KTNT - Hành vi “cắt tai mài vỏ”, chiết nạp gas của các nhãn hiệu gas khác là cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xã hội và người tiêu dùng mà hậu quả không thể lường hết.
Ngày 2/12, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46), tổ chức tiêu huỷ gần 500 bình gas của nhiều hãng đang bị trôi nổi trên thị trường được “phù phép” thành nhãn hiệu gas Vạn Lộc. >> Bài 10: Doanh nghiệp đấu tố nhau vì “nghi án” kinh doanh gas trái phép?>> Bài 9: Hiệp hội gas đề nghị điều tra hàng loạt hãng gas “bẩn”Để thu gom được vỏ bình của các hãng gas trên thị trường, những công ty "ma" dùng nhiều thủ đoạn như: giảm giá bán gas, khuyến mại tặng quà cho khách hàng đổi sang dùng sản phẩm của những công ty này... Người tiêu dùng thấy lợi sẽ sẵn sàng đổi bình gas cho hãng khác mà không hề hiểu rằng đang phải đối mặt với những hiểm họa cháy nổ khôn lường.
Sau khi thu gom được vỏ bình, các công ty này sẽ tập kết để "phù phép" thành vỏ bình gas của mình bằng cách: đập quai xách bình cũ để thay mới xóa dấu vết mã số, mài mòn tên hãng gas in nổi trên vỏ bình quét lại thành tên công ty khác. Vì thế, các hãng gas bị chiếm đoạt vỏ bình gọi đây là chiêu "cắt tai mài vỏ" bình gas. Tuy nhiên, phía trong bình gas vẫn còn in chìm tên hãng gas. Và muốn xác định nguồn gốc của bình gas chỉ còn cách cắt đôi vỏ bình mới biết được.
Hàng trăm quả bom gas đã bị "phù phép" thành nhãn gas Vạn Lộc Theo đại diện nhiều doanh nghiệp gas làm ăn chân chính, việc bị chiếm dụng vỏ bình gas gây hậu quả nặng nề với các doanh nghiệp kinh doanh gas bởi chi phí để sản xuất ra một vỏ bình là khoảng 500 nghìn đồng/bình. Khi một bình gas xuất xưởng đến với người tiêu dùng lần đầu tiên, doanh nghiệp chỉ tính tiền phí cược bình là 200 nghìn đồng/bình và số lãi chỉ khoảng 5 - 10 nghìn đồng/bình gas.
Thông thường phải mất 3 tháng, doanh nghiệp mới quay vòng được bình gas với người sử dụng. Vì vậy, nếu như những doanh nghiệp "ma" dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt vỏ bình thì công ty gas sẽ không những không có lãi mà bị lỗ mất hàng trăm nghìn đồng/bình gas. Và những công ty gas ít vốn sẽ bị đẩy đến đường phá sản. Còn những công ty làm ăn bất chính kia sẽ trúng đậm vì không phải mất chi phí làm vỏ bình.
Ngoài việc doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chịu tổn thất kinh tế thì việc nguy hiểm hơn là chính sự an toàn của người sử dụng. Bởi các bình gas bị "phù phép" vốn bị doanh nghiệp làm ăn phi pháp đập bỏ quai bình hàn lại, mài bỏ tên hãng gas in nổi trên vỏ bình sẽ vô cùng mất an toàn bởi kết cấu đã thay đổi. Nguy hiểm nhất là vỏ gas sau khi bị mài sẽ mỏng hơn nhiều gây nguy cơ rò rỉ, cháy nổ. Thực tế là đã có rất nhiều vụ tai nạn cháy nổ bình gas gây hậu quả thảm khốc xảy ra trong thời gian vừa qua.
Bằng thủ đoạn tinh vi trên, một số đối tượng đã biến hàng trăm vỏ bình gas của hơn 50 hãng khác nhau như Hồng Hà gas, TL gas, Venus gas, Total gas... thành nhãn hiệu của Công ty Gas Vạn Lộc. Hành vi trên đã bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ khi kiểm tra trên 2.000 vỏ gas của Công ty Vạn Lộc.
Tiến hành tiêu hủy gần 500 vỏ bình gas mang nhãn hiệu Vạn Lộc Sáng 2/12, tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, các cơ quan chức năng T.P Hà Nội gồm: Sở Công Thương, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an thành phố và Sở Tài chính Hà Nội tổ chức tiêu huỷ toàn bộ số bình gas trên.
Trung tá Vũ Công Chí, Phó đội 8 (PC 46 - Công an Hà Nội) cho biết, phần lớn những vỏ bình gas này đều hết hạn sử dụng, được mài lại, thay đổi nhãn mác. Tuy nhiên, dấu vết để lại cho thấy chúng đã được in nhãn mác của hơn 50 công ty khác nhau.
Việc những bình gas này trôi nổi ngoài thị trường rồi đến các hộ dân sử dụng không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nguy cơ cháy nổ rất cao. Theo quan sát, phần lớn những bình gas bị phá huỷ, bên ngoài đều dán mác của Công ty Vạn Lộc. Tuy nhiên, để xử lý đơn vị này, theo Trung tá Chí, là rất khó vì Vạn Lộc không nhận đây là bình gas do mình sản xuất mà có thể bị giả mạo. Hơn nữa, việc xử lý đơn vị này, theo Trung tá Chí là chưa mang tính răn đe cao vì chỉ xử phạt hành chính rồi thôi.
Theo đại diện của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, việc giả mạo và mài lại bình gas của các hãng khác rồi phân phối ra thị trường không những gây nguy hiểm mà còn là phương thức cạnh tranh không lành mạnh. Đơn vị làm giả chỉ cần đi thu gom bình kém chất lượng và hết hạn sử dụng với giá thấp, sau đó mất thêm chi phí để đưa về cắt gọt, mài... là có thể bơm gas bán ra thị trường với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với hãng khác.
Theo ông Trần Minh Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, hành vi “cắt tai mài vỏ”, chiết nạp gas của các nhãn hiệu gas khác là cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xã hội và người tiêu dùng mà hậu quả không thể lường hết. Hơn nữa, hành vi này còn gây thất thu thuế cho nhà nước, thiệt hại cho những doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính.
5 triệu "quả bom gas" trôi nổi đe dọa hàng triệu gia đình Theo thông tin từ Hiệp hội Gas Việt Nam, có khoảng 30% số vỏ bình gas đang lưu hành trên thị trường là giả. Ước tính hiện có trên 15 triệu bình gas đang được đưa vào sử dụng. Điều đó có nghĩa xấp xỉ 5 triệu vỏ bình gas giả đang trôi nổi trên thị trường gây nguy cơ về hiểm họa cháy nổ đe dọa sự an toàn về tài sản và tính mạng của hàng triệu gia đình. Đại diện một công ty kinh doanh khí đốt tại Hà Nội cho biết, sự nguy hại của thủ đoạn cắt tai mài vỏ chiếm đoạt vỏ bình gas không chỉ ở chỗ gây thiệt hại về kinh tế cho các hãng gas, làm thay đổi kết cấu vỏ bình gas mà còn đặc biệt nguy hiểm khi xóa "lý lịch" vỏ bình. Theo quy định, vỏ bình gas buộc phải được kiểm định 5 năm 1 lần để đảm bảo sự an toàn. Tuy nhiên, những bình gas bị "phù phép" để chiếm đoạt sẽ bị xóa hết dấu vết, không được kiểm định và trôi nổi trên thị trường. Hàng triệu vỏ bình này một khi đến điểm giới hạn sẽ liên tiếp gây cháy nổ...như pháo thì hậu họa khôn lường vô cùng. |
Thành Vinh
KTNT