Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, thể hiện rõ nét nhất là người phụ nữ ngày càng được khẳng định và thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình này...
Bình đẳng giới
Là tổ chức tín dụng chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, có dịch vụ tài chính vi mô được đánh giá tốt nhất Việt Nam, Agribank đã và đang tích cực triển khai hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, người dân khu vực nông thôn, và nhất là người phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn, dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách thuận tiện để phát triển kinh tế.
Ở Việt Nam, nhất là ở các địa bàn nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây, thường quan niệm phụ nữ chỉ là những người đảm đương công việc nội trợ, công việc trong gia đình, hoặc làm những việc khác do sự sắp xếp của đàn ông. Còn trong giai đoạn đổi mới đất nước, với sự sáng tạo, năng động và chủ động, nhiều chị em phụ nữ đã vươn lên khẳng định khả năng cũng như hiệu quả lao động không thua kém nam giới, trở thành trụ cột kinh tế trong nhiều hộ gia đình, biết liên kết với nhau trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Việt Nam là đất nước nông nghiệp, phần lớn dân số thu nhập còn thấp, phát triển tài chính vi mô là một trong những giải pháp tích cực để hỗ trợ người dân tạo thu nhập và cải thiện đời sống, điều này rất có ý nghĩa đối với người phụ nữ khi tỷ lệ nữ giới tại Việt Nam chiếm trên 50% dân số cả nước. Hoạt động tài chính vi mô hướng tới các hộ gia đình có thu nhập thấp các khoản vay nhỏ, nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ.
Thực hiện tốt mục tiêu tam nông
Hiện nay, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội (được thành lập trên cơ sở đề xuất của Agribank năm 1995 về thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo và được tách ra từ Agribank), Quỹ hỗ trợ nông dân (trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Agribank là một trong những kênh chính thức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô. Với mạng lưới rộng khắp trên cả nước gồm 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, vùng sâu vùng xa, huyện đảo…
Tiên phong, chủ lực trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách, cũng như huy động vốn linh hoạt, ưu tiên chuyển tải vốn từ địa bàn thành thị về nông thôn, Agribank đã mở rộng hoạt động tài chính vi mô trên toàn quốc với gần 04 triệu khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh.
Với nguồn vốn đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, Agribank dành trên 70% tổng dư nợ đầu tư phát triển “Tam nông”. Nguồn vốn của Agribank luôn chiếm trên 50% tổng nguồn vốn đầu tư của toàn ngành Ngân hàng dành cho lĩnh vực quan trọng này. Đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình chiếm tỷ trọng đến 99,4% tổng số khách hàng trên toàn hệ thống Agribank.
Hàng triệu khách hàng được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng, trong đó có số đông phụ nữ cả nước đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong nỗ lực chuyển tải vốn và dịch vụ đến người dân, mô hình tổ vay vốn của Agribank luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn.
Tổ vay vốn còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh… Với sự có mặt khắp địa bàn rộng lớn, trên 58.000 tổ vay vốn được ví như “cánh tay nối dài” của Agribank tới người dân cả nước.
Để thực hiện tốt mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và triển khai hiệu quả mô hình Tổ vay vốn, Agribank triển khai ký Thỏa thuận liên ngành với các tổ chức hội, cùng các tổ chức hội, đã góp phần làm nên hiệu quả của mô hình tổ vay vốn, tạo điều kiện để người phụ nữ phát huy vai trò của mình trong gia đình xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới.
Tổ vay vốn qua Hội phụ nữ từ năm 2012 tới nay không ngừng được mở rộng, dư nợ tăng trưởng hàng năm cao, đã thể hiện được sự quan tâm và nhận thức của các chị em đã từng bước cải thiện, không còn gói gọn trong vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Các chị em đã mạnh dạn tiếp cận vốn vay ngân hàng để tổ chức sản xuất, tạo thêm nguồn thu cho gia đình, qua đó, khẳng định sự độc lập của bản thân, và vai trò của mình trong gia đình, xã hội.
Nhiều chị em có hoàn cảnh nghèo khó được hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống, góp phần khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, tình yêu thương và sự đùm bọc sẻ chia lẫn nhau.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Hội phụ nữ các cấp cơ sở và ngân hàng nơi cho vay đã giúp chất lượng tín dụng qua tổ nhóm, đặc biệt, qua Hội phụ nữ, được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp (dưới 1%).
Đến nay, dư nợ cho vay qua Hội phụ nữ đạt trên 17.000 tỷ đồng, chiếm trên 18% dư nợ cho vay qua tổ vay vốn, với 268.615 thành viên thuộc 11.439 tổ. Dư nợ bình quân trên 1 thành viên là 64 triệu đồng.
Vị thế phụ nữ được nâng cao
Mô hình cho vay qua tổ vay vốn với sự phối hợp của Hội Phụ nữ đã tạo nên những hiệu quả nhất định về mặt chính trị, kinh tế- xã hội. Thông qua hoạt động của tổ vay vốn, các chị em được tuyên truyền về các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước. Quán triệt các chỉ đạo của các cấp chính quyền, giữ vững lập trường tư tưởng, tập trung tăng gia sản xuất.
Các tổ vay vốn theo Thỏa thuận liên ngành giữa Agribank và Hội Phụ nữ thường do các Hội viên của Hội phụ nữ có uy tín được bầu làm tổ trưởng, thành viên trong tổ chủ yếu là phụ nữ, hoạt động của tổ được sự quan tâm của Hội phụ nữ các cấp cơ sở và trung ương, qua hoạt động tổ chức của tổ, các thành viên được tư vấn hướng dẫn về hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, truyền tải kinh nghiệm và khoa học công nghệ, khích lệ phụ nữ tham gia sản xuất, khẳng định vai trò của mình.
Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng giúp người dân thuận lợi hơn mỗi khi giao dịch
Bên cạnh đó, tổ vay vốn còn giúp các hội viên có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng một cách dễ dàng hơn, hiểu hơn về các hồ sơ thủ tục vay vốn, nắm bắt những sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình.
Đặc biệt, qua các buổi họp tổ vay vốn cũng là cơ hội các chị em trong tổ giao lưu gặp gỡ, qua đó, chia sẻ tâm sự trong cuộc sống thường ngày, cùng khích lệ, động viên nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, yên tâm sản xuất kinh doanh, tạo thêm nguồn thu cho gia đình, nâng cao chất lượng đời sống.
Có thể thấy, mô hình tổ vay vốn kết hợp với Hội phụ nữ các cấp cơ sở trở thành một kênh cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng hữu ích, giúp phụ nữ cơ sở có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, được tư vấn hỗ trợ về quy trình thủ tục vay vốn, qua đó, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Thông qua được cung ứng vốn kịp thời, người phụ nữ mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tăng thu nhập cho từng gia đình, cá nhân đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn và làm giàu chính đáng, từng bước xóa được việc cho vay nặng lãi, tạo cơ hội cho Hộ có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn vay.
Cùng với nhiều dịch vụ tài chính đa dạng như cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm… và mạng lưới hoạt động rộng khắp, các tổ vay vốn đến từng xã, Agribank đã giúp những người dân nói chung và các chị em phụ nữ nói riêng, đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp nông thôn, ổn định sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Người phụ nữ được tập huấn nghề, kỹ năng quản lý kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm của các nữ chủ doanh nghiệp thành đạt, thành lập các tổ hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị, liên kết sản xuất kinh doanh với tiêu thụ sản phẩm; được khuyến khích, hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn vay; tạo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, làm giàu cho gia đình và cho xã hội, rút ngắn dần khoảng cách về bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Con số 25.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, trên 48% lực lượng lao động cả nước là nữ đã chứng minh cho thấy vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định và trở thành lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Và Agribank với sứ mệnh gắn với “Tam nông” đã và đang không ngừng nỗ lực đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…