguy cơ các ngôi làng sẽ dần biến mất do tốc độ đô thị hóa đang diễn ra ngày một nhanh. Mặt khác, tại nông thôn của Hàn Quốc, đang có hiện tượng giới trẻ quay về làm nông nghiệp. Đây là 2 mặt tốt và xấu đang diễn ra song song tại các vùng thôn quê của Hàn Quốc.

Vì vậy, việc thông minh hóa khu vực nông thôn đang nổi lên như một vấn đề then chốt, là một giải pháp cần thiết để phát triển và cũng để đối phó với những mối đe dọa trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Chính quyền trung ương và địa phương đang hỗ trợ phát triển nông thôn và nông trại thông minh bằng cách kết nối với nhau trên mọi phương diện và lĩnh vực. Trang trại thông minh là một trong những dự án chiến lược và mô hình đổi mới sáng tạo sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ tại Hàn Quốc.

Các thung lũng đổi mới công nghệ trong canh tác thông minh được xây dựng trên cơ sở ba trụ cột chính là công nghệ, sản xuất và con người. Nội dung định hướng của dự án bao gồm: Thiết lập các chương trình giáo dục chuyên nghiệp về trang trại thông minh và bồi dưỡng chuyên gia trẻ. Xác định các mặt hàng xuất khẩu mới có triển vọng từ các trang trại thông minh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời, tổ chức Hội chợ K-Food tại Thái Lan, Việt Nam,...

Xây dựng các tổ hợp thực nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm và công nghệ mới giữa các ngành công nghiệp (thiết bị, thực phẩm và sinh học), nông dân và các cơ quan nghiên cứu. Xây dựng nền tảng mở nhằm chia sẻ và giao dịch dữ liệu về tăng trưởng và trồng trọt của các trang trại thông minh. Ban hành các tiêu chuẩn quốc gia để bảo đảm tính tương thích giữa các thiết bị trang trại thông minh và hiệu quả bảo trì.

 

03.jpg
Hàn Quốc hỗ trợ cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo ở Đồng bằng sông Hồng.

 

Cũng tương tự như Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam, để xây dựng thành công nông nghiệp thông minh, Chính phủ Hàn Quốc chỉ đạo tất cả các bộ, ngành tại Hàn Quốc đều phải vào cuộc và trực tiếp phụ trách các dự án thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Mỗi bộ, ngành và địa phương phải ban hành các cơ chế chính sách riêng, nhưng đồng thời khai thác các tính năng độc đáo trong khi hợp tác với các bộ ngành khác.

Căn cứ các nội dung được phân nhiệm, các bộ, ngành và địa phương cùng xây dựng 4 tiêu chí dịch vụ của làng thông minh, gồm: Tiêu chí về môi trường sống (quan sát theo dõi môi trường, hạ tầng cơ bản, ngăn ngừa dịch bệnh, theo dõi an ninh an toàn, giáo dục và sức khỏe); Tiêu chí về xã hội nông thôn (kích hoạt cộng đồng, khảo sát làng); Tiêu chí về kinh doanh nông nghiệp (thông tin nông nghiệp, mạng lưới nhân sự); Tiêu chí về đa dạng hóa kinh doanh (marketing địa phương, chia sẻ nguồn lực).

Từ các tiêu chí trên, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng chính sách phát triển trang trại thông minh tại Hàn Quốc với chiến lược cách mạng nông nghiệp bằng trang trại thông minh bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2022 trên diện tích 42,7ha với tổng mức đầu tư khoảng 157,92 tỷ won (tương đương 140 triệu USD).

Theo Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc, mục đích của dự án là nhằm tạo lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nông nghiệp thông qua việc mở rộng bốn thung lũng công nghệ nông nghiệp, hướng đến xây dựng một thị trường nông nghiệp công nghệ cao mới.

Thung lũng công nghệ này sẽ được phát triển thành cụm công nghiệp nông nghiệp dựa trên công nghệ thông tin để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và các ngành liên quan bằng cách tích hợp sức mạnh của nguồn nhân lực trẻ và đổi mới công nghệ.

 

 

 

Chanh (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top