Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 1 năm 2017 | 3:4

Hành trình “trồng người” nơi vùng cao Ba Chẽ

Ba Chẽ là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 80% nên công tác giáo dục và đào tạo gặp nhiều khó khăn. Trao đổi về những nỗ lực vượt khó của ngành, bà Phạm Thị Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết:

Nếu như từ năm 2000 trở về trước, toàn huyện có 10 trường gồm 1 nhà trẻ liên cơ, 9 trường phổ thông thì đến nay, toàn huyện đã có 21 trường (7 trường mầm non, 14 trường phổ thông), quy mô mạng lưới trường lớp được giữ vững và phát  triển (tăng 11 trường, 49 lớp, 553 học sinh; đặc biệt, cấp mầm non tăng 75 nhóm lớp với 1.313 trẻ). Bên cạnh đó, Phòng rà soát sắp xếp lại hợp lý một số điểm trường, giảm 9 điểm trường với 17 lớp, giảm tối đa lớp ghép 2 trình độ; tỷ lệ huy động học sinh ra lớp so với độ tuổi tăng dần hàng năm.

Về đầu tư cơ sở vật chất, trước năm 2010, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, phòng học thiếu và xuống cấp trầm trọng, thiết bị dạy học thiếu thốn, toàn ngành có 13 phòng học tạm, 6 phòng học nhờ thì tính đến 31/12/2015, tổng số phòng học là 351 phòng, trong đó có 258 phòng kiên cố. Riêng trong năm học 2015 - 2016, Phòng đã tham mưu để công nhận các trường Tiểu học Đạp Thanh, Tiểu học Đồn Đạc đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia của huyện lên 14/21 trường, đạt 66,7%.

Đội ngũ giáo viên được coi là yếu tố quyết định đến chất lượng giảng dạy. Thời gian qua, ngành giáo dục Ba Chẽ có giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo viên, thưa bà?

Xác định xây dựng đội ngũ nhà giáo là giải pháp đầu tiên để nâng cao chất lượng dạy và học, chúng tôi tích cực cử cán bộ quản lý, giáo viên trong quy hoạch tham gia các lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục, bồi dưỡng trình độ tin học để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và giảng dạy; tham mưu phối hợp mở lớp tiếng Dao Thanh Phán cho giáo viên dạy vùng có học sinh dân tộc thiểu số, mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ được nâng lên, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, bố trí đúng vị trí làm việc. Hiện, 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn trở lên, trong đó có 364/479 giáo viên trên chuẩn (chiếm 76%).

Riêng trong năm học 2015-2016, 100% số trường mầm non, phổ thông trên địa bàn huyện tổ chức hội giảng và thi giáo viên giỏi cấp trường, qua đó, lựa chọn được 258 giáo viên giỏi cấp trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học và lựa chọn được 64 giáo viên giỏi cơ sở; cử 4 giáo viên tham gia Hội thi giáo viên giỏi tỉnh bậc học mầm non và đạt 3 giải Ba.

Bà có thể cho biết một số kết quả về chất lượng giáo dục trong thời gian qua ở địa phương?

Hàng năm, chúng tôi chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra đánh giá học sinh, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chuyên đề sáng kiến kinh nghiệm giáo dục về đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh khá giỏi các bậc học và số học sinh thi đỗ đại học tăng dần hàng năm. Năm học 2015 - 2016, ở cấp mầm non có 94,7% trẻ có cân nặng bình thường, chỉ còn 5% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 9,3% suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Ở cấp tiểu học, học sinh được xét hoàn thành chương trình lớp học đạt 98,5%; học sinh được khen thưởng cấp trường 908 em; khen thưởng cấp huyện 121 em. 70,7% học sinh THCS đạt hạnh kiểm tốt; tỷ lệ học sinh giỏi ở cấp THCS đạt 9,5%.

Đặc biệt, khi tham gia một số kỳ thi, giao lưu, học sinh của các trường trên địa bàn đều đạt thành tích cao. Đơn cử như kỳ thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp THCS có 2 giải nhì, 1 giải Ba và 3 giải khuyến khích. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THCS các môn văn hóa có 180 học sinh tham gia, kết quả có 83 giải (3 giải nhất, 12 giải nhì, 17 giải ba và 51 giải khuyến khích). Cấp tiểu học tham gia hội thi viết chữ đẹp cấp tỉnh đạt giải Ba phần thi trưng bày và 8 giải cá nhân.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ sẽ ưu tiên những nhiệm vụ gì, thưa bà?

Năm học 2016-2017, chúng tôi xác định, tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh, chú trọng nâng chất lượng giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc.

Xin chân thành cảm ơn bà!

Nghĩa - Thủy (thực hiện)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top