Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 9:31

Hậu Giang có 32/51 xã đạt chuẩn NTM

Trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh Hậu Giang xác định rõ: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, chuyển dần phát triển sản xuất nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu.

Qua hơn 10 năm xây dựng NTM, Hậu Giang luôn thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Theo đó, đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, làm cho phong trào ngày càng đi sâu vào lòng dân. Chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn và mang tính đặc trưng cho từng vùng. Lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các nguồn tài trợ trong nước và ngoài nước, cũng như huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của người dân, doanh nghiệp cho xây dựng NTM…

Đến nay, tỉnh có 32/51 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 62,75%. Trong đó, có 3 xã NTM nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, gồm thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong những năm qua của tỉnh luôn duy trì ở mức khá, bình quân đạt 6,82%/năm; thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh tăng lên hơn 3 lần khi từ 13,18 triệu đồng/người/năm (năm 2010) nay tăng lên 45,3 triệu đồng/người/năm, riêng các xã đạt chuẩn NTM thì mức thu nhập đạt hơn 45,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 8,92% (năm 2010), dự báo cuối năm 2020 chỉ còn 3,1% theo chuẩn nghèo mới”.

 

Nông dân tưới rau màu tại Hậu Giang
Nông dân tưới rau màu

 

Có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang triển khai nhiều chương trình, dự án để Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đến nay, đã chuyển đổi 1.000ha trồng 3 vụ lúa sang trồng 2 vụ lúa - 1 vụ màu hoặc 2 vụ lúa - 1 vụ nuôi thủy sản; chuyển 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; chuyển 1.000 ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ 1.000 hộ chăn nuôi theo phương thức chuồng trại khép kín, bảo đảm an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường... 

Hình thành vùng thủy lợi khép kín, bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho gần 78.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong phát triển thủy sản, đã xây dựng và phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), SQF 1.000, từng bước hình thành vùng nuôi cá tra tập trung ở huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy; nuôi cá đồng ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy; nuôi ba ba, cua đinh, lươn,... ở nhiều địa phương khác. 

 

Nông dân thu hoạch Khóm
Nông dân thu hoạch Khóm

 

Qua thực hiện “Đề án 1.000”, đến nay Hậu Giang đã định hình và xây dựng được vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với diện tích 32.000ha, vùng nguyên liệu mía: 10.300ha, vùng nguyên liệu khóm: 1.500ha, vùng cây ăn trái đặc sản: 2.500ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500ha. Tỉnh đã có 10 nông sản chủ lực được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản là: Bưởi Năm roi Phú Hữu, cam sành Ngã Bảy, cá thát lát Hậu Giang, khóm (dứa) Cầu Đúc, chanh không hạt Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, cá rô Hậu Giang, quýt đường Long Trị, xoài cát Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, cam sành Ngã Bảy, cá thát lát Hậu Giang, khóm (dứa) Cầu Đúc đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng trên  thị trường cả nước.

Hậu Giang đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200ha, Hợp tác với Công ty cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu VietGAP, chanh không hạt VietGAP. Đây là cơ sở để Hậu Giang tiếp tục triển khai các Dự án thực hành nông nghiệp thông minh trong giai đoạn 2020 - 2025. 

 

Nông dân thu hoạch khóm tại Hậu Giang
Nông dân thu hoạch khóm tại Hậu Giang

 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hậu Giang phấn đấu có 80 % số xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, tương đương 41 /51 xã; thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện hoàn thành NTM kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu có 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2025 tăng 1,2 lần so với năm 2020.

 

 

Nguyễn Văn Bớt
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top