Sau khi ký kết với Sở NN&PTNT TP Hà Nội biên bản hợp tác phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn có tem truy xuất nguồn gốc (TXNG) cho TP Hà Nội (năm 2018) đến nay, Hòa Bình đã phát triển được 65 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.
Qua đó góp phần cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô trên 71 nghìn tấn nông, lâm, thủy sản (NLTS) an toàn mỗi năm.
Sản phẩm nhãn Sơn Thủy của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) được người tiêu dùng Thủ đô đánh giá cao.
Là một trong những đơn vị cung cấp số lượng lớn cá sông Đà và các sản phẩm về cá tại thị trường Hà Nội, Công ty TNHH Cường Thịnh (Cường Thịnh Fish) có quy mô sản xuất 400 lồng cá; trong đó, 200 lồng do công ty trực tiếp sản xuất, chăn nuôi và 200 lồng là liên kết, hợp tác với các HTX, hộ nuôi cá tại một số địa phương trong tỉnh. Ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc công ty cho biết: Từ năm 2012, công ty đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô ban đầu chỉ khoảng 40 - 50 lồng cá. Việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn, nghiêm ngặt đã giúp các sản phẩm của công ty được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng; quy mô sản xuất cũng vì thế càng phát triển để đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Sau khi tham gia dự án liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà theo chuỗi giá trị do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh triển khai cũng như thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội, công ty đã xây dựng được mạng lưới phân phối vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, siêu thị lớn ở Hà Nội như: BigC, Winmart, Lotte mart… Đến nay, quy mô sản xuất của Cường Thịnh Fish tăng lên khoảng 400 lồng với đủ các loại cá, cung cấp cho thị trường Thủ đô khoảng 852 tấn cá mỗi năm.
Ngoài Cường Thịnh Fish, hiện không ít mô hình, chuỗi cung ứng NLTS tiêu biểu của tỉnh duy trì và hoạt động tốt, cung cấp số lượng khá lớn nông sản sạch cho TP Hà Nội như: Mô hình nuôi bò thịt theo phương thức kinh tế tuần hoàn của Công ty CP T&T 159 (TP Hòa Bình); chuỗi cá sông Đà của Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng; chuỗi cung cấp cam, bưởi các loại của HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động...
Thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội, Sở NN&PTNT đã ký với Sở NN&PTNT TP Hà Nội biên bản hợp tác phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn có tem TXNG cho TP Hà Nội (ngày 21/12/2018); ký với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp về hợp tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm NLTS an toàn (ngày 25/7/2019); ký các biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm với một số tập đoàn lớn... Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp với ngành nông nghiệp TP Hà Nội tổ chức và giới thiệu 135 doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, diễn đàn, phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn và tuần lễ nhận diện nông sản an toàn tổ chức tại các tỉnh, thành phố. Phối hợp xây dựng 110 chuyên mục, phóng sự, tin, bài nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm NLTS chủ lực của tỉnh tuyên truyền trên các kênh truyền thông. Bên cạnh đó, ký kết được 10 biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp Hoà Bình trong việc liên kết, tiêu thụ nông sản.
Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm NLTS, từ năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đã lấy 48 mẫu sản phẩm có nguồn gốc từ Hòa Bình. Kết quả, có 44 mẫu đạt (92%), đối với các mẫu không đạt đều được thông báo kịp thời cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh để TXNG, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.
Sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và liên tục của 2 địa phương đã mang lại hiệu quả cho chương trình hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh có 100 sản phẩm của 81 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; 46 nhãn hiệu được chứng nhận và bảo hộ trên thị trường; 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn. Đặc biệt, Hòa Bình cũng là địa phương thứ 2 sau TP Hà Nội xây dựng hệ thống TXNG, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn. Hiện đã có 40 cơ sở và 700 sản phẩm được quảng bá trên hệ thống; trên 8 triệu sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh được dán tem TXNG trước khi đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: Từ việc phối hợp kết nối giữa tỉnh và TP Hà Nội, ngày càng nhiều mặt hàng có thế mạnh của tỉnh được đưa vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, được người tiêu dùng chấp nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, trong năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, được sự tạo điều kiện của ngành nông nghiệp Hà Nội, các lái xe vận chuyển nông sản của tỉnh được hỗ trợ đăng ký luồng xanh để tiêu thụ nông sản kịp thời và hiệu quả hơn. Thời gian tới, để tiếp tục hợp tác hiệu quả, tỉnh cần chú trọng hơn đến việc tăng cường tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP... Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm để cung cấp tới doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng để nhận biết, yên tâm sử dụng.
Giữ thương hiệu cam Cao Phong
Huyện Cao Phong đã thực hiện nhiều giải pháp định hướng, hỗ trợ người dân phát triển cây cam - giống cây chủ lực. Huyện đang thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, thực hiện có định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nông dân thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chăm sóc cam, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cao Phong là vùng đất của cam. Khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ thâm canh đã tạo thương hiệu cam Cao Phong. Từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, cam Cao Phong đã được biết đến. Nhiều năm nay, huyện chú trọng xây dựng thương hiệu cam; khuyến khích định hướng cho các hộ dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các công nghệ sinh học; tổ chức quản lý và sản xuất giống có chất lượng, bố trí cơ cấu giống theo hướng rải vụ, thực hiện chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, khách sạn, nhà hàng và xuất khẩu mang tính ổn định, bền vững. Qua đó, chất lượng cam được nâng lên, cam có vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thơm dịu, tép vàng, nhiều giống cam gần như không có hạt phù hợp với nhu cầu thị trường.
Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cao Phong, là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2014. Năm 2016 được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị như: Big C, Vinmart, Metro, BRG... tiếp cận với thị trường lớn. Cam Cao Phong được lựa chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách của Vietnam Airlines… Thời hoàng kim của cam Cao Phong bắt đầu từ năm 2013 đến những năm 2017 -2019, có những niên vụ, sản lượng cam của Cao Phong trên 3 vạn tấn, giá trị thu nhập đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha. Nhiều hộ gia đình trở thành tỷ phú sau mỗi vụ cam.
Với hiệu quả kinh tế lớn đem lại, diện tích không chỉ ở huyện Cao Phong mà cả các địa phương khác trong và ngoài tỉnh "nóng” phát triển nhanh, cam được trồng đại trà ở nhiều nơi, diện tích và sản lượng cam không chỉ của Cao Phong tăng nhanh, sức ép tiêu thụ sản phẩm ngày một căng thẳng, giá cam liên tục giảm. Nếu như những năm 2015 - 2018, giá cam lòng vàng có lúc lên tới 40 - 50 nghìn đồng, thậm chí bán lẻ lên tới 60 - 70 nghìn đồng/kg thì gần đây có thời điểm giảm còn 10 - 15 nghìn đồng/kg. Việc giữ được thương hiệu cam Cao Phong ngày càng khó khăn. Hiện nay, một số diện tích cam đã qua thời kỳ kinh doanh, vào thời kỳ thoái trào theo chu kỳ, cùng với đó là nhiều diện tích cam bị sâu bệnh nên trồng cam đối với nhiều hộ dân không còn hiệu quả, dẫn đến tình trạng phá bỏ cây cam để trồng các loại cây khác.
Theo kinh nghiệm những người trồng cam lâu năm ở Cao Phong, cam vẫn là cây trồng truyền thống và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch UBND xã Bắc Phong Khương Xuân Lịch khẳng định, ở Cao Phong không cây trồng nào có thể thay thế được cam. Giá có thể lên xuống, song biết quản lý kinh tế, có trình độ thâm canh thì cam vẫn đem lại thu nhập đáng mơ ước. Cam đòi hỏi mức đầu tư và trình độ thâm canh cao, như người dân địa phương nói: Người giàu trồng cam, người nghèo trồng mía.
Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Nếu biết đầu tư, chăm sóc, giữ được chất lượng cam, những niên vụ gần đây, người trồng cam vẫn có lãi. Huyện hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng 18.000 tấn, trong đó, diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha. UBND huyện đang triển khai "Đề án tái canh cây có múi trên địa bàn huyện Cao Phong, giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tập trung tái canh cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, với 9 nhóm giải pháp và 8 mục tiêu cụ thể. Trong đó, thực hiện tái canh cây cam với diện tích trồng mới giai đoạn 2022 - 2025 là 670 ha. Dự kiến năm 2022 huyện trồng tái canh và tổ chức lại sản xuất 20 ha; năm 2023 trồng tái canh 150 ha, tổ chức lại sản xuất 200 ha; năm 2024 trồng tái canh 250 ha, tổ chức lại sản xuất 280 ha; năm 2025 trồng tái canh 250 ha, tổ chức lại sản xuất 350 ha. UBND huyện chỉ đạo rà soát diện tích cam trong thời kỳ kiến thiết, thời kỳ kinh doanh hết chu kỳ, diện tích bị sâu bệnh để triển kế hoạch tái canh hàng năm; từ đó, chỉ đạo tổ chức lại sản xuất đối với diện tích cam già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng các loại cây ngắn ngày như đậu đỗ, ngô sinh khối, chuối. Đến nay, có 780 ha cây có múi được trồng luân canh sang các cây trồng khác; hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong khâu tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm.
Huyện đang triển khai thực hiện dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung, tới nay cơ bản hoàn thành trên 90%, còn lại hạng mục sửa chữa, nâng cấp hồ Lầy, xã Bắc Phong. Thực hiện hỗ trợ các địa phương trong công tác chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích cây có múi trong chu kỳ kinh doanh. Huyện đã lựa chọn vùng lõi để triển khai đề án tái canh, từ đó rút kinh nghiệm nhân diện nhằm bảo đảm hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp Viện Bảo vệ thực vật, các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi; tổ chức lại sản xuất cây ăn quả có múi một cách bền vững, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất; lấy doanh nghiệp, HTX làm nòng cốt, là trung tâm kết nối người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo UBND huyện Cao Phong, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí để thực hiện đề án lớn, trong đó ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ một số nội dung cho các hộ sản xuất. Nhận thức về tái canh cây ăn quả có múi ở một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Trước thực tế trên, huyện đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề án, cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật, chăm sóc các loại cây trồng phù hợp với đề án tái canh cây cam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…
Mở hướng phát triển kinh tế ở vùng cao Trung Thành
Lâu nay, người dân xã vùng cao Trung Thành (Đà Bắc) sống bằng nông nghiệp với nghề trồng lúa, ngô, chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong mấy năm gần đây, cây ngô ngày càng "thất thế” bởi giá thành thấp, chi phí đầu tư phân bón, nhân công tăng, giao thông cách trở, thời tiết khắc nghiệt, năng suất thấp. Diện tích cây chè không tăng nhiều bởi nguồn tiêu thụ phụ thuộc vào tư thương. Phần lớn diện tích đất của xã là rừng phòng hộ nên việc phát triển trồng rừng và chăn nuôi hạn chế.
Gia đình bà Hà Thị Thanh, xóm Tằm, xã Trung Thành (Đà Bắc) chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất trồng ngô sang trồng cây gai xanh.
Được UBND tỉnh thẩm định hồ sơ và cho phép, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hòa Bình đã ký hợp đồng tiêu thụ 20 năm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bông vải sợi của Tập đoàn An Phước, thuộc huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). HTX chọn vùng đất Trung Thành để đưa cây gai xanh vào canh tác thử nghiệm. Anh Lường Văn Vinh, trưởng xóm Trung Tằm là người đầu tiên tham gia trồng cây gai xanh. Lứa đầu tiên từ tháng 5/2021 anh trồng 1,5 ha trên diện tích trồng ngô của gia đình. Sau vài tháng trồng và chăm sóc cây hợp đất, sinh trưởng tốt, cho thu hơn 3 tạ, giá HTX thu mua 40 nghìn đồng/kg. Từ lứa sau thu hoạch được hơn 8 tạ.
Mỗi năm, cây gai xanh cho thu hoạch 2 - 3 lứa. Anh Vinh dự tính: Với tốc độ phát triển như này thì lứa tới sản lượng sẽ cao hơn. So với các loại cây trồng khác thu nhập cao hơn, chi phí sản xuất thấp hơn. Nếu trồng 1 ha ngô 1 vụ trung bình được 6 tấn hạt, giá bán hiện tại thu được khoảng 20 triệu đồng. Trừ chi phí phân, giống, công người trồng ngô không được lời lãi bao nhiêu. Trồng cây gai xanh thì chỉ trồng 1 lần được thu nhiều năm. Sau mỗi lứa thu hoạch chỉ cần làm cỏ, bón phân. Với mức thu nhập như vậy thì hiệu quả kinh tế trồng cây gai xanh cao hơn nhiều so với trồng ngô. Chi phí đầu tư cho phân bón, chăm sóc cây gai xanh thấp hơn. Thấy hiệu quả kinh tế anh tiếp tục thuê đất đầu tư trồng gần 4 ha cây gai xanh. Cuối năm nay tất cả diện tích đã trồng đều cho thu hoạch.
Thấy một số hộ trong xóm trồng cây gai xanh "nhàn”, có HTX thu mua tận nơi lại cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình bà Hà Thị Thanh, xóm Tằm quyết định chuyển hơn 2.000 m2 đất trồng ngô sang trồng cây gai xanh. Vừa nhổ cỏ, thăm cây, bà Thanh cho biết: Tôi trồng từ đầu năm, đến giờ chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu. Chi phí ban đầu trồng cũng như cây ngô, từ khâu làm đất đến bón phân, làm cỏ, nhưng cái hay của cây này là chỉ trồng 1 lần nên đỡ vất vả hơn. Khi cây lớn lứa sau lại thu nhập cao hơn lứa trước. Nếu được thu mua đều đặn với giá ổn định thì bà con yên tâm đầu tư trồng và sẽ là cây xóa đói, giảm nghèo cho vùng cao Trung Thành.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lường Văn Thái, Phó Bí thư TT xã Trung Thành cho biết: Từ đầu năm đến nay, diện tích trồng ngô trên địa bàn xã giảm. Nhiều hộ chủ động hợp đồng với HTX nông nghiệp Hòa Bình để chuyển sang trồng cây gai xanh, hiện có khoảng 20 ha được trồng trên địa bàn xã. Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện tốt nhất cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài hướng phát triển kinh tế từ cây chè thì dự kiến mở rộng vùng trồng cây gai xanh khoảng 200 ha, tạo động lực phát triển KT-XH địa phương.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững
Hiệu quả từ các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh đã được khẳng định. Chất lượng nông sản cũng như hiệu quả kinh tế đều tăng. Từ những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tạo cho tỉnh bản đồ nông sản phong phú, đa dạng, mang đặc trưng riêng của từng địa phương.
Cá sông Đà là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Ảnh: Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng đầu tư, liên kết nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn VietGAP.
Vùng sản xuất cây ăn quả có múi (CAQCM) tập trung được hình thành tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Đến cuối năm 2021, diện tích CAQCM toàn tỉnh đạt 9.687 ha, trong đó, diện tích kinh doanh 7.429 ha, sản lượng niên vụ 2021 - 2022 đạt 166,7 nghìn tấn; giá trị thu nhập trên 1 ha ước đạt trên 450 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả CAQCM, tỉnh đang thực hiện Đề án tái canh CAQCM giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đã công nhận 227 cây đầu dòng CAQCM phục vụ công tác nhân giống; xác định được 780 ha đang trong giai đoạn luân canh cải tạo đất, triển khai trồng tái canh giai đoạn 2022 - 2025.
Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có gần 2.000 ha CAQCM, sản lượng niên vụ 2021 - 2022 ước đạt trên 22.000 tấn. Huyện là một trong những vùng sản xuất CAQCM lớn nhất tỉnh, có điều kiện thâm canh cao với bộ giống đa dạng, năng suất, chất lượng tốt như cam CS1, cam Canh, cam V2… Giá trị thu nhập trong sản xuất CAQCM bình quân đạt 300 - 350 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất toàn quốc. Tuy nhiên, thời gian qua, do quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… khiến nhiều diện tích đất chai cứng, mất kết cấu.
Quá trình tăng nóng diện tích trong thời gian ngắn khiến một số diện tích sử dụng cây giống không đảm bảo chất lượng, nhiễm dịch hại nguy hiểm gây suy tàn, nhanh thoái hoá vườn cây. Nhằm khôi phục, duy trì thương hiệu sản phẩm, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 65/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Đề án tái canh CAQCM trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, huyện tập trung tái canh cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, trồng mới 670/1.500 ha, với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất.
Cùng với CAQCM, vùng sản xuất rau hàng hóa, tập trung có thị trường tiêu thụ, phù hợp điều kiện sinh thái từng vùng như: Vùng trồng bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lặc lày... tại huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; rau hữu cơ Lương Sơn; rau su su Mai Châu, Tân Lạc; tỏi tía Mai Châu. Sản xuất rau của tỉnh bước đầu hình thành các mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm; mô hình trồng rau đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP. Tổng diện tích khoảng 11 nghìn ha/năm, sản lượng 14 - 16 vạn tấn/năm, giá trị thu nhập khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra còn các vùng sản xuất tập trung nhãn, na, chuối, dong riềng, khoai sọ, lạc đã tạo sự đa dạng hóa sản phẩm của từng địa phương.
Song song với lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa cũng được đẩy mạnh. Đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Công tác quản lý giống lợn trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện, công tác bảo tồn, phát triển giống lợn, gia cầm được chú trọng, quan tâm. Tỉnh xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm "Gà Lạc Thủy”, "Gà Lạc Sơn”, "Lợn bản địa Đà Bắc”, "Dê Lạc Thủy”, "Dê núi Lương Sơn”. Đã có 15 sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Nhiều liên kết chuỗi trong chăn nuôi được hình thành và hoạt động hiệu quả, thành lập được 60 HTX chăn nuôi, trong đó có 28 HTX liên kết sản xuất chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng 8.800 nghìn con; tổng sản lượng đạt trên 50.000 tấn.
Theo đánh giá của Sở NN& PTNT, sản xuất hàng hóa phát triển đã cung cấp cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu tăng so với giai đoạn trước. Một số sản phẩm hàng hóa đã xây dựng được thương hiệu như cam Cao Phong, gà Lạc Thủy, nhãn Sơn Thủy… mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho nông dân. Năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh được nâng lên. Tư duy, nhận thức của cán bộ và Nhân dân thay đổi, nhiều loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế được điều chỉnh mở rộng quy mô so với mục tiêu ban đầu, công tác chế biến, xúc tiến xây dựng thương hiệu bước đầu được quan tâm nên giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt cao. Nhiều nông sản trong lĩnh vực trồng trọt được cấp, giám sát mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu của tỉnh. Dự kiến trong năm 2022, tỉnh sẽ xuất khẩu trên 1.000 tấn sản phẩm trồng trọt các loại, gồm: Chuối, nhãn, bưởi đỏ, bưởi Diễn, mía tím, mía trắng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…