Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 1 năm 2022 | 10:27

Hàng giả, hàng cấm đang "nóng" lên từng ngày

Chỉ riêng ở Hà Nội lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ sản xuất hàng Tết không nhãn mác, trong khi đó, tình trạng vận chuyển, buôn bán pháo lậu đang diễn ra ở nhiều địa phương. Qua đây cho thấy, hàng giả, hàng cấm đang "nóng" lên từng ngày.

Hà Nội nhiều sở sản xuất hàng Tết không nguồn gốc

Vào dịp Tết Nguyên đán vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Bởi cứ đến dịp này, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, một số đối tượng tìm mọi cách để sản xuất, đưa vào thị trường các mặt hàng giả, nhái đội lốt chính hãng, không đảm bảo về chất lượng.

Mặc dù không được nhà sản xuất chính hãng ủy thác nhưng sau khi mua nguyên liệu từ nhà máy và một số nguồn trôi nổi trên thị trường, một cơ sở sản xuất ở La Phù (Hoài Đức) đã đóng gói, in nhãn mác và đưa ra thị trường hàng trăm thùng đậu Hà Lan, một loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.

 

 Mỗi ngày, một cơ sở bánh mứt kẹo ở xã La Phù, huyện Hoài Đức sản xuất từ 700 - 1.000 gói mứt Tết để đưa ra thị trường phục vụ Tết Nguyên nhưng không đủ điều kiện tiêu thụ theo quy định.

 

Tại hiện trường, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội), đã thu giữ 8 kg đậu Hà Lan cùng hơn 400 hộp đậu Hà Lan các loại đã được đóng gói hoàn chỉnh đưa ra thị trường tiêu thụ. Trong quá trình kiểm tra, Đội cũng thu giữ 179 tem nhãn hàng hóa cùng hàng trăm nắp, vỏ hộp nhựa các loại dùng để đóng gói bao bì. Cơ quan chức năng xác định toàn bộ lô hàng này đã bị làm giả và hoàn tất thủ tục để tiêu hủy.

Trước đó, trưa 6/1, Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp cùng Công an huyện Hoài Đức bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo tại số nhà 1, ngõ 50, đường Hoa Thám, xã La Phù, huyện Hoài Đức có nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tại hiện trường, nhiều loại nguyên liệu mứt Tết để ngổn ngang trong các xô chậu trên nền nhà, không có giá, kệ sản xuất theo quy định. Chủ cơ sở cho biết, mỗi ngày sản xuất từ 700 - 1.000 gói mứt Tết để đưa ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ liên quan xuất xứ nguyên liệu, hàng sản xuất không nhãn mác, ký hiệu trọng lượng.

Ông Lê Đức Hùng, Phó đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Ma túy huyện Hoài Đức cho biết, tại thời điểm kiểm tra, cảnh sát đã phát hiện cơ sở sản xuất Gia Huy do chị Tạ Thị Luyến (1990) là đại diện hộ kinh doanh có nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định về an toàn  vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa sản xuất, đóng gói không rõ nguồn gốc.

Với hàng loại hàng hóa phục vụ tết, đặc biệt là thực phẩm không đảm bảo, khi đưa ra thị trường gây ảnh hưởng rất lớn đến với sức khỏe của người tiêu dùng. Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm soát thị trường và bám sát địa bàn phát hiện, ngăn chặn kịp thời những cơ sở có dấu hiệu vi phạm trong việc sản xuất hàng hóa là lương thực, thực phẩm, ông Hùng cho biết thêm.

 

 Chỉ trong thời gian ngắn, Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện nhiều vụ sản xuất hàng Tết không nhãn mác.

 

Theo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, thời gian ngắn vừa qua cơ quan này liên tiếp phát hiện các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả trong đó có nhiều mặt hàng là thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết. Dù số vụ có giảm so với năm trước, nhưng giá trị hàng hóa vi phạm lại tăng gấp nhiều lần, con số lên tới hơn 135 tỷ đồng.

Theo Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, đến hết tháng 12/2021, toàn thành phố đã phát hiện hơn 28.500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả, trong đó chuyển cơ quan công an khởi tố 87 vụ. Từ nay đến Tết Nguyên đán, lực lượng liên ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5329/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân năm 2022. Các đoàn sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ trên từ ngày 25/12/2021 đến hết ngày 15/3/2022 tại 30 quận, huyện, thị xã. Nội dung kiểm tra gồm: Công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân năm 2022; việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm phục vụ trong dịp Tết.

Bắt nhiều vụ pháo lậu số lượng lớn

Pháo là mặt hàng thuộc diện bị cấm, nhưng hiện nay nhiều đối tượng đang lợi dụng để vận chuyển, buôn bán vào Tết Nguyên đán. Để ngăn chặn hành vi vi phạm này, lực lượng chức năng các địa phương đa ra quân xử lý, bắt nhiều vụ pháo lậu với số lượng lớn.

Tại Quảng Trị, vào lúc 2h15 ngày 07/1/2022, tại Km 716, Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tổ tuần tra, kiểm soát thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành đón dừng xe ôtô con mang biển kiểm soát 37A-320.70 do Nguyễn Đăng Chung (SN 1989, trú tại Xóm 8, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) điều khiển để kiểm tra theo quy định.

Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 5 bao tải lác màu vàng bên trong chứa 50 hộp pháo hoa nổ loại 36 quả, có trọng lượng 70kg. Qua đấu tranh ban đầu, đối tượng Chung khai nhận số pháo hoa nổ trên mua tại tỉnh Quảng Trị vận chuyển ra Nghệ An để tiêu thụ.

 

 Nguyễn Đăng Chung cùng tang vật tại cơ quan công an.

 

Tổ công tác của phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình đã lập biên bản bắt giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện và bàn giao cho Công an huyện Lệ Thủy điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, vào tối 6/1, Trương Đình Vũ (24 tuổi), trú tại thôn Long Giang, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã bị các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị bị tạm giữ khi đang có hành vi vận chuyển trái phép hàng cấm. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 10 hộp pháo hoa, bên trong là các ống hình trụ tròn có trọng lượng khoảng 14kg. Qua đấu tranh Vũ khai nhận được thuê vận chuyển số pháo này vượt gần 1km từ bờ sông Sê Pôn lên Quốc lộ 9 với giá 400 nghìn đồng.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xung quanh hiện trường vi phạm, phát hiện thêm nhiều vị trí có cất giấu 196 hộp pháo trong các lùm cây, trọng lượng khoảng 274 kg, chưa xác định được người vi phạm. Tổng trọng lượng pháo hoa Trương Đình Vũ vận chuyển và phát hiện xung quanh hiện trường khoảng 288 kg. Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã bàn giao đối tượng và tang vật cho cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.  Được biết, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, lực lượng chức năng ở Quảng Trị đã bắt giữ trên 20 vụ, 20 đối tượng, thu giữ trên 1.200kg pháo.

 

 Đối tượng Vũ cùng tang vật bị lực lượng biên phòng bắt giữ (Ảnh Đình Tiến).

 

Mới đây, Cục Quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện trên một xe ô tô có chứa 71 kg pháo nổ các loại do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số pháo nổ trên. Đội Quản lý thị trường số 11 đã tiến hành lập biên bản chuyển giao toàn bộ số pháo, phương tiện và lái xe cho cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại tỉnh Hải Dương, Công an TP. Chí Linh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tang đối tượng Đặng Anh Quân sinh năm 2003. Trước đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Quân đang thực hiện hành vi buôn bán pháo nổ, tang vật thu giữ là 11,2kg pháo. Tiến hành khám xét nơi ở của Quân Cơ quan điều tra thu giữ thêm 6 thùng giấy bên trong có chứa nhiều khối hình trụ có dán giấy màu khác nhau với tổng trọng lượng là 100,4kg. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng khai nhận tất cả đều là pháo mua về để bán kiếm lời.

Thời điểm gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn, bán pháo lậu diễn ra phức tạp, đặc biệt trên các tuyến biên giới. Nếu tình trạng trên không được ngăn chặn, xử lý kịp thời sẽ là mối đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân tiêu dùng, cùng với đó là sự lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước. Do vậy, lực lượng lượng chức năng các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp xử lý, bước đầu đã phát hiện, xử lý nhiều vụ.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top