Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Bắc Giang là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả thuộc “top” đầu ở các tỉnh phía Bắc. Nhờ sự sáng tạo, tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo mà Hội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, giúp hội viên và nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Phó chủ tịch Thường trực Trung ương HLV Việt Nam Bùi Sĩ Tiếu tặng cờ thi đua cho những đơn vị Hội đạt thành tích xuất sắc.
Nhân dịp đón năm mới 2016, Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang, để biết thêm về hoạt động của Hội.
Ông có thể đánh giá một cách khái quát về những thành quả mà HLV Bắc Giang đã đạt được trong thời gian qua?
Có thể nói, sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, HLV tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về công tác tổ chức lẫn phát triển mô hình kinh tế. HLV tỉnh và 9/10 HLV huyện, thành phố liên tục đạt trong sạch vững mạnh, mỗi năm kết nạp mới hàng ngàn hội viên, đưa tổng số hội viên toàn tỉnh lên trên 53.000 người, 213/230 xã phường, thị trấn có tổ chức HLV.
Đặc biệt, 100% số xã, thị trấn ở các huyện miền núi đều có HLV; trong 5 năm trở lại đây, Hội đã thành lập mới 24 HLV cấp xã. Mới đây nhất, Câu lạc bộ Trang trại cây có múi cấp tỉnh được thành lập với gần 70 chủ trang trại tham gia.
Mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại liên tục phát triển, góp phần hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vải thiều, cam Canh, bưởi Diễn Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế... Có nhiều mô hình sản xuất và hàng trăm trang trại, hộ nông dân sản xuất giỏi có thu nhập bình quân từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Điển hình như mô hình trồng cam Vinh, cam đường Canh tại Lục Ngạn với quy mô 1.000ha, doanh thu khoảng 350 tỷ đồng, trong đó có gần 200 hộ đạt thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Kinh tế trang trại phát triển, hội viên ngày càng đóng góp nhiều hơn cho xây dựng nông thôn mới. Thông qua thực tiễn sản xuất, nhiều hội viên đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh công nhận và khen thưởng, điển hình như: kỹ thuật xử lý cây cam đường Canh ra hoa không cần đào rễ của ông Bùi Đức Long (Lục Ngạn); kỹ thuật xử lý vải ra quả trên thân của ông Trần Văn Hành (Lục Ngạn); kỹ thuật thâm canh và thụ phấn nhân tạo cây na dai của ông Nguyễn Xuân Thủy (Lục Nam)…
Năm năm qua (2010 - 2015), HLV tỉnh Bắc Giang có 50 tập thể, cá nhân được cấp trên tặng cờ, bằng khen và giấy khen. Năm 2014, HLV tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2015 được bầu là trưởng khối thi đua của 18 hội đặc thù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều điểm mới, sáng tạo, được UBND tỉnh tặng “Cờ thi đua hạng nhất”. Kết quả đó đã tạo ấn tượng tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và cán bộ, hội viên trong tỉnh.
Không những thế, HLV tỉnh Bắc Giang còn góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên nói riêng, người dân nói chung, từng bước vươn lên làm giàu từ kinh tế trang trại, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, vị thế, vai trò của Hội được khẳng định.
Để có được kết quả như hôm nay, ông có thể bật mí cách làm cũng như kinh nghiệm của HLV Bắc Giang?
Theo tôi, để HLV hoạt động hiệu quả, cần phải thực hiện tốt những nội dung sau:
Thường trực HLV các cấp phải thực sự có trách nhiệm, tâm huyết, đoàn kết, khắc phục tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại. Chủ động thích ứng với tình hình mới, chủ động tham mưu, đề xuất, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ của cấp trên và các cơ quan, đoàn thể có liên quan. Kịp thời giới thiệu cán bộ và kiện toàn đội ngũ cán bộ; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong phạm vi quyền hạn của mình. Thực tế cho thấy, nơi nào làm tốt công tác này thì hoạt động của tổ chức Hội nơi đó đều vững mạnh.
Nội dung hoạt động và phong trào thi đua của Hội phải bám sát vào phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để cụ thể hóa cho phù hợp. Hàng năm và cả nhiệm kỳ cần mạnh dạn chọn một số việc trọng tâm, việc mới, việc khó để tập trung chỉ đạo, làm đâu được đấy, tránh dàn trải.
Coi trọng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trợ giúp cho hội viên về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh nghiệm hay, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của hội viên trong tỉnh, huyện để nhân rộng.
Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp… để triển khai thực hiện các chương trình dự án, đề án, chính sách hỗ trợ hàng năm, từ đó hội viên sẽ được hưởng lợi thông qua hệ thống tổ chức Hội mà trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết liên tịch giữa Hội Làm vườn và Sở Nông nghiệp và PTNT.
Làm tốt công tác tuyên truyền, duy trì nề nếp phong trào thi đua, công tác khen thưởng hàng năm, 5 năm, kịp thời cổ vũ, động viên phong trào, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Để phát huy những kết quả mà Hội đã đạt được cũng như tiếp tục củng cố xây dựng Hội vững mạnh, hội viên từng bước thoát nghèo, có nhiều hội viên làm kinh tế VAC giỏi, thu nhập cao, xin ông cho biết, HLV Bắc Giang đã có định hướng gì trong những năm tới?
Thời gian tới, HLV Bắc Giang xác định đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thích ứng với yêu cầu mới, tình hình mới, kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ khi có biến động, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động gắn với tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm, câu lạc bộ trang trại, hợp tác xã làm VAC và liên kết với nhà khoa học, doanh nghiệp hướng vào các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng thu nhập từ kinh tế VAC, kinh tế trang trại, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Những năm tới, HLV Bắc Giang xác định 3 mục tiêu chính, gồm:
Về xây dựng tổ chức Hội: Hàng năm có 100% HLV huyện, thành phố đạt vững mạnh; HLV tỉnh đạt vững mạnh xuất sắc.
Về phát triển kinh tế VACR: Hàng năm, đưa vào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng hiệu quả cao đạt từ 500ha trở lên; 100% thành viên câu lạc bộ trang trại thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi HLV huyện, thành phố thành lập được 1 câu lạc bộ trang trại theo thế mạnh của mình.
Mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập của hội viên so với hiện nay.
HLV Bắc Giang đã xác định rõ mục tiêu, định hướng trong những năm tới. Tuy nhiên, các cấp Hội ở xã và huyện vẫn chưa được công nhận là hội đặc thù đang là một khó khăn. Hội có hướng tháo gỡ ra sao, thưa ông?
Đúng là đến nay HLV cấp huyện và cấp xã chưa được công nhận là hội đặc thù, nhiều HLV, cán bộ hàng năm không được hỗ trợ kinh phí hoạt động, không có tiền phụ cấp kiêm nhiệm. Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, nhiều việc trong quá trình sản xuất từng hộ gia đình, từng chủ trang trại không thể làm riêng lẻ được, cần có sự vào cuộc của các tổ chức và doanh nghiệp.
Theo tôi, hướng tháo gỡ trong thời gian tới là cần làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có giải pháp chủ động để thích ứng khi thực hiện Luật về Hội và các văn bản dưới luật. Thích ứng với yêu cầu, điều kiện khi tham gia vào thị trường cạnh tranh trong và ngoài nước. Hoạt động của Hội hướng vào nâng cao chất lượng, hướng vào phát triển nông nghiệp hàng hóa theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Văn
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.