Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, bên cạnh gần 20.000 người chết vì Covid-19, còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì Covid-19.
Thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều trường hợp mắc Covid-19 không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi. Vì vậy, cần tập trung hơn về vấn đề y tế cơ sở.
Xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở
Đề cập đến hệ thống y tế cơ sở, nêu ý kiến với báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhìn nhận Việt Nam đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, theo bà, bên cạnh gần 20.000 người chết vì Covid-19, còn nhiều trường hợp không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn này và có thể gián tiếp ra đi vì Covid-19.
Theo bà Phong Lan, phải xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở. “Bản thân tôi tham gia đại biểu Quốc hội đến nay là khóa thứ ba và chúng tôi nhớ trong tất cả các khóa chỉ có 1 chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay, chưa kể 30% đó cũng không đáng kể gì nếu so với cái cần thiết, nhu cầu của người dân. Chúng ta phải có phân bổ như thế nào để thật sự đáp ứng với quy mô dân cư chứ không phải chỉ trên vấn đề phân chia về địa lý” - bà Lan nêu rõ.
Đại biểu TP. HCM cho rằng Chính phủ cần có chính sách, chủ trương xuyên suốt và chỉ đạo Bộ Y tế về xây dựng quan điểm phòng chống dịch.
“Bộ Y tế đã rất cực khổ, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương, mà Bộ Y tế cũng đã thực sự vào cuộc. Về y tế cơ sở, tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề về tiền, mà còn vấn đề về nhân lực” - đại biểu Lan nhấn mạnh.
Theo bà, hiện chính sách của Việt Nam còn chắp vá, thường xuyên thay đổi về tổ chức. Ví dụ khoảng năm 2006-2007, từ các trung tâm y tế của các quận huyện, chúng ta chia ra thành bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, tức “đã yếu mà còn chia ra”. Còn hiện nay, ngay cả tại TP.HCM, theo chỉ đạo thì tất cả trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện thuộc quận, huyện lại trực thuộc Sở Y tế. Như vậy, UBND của các địa phương sẽ rất khó khăn trong việc điều phối lực lượng và thực sự đơn vị phụ trách công tác y tế ở địa phương chính là phòng y tế, trong khi phòng y tế chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước.
Tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường
Về năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết, đến nay, mới có 77,9 % số xã được đầu tư nâng cấp; 48,8% trạm y tế xã được thực hiện tỷ lệ danh mục dịch kỹ thuật y tế tuyến xã, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động phân cấp quản lý còn nhiều bất cập.
Theo đại biểu, thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân sau điều trị nhiễm dịch để lại di chứng như trẻ em mồ côi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số số miền núi… rất cần được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế nơi sinh sống.
Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng nguồn lực ngân sách cho y tế dự phòng, ngân sách chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia để có những chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cấp trạm y tế cấp xã, nhất là nơi có điều điều kiện kinh tế khó khăn.
Đề nghị Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, tiêu chí trạm y tế quốc gia phù hợp với tình hình mới.
Đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Dịch vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới.
Từ khi phát hiện ca Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua ba đợt dịch và đang trong đợt thứ tư. Có một thực tế là đợt dịch lần sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước đó. Đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta, lây lan nhanh, mạnh, có khả năng tăng nặng bệnh, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân; các chủ trương, giải pháp, quyết sách được triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp về chuyên môn y tế, giãn cách, tăng cường giãn cách, an sinh, an ninh và an toàn trật tự xã hội...
Đến nay, các địa phương ở tâm dịch như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm 2021; đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm 2022.
Y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế
Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Trong thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2348 ngày 05/12/2016 xây dựng Y tế cơ sở trong tình hình mới; các đề án 47, 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay đang huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.
Tuy nhiên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.