Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2019 | 14:36

Hỗ trợ thanh niên vùng cao khởi nghiệp

Nhu cầu làm kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên là rất lớn, đặc biệt là ở huyện vùng cao như Tân Uyên (Lai Châu).

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế, lập nghiệp của thanh niên trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm hướng khởi nghiệp, kiến thức, nguồn vốn đầu tư...

 

tr5.jpg

Mô hình kinh tế VAC kết hợp nghỉ dưỡng của anh Hồ Hữu Thức bước đầu đã phát huy hiệu quả. Ảnh: Việt Hoàng

 

Phong trào thanh niên khởi nghiệp

Theo báo cáo của lãnh đạo Huyện đoàn Tân Uyên (Lai Châu), địa phương có 4.156 đoàn viên, thanh niên. Hầu hết thanh niên đều là lao động chính trong gia đình, nhân tố quan trọng trong việc tiếp thu, ứng dụng  tiến bộ  kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Anh Hoàng Tuấn Long, Phó bí thư Huyện đoàn Tân Uyên, cho biết: Để phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, Huyện đoàn đã phát động, triển khai có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động đồng hành với thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp, lập nghiệp như: phong trào “Tuổi trẻ Lai Châu chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Qua đó, Huyện đoàn giúp thanh niên nắm vững kiến thức, tăng cường trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp, lập nghiệp; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi giúp thanh niên phát huy tốt sở trường, năng khiếu, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với mục tiêu cổ vũ tinh thần khởi nghiệp trong mọi thanh niên, các cơ sở của Đoàn huyện Tân Uyên tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm; đặc biệt là cho thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, sinh viên ra trường chưa có việc làm. Hằng năm, Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm dạy nghề, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức dạy nghề, tư vấn xuất khẩu lao động cho đoàn viên, thanh niên.

 

tr5a.jpg
Đoàn viên Hồ Hữu Thức (thị trấn Tân Uyên) trang trí khuôn viên nghỉ dưỡng Tân Châu Farm. Ảnh :Việt Hoàng

 

Năm 2018, các cơ sở Đoàn tư vấn hướng nghiệp cho hơn 240 đoàn viên, thanh niên, trong đó có 20 đoàn viên đi xuất khẩu lao động. Đồng thời, các cơ sở Đoàn cũng vận động đoàn viên, thanh niên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để phát triển kinh tế, học tập và tạo việc làm. Nhờ đó, đã có 968 đoàn viên, thanh niên được vay vốn, tổng dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt trên 65,1 tỷ đồng. Huyện đoàn phối hợp với Ban Phong trào Tỉnh đoàn xét hỗ trợ cho hai đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền 4 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn.

Nhiều mô hình thành công

Nhờ sự giúp đỡ về vốn, sự hỗ trợ, động viên từ các tổ chức Đoàn cộng với sự nỗ lực, khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều đoàn viên, thanh niên thành công với những mô hình sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đến nay, toàn huyện có 17 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân  50 - 100 triệu đồng/năm.

 

tr5b.jpg
Huyện Đoàn Tân Uyên phổ biết kiến thức ủ phân bằng chế phẩm sinh học cho các hộ đoàn viên thanh niên bản Hô Ta, xã Phúc Khoa. Ảnh: Việt Hoàng

 

Điển hình là mô hình trang trại nghỉ dưỡng Tân Châu Farm của đoàn viên Hồ Hữu Thức thuộc Đoàn Thanh niên thị trấn Tân Uyên. Cuối năm 2015, anh Thức vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) huyện Tân Uyên 1,7 tỷ đồng, đầu tư cải tạo, trồng xen cây ăn quả như ổi Đài Loan, bơ, chuối, chanh, bưởi, xoài… tại khu 17, thị trấn Tân Uyên. Năm 2016, anh tiếp tục xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, ếch; đào ao 1.000m2 thả nuôi cá trắm, trôi, chép, rô phi. Anh Thức còn trang trí, tạo cảnh quan, trồng các loại hoa như thu hải đường, cúc mặt trời, hoa hồng Sa Pa… để phục vụ khách tham quan. Tháng 7/2018, anh triển khai làm nhà hàng sinh thái, món ăn dân tộc phục vụ khách tham quan.

Đoàn viên Hồ Hữu Thức chia sẻ: Tôi mong muốn phát triển kinh tế gia đình và tạo ra một không gian thoáng đãng cho người dân trải nghiệm sau giờ lao động, học tập mệt nhọc, có điểm vui chơi, giải trí nên đầu tư xây dựng mô hình trang trại nghỉ dưỡng. Năm 2018, mô hình kinh tế của gia đình cho thu khoảng 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/lao động/tháng.

Đoàn thanh niên xã Nậm Cần cũng là điển hình trong thực hiện phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Tân Uyên. Để góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên trong xã, Ban chấp hành Đoàn xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm của huyện tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.560 lao động nông thôn, trong đó có nhiều đoàn viên, thanh niên.

 

tr5c.jpg
Đoàn viên, thanh niên huyện Tân Uyên tình nguyện tham gia làm sạch đường giao thông. Ảnh: Việt Hoàng

 

Bên cạnh đó, Đoàn xã còn phối hợp với NHCSXH huyện tuyên truyền, hướng dẫn 130 hộ đoàn viên, thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao như chăn nuôi gà siêu trứng của đoàn viên Hoàng Văn Mừng; trồng quế, sơn tra của đoàn viên Lò Văn Thuận…, qua đó thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Phó bí thư Huyện đoàn Tân Uyên Hoàng Tuấn Long cho biết, các hoạt động đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp đã giúp các bạn trẻ phát huy được khả năng, mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Thời gian tới, Huyện đoàn Tân Uyên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên như: hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế… Từ đó, Huyện đoàn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên quê hương.

 

 

 

 

Nguyễn Hoàng
Ý kiến bạn đọc
Top