Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 11 năm 2021 | 14:22

Hòa Bình: Xóa điểm nghẽn, nâng chất sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 70 sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên; các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình còn nhiều khó khăn, từ lựa chọn sản phẩm, chuẩn hóa, tiêu thụ đến phát triển sản phẩm OCOP.

Lạc Thủy: Khơi dậy tiềm năng các sản phẩm OCOP

 

lac-thuy.jpg

Sản phẩm trứng gà Ngọc Hân của HTX Sơn Nam, thôn Ðồng Nhất, xã Ðồng Tâm (Lạc Thủy) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

 

Là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về số sản phẩm OCOP, hiện huyện Lạc Thủy tập trung đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nhằm tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Thời gian qua, phát huy những lợi thế về đất đai, lao động, xã Đồng Tâm đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, tư vấn, định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP. Mặc dù mục tiêu của chương trình là mỗi xã có 1 sản phẩm được công nhận, nhưng đến nay toàn xã đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, trứng gà Ngọc Hân của HTX Sơn Nam, thôn Ðồng Nhất đạt 3 sao. Bà Bùi Thị Lan, Giám đốc HTX Sơn Nam cho biết: Sự khác biệt làm nên thương hiệu trứng gà Ngọc Hân là gà được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm tạo nên sản phẩm trứng gà thơm ngon, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Trong quá trình thực hiện, HTX luôn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình của huyện, xã, được tập huấn, thăm quan học hỏi một số đơn vị trong tỉnh đã có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt hạng sao của Chương trình OCOP. Mỗi chu kỳ, HTX tập trung nâng cao quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn cho vật nuôi để duy trì chất lượng sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn OCOP. Qua đó, góp phần xây dựng, củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm của HTX.

Xác định tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh trên địa bàn. Ngay sau khi tỉnh triển khai chương trình, UBND huyện ban hành kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia chương trình. Phòng NN&PTNT huyện chủ động tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng một cách bài bản, khoa học, bảo đảm các tiêu chí cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững. Đồng thời, huyện cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ cho các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đầu tư đổi mới mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc; tổ chức xúc tiến thương mại; xây dựng website quảng bá sản phẩm...

Nhờ đó, toàn huyện đã có 10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 2 sản phẩm 4 sao và 8 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP đều khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Một số sản phẩm đạt chất lượng 3 sao đã xây dựng kế hoạch nâng sao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Một số sản phẩm OCOP của huyện được đánh giá cao trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng như: Gà tươi nguyên con của HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, chè Sông Bôi của Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi Thăng Long, cam trứng của nhà vườn Vũ Duy Tân (xã Thống Nhất), dưa kim hoàng hậu của Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam…

Ông Hoàng Đình Chính, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp. Thông qua đó, các địa phương thấy rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những giải pháp phù hợp phát triển sản phẩm OCOP. Thuận lợi nhất là đa số chủ thể có sản phẩm đều là những người đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất, nhiệt tình tham gia, cơ bản nắm được các nội dung cần triển khai thực hiện để tập trung hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ đánh giá theo quy định. Việc đưa OCOP trở thành mục tiêu hướng đến của các sản phẩm tại địa phương đã giúp doanh nghiệp, HTX, chủ thể SX-KD nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và tìm được chỗ đứng trên thị trường…

Thanh niên khởi nghiệp cùng Chương trình OCOP

 

thanh-nien.jpg

Trần Trung Đức, Giám đốc HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) là một trong những thanh niên tiêu biểu tiên phong tham gia Chương trình OCOP.

 

Chàng thanh niên 9x Trần Trung Đức, Giám đốc HTX chuối Viba (Lương Sơn) là tấm gương sáng để thanh niên trong tỉnh noi theo. Với mục tiêu phát triển và nâng tầm giá trị sản phẩm chuối Viba, năm 2019, Đức mạnh dạn tham gia sân chơi OCOP và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm chuối Viba của HTX trở thành mặt hàng có uy tín tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội. 6 tháng đầu năm, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng HTX vẫn tiêu thụ được trên 600 tấn chuối, giá bán từ 4.000 - 10.000 đồng/kg. Với cương vị là Bí thư chi đoàn thôn Tân Sơn, Đức luôn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới thanh niên trong thôn; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch với thanh niên trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Nông dân vùng trồng lạc ở huyện Yên Thủy luôn khâm phục ý chí và nghị lực của chàng trai trẻ Đinh Đức Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy. Anh Chiến đã mạnh dạn liên kết với các hộ nông dân trong huyện để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng thành công thương hiệu dầu lạc Yên Thủy. Năm 2020, sản phẩm dầu lạc Yên Thủy đáp ứng đủ các tiêu chí trong Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, HTX tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm dầu vừng đen.

Là lực lượng nòng cốt, có tri thức, hoài bão, luôn tiên phong, sáng tạo sử dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, đó là những lợi thế để thanh niên tham gia tích cực, có hiệu quả Chương trình OCOP.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình OCOP, BTV Tỉnh Đoàn xác định OCOP là sân chơi lành mạnh để thanh niên phát huy được năng lực, sự sáng tạo và tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Từ đó, BTV Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung, bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP. Qua đó, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên với Chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình” do Tỉnh Đoàn phối hợp Sở KH&CN, Liên minh HTX tỉnh phát động đã có nhiều ý tưởng của thanh niên, thể hiện quyết tâm phấn đấu đưa sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Các cấp bộ Đoàn còn có nhiều cơ chế hỗ trợ đoàn viên thanh niên tiếp cận vốn vay ưu đãi khởi nghiệp. Để thuận lợi cho việc vay vốn, hồ sơ vay thể hiện rõ sản phẩm được chọn, các thế mạnh và hướng phát triển của sản phẩm.

Song song với nỗ lực tham gia chuẩn hóa sản phẩm OCOP, tuổi trẻ trong tỉnh tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng cả nước thông qua hội chợ; trang thương mại điện tử, zalo, facebook, fanpage… Thực tiễn triển khai Chương trình OCOP cho thấy, đã có nhiều gương thanh niên phát triển kinh tế, dám nghĩ, dám làm, xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm do mình sản xuất. Qua đó, khẳng định sự tiên phong, gương mẫu của tuổi trẻ trên mọi lĩnh vực.

Còn nhiều điểm nghẽn

Chương trình OCOP được đánh giá như làn gió mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để Hòa Bình thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu. Song, thực tế quá trình triển khai cũng cho thấy nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ. Ngay từ khi bắt tay vào triển khai chương trình, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình, tuy nhiên, một số tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn thờ ơ, không mặn mà tham gia xây dựng sản phẩm nên chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều; mẫu mã, bao bì, kiểu dáng đơn giản, thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu ít.

Theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nhiều sản phẩm tham gia chương trình còn trùng nhau. Các địa phương chưa khai thác hết được tiềm năng để lựa chọn sản phẩm tham gia. Trong 70 sản phẩm đã được công nhận, có đến gần 10 sản phẩm là bưởi, cam, chỉ khác tên gọi do các chủ thể đặt. Sự sáng tạo, phát triển những sản phẩm mới của chương trình chưa đạt được như mong muốn, gây nhàm chán cho thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một số sản phẩm nông nghiệp có tính thời vụ nên không thể tham gia đánh giá trong kỳ, các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết trong sản xuất. Do đó, khả năng đầu tư cải tiến, nâng cấp sản phẩm hạn chế, nhất là các sản phẩm chế biến. Thực tế nhiều sản phẩm đã được gắn sao OCOP nhưng không mở rộng được quy mô.

Đơn cử như sản phẩm hạt dổi Thạch Yên của hộ kinh doanh Bùi Văn Tiến, xã Thạch Yên (Cao Phong) rất khó phát triển quy mô. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Thạch Yên Bùi Đức Chung trăn trở: Mặc dù sản phẩm hạt dổi của xã đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Tuy vậy, sau gần 1 năm được gắn sao OCOP, đến nay, sản phẩm vẫn sản xuất ở quy mô hộ gia đình, hộ ông Bùi Văn Tiến chưa liên kết được với các hộ trên địa bàn xã để mở rộng diện tích; thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu bán lẻ ở địa phương, chưa tìm kiếm được thị trường tiềm năng. Cây dổi chủ yếu được bà con trồng xen với các loại cây trồng khác, không tập trung nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg, ngày 21/8/ 2019 của Thủ tướng Chính phủ mới nên các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình lúng túng trong công tác hoàn thiện hồ sơ. Do vậy, một số sản phẩm đã đăng ký từ đầu năm nhưng không kịp hoàn thiện đầy đủ hồ sơ minh chứng theo yêu cầu bộ tiêu chí, dẫn tới bỏ dở giữa chừng hoặc có tham gia thì kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm chưa cao dù chất lượng, thương hiệu của sản phẩm rất tốt. Các sản phẩm tham gia Chương tình OCOP phải đảm bảo theo nhiều văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm nên các cơ sở gặp khó khăn trong quá trình công bố sản phẩm đủ điều kiện. Nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao do kinh phí hỗ trợ đầu tư chế biến, bảo quản hạn chế.

Đội ngũ cán bộ quản lý, thực hiện chương trình cấp tỉnh, huyện, xã hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm nên chưa có nhiều thời gian cho việc phát triển các sản phẩm OCOP. Có lúc, có nơi chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa thật sự vào cuộc cùng các tổ chức kinh tế trong quá trình thực hiện; hoạt động của Ban chỉ đạo, ban quản lý ở một số huyện, xã thiếu quyết liệt, sát sao, kết quả đạt được chưa rõ nét; chưa quan tâm, nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP trong quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên nên hiệu quả thực hiện chương trình chưa cao.

 

003.jpg

Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại phường Phương Lâm (TP. Hòa Bình) là cầu nối quan trọng giúp sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

 

Thiếu vốn để đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất là tình trạng chung của nhiều chủ thể. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, hàng hóa không tiêu thụ được, các chủ thể càng khó khăn về vốn. Nhiều cơ sở phải tạm dừng hoạt động, không có vốn để tiếp tục sản xuất. Hiện tại, sản phẩm OCOP 3 sao mật ong Thượng Tiến của HTX dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) còn tồn kho hơn 11.000 lít không tiêu thụ được. Theo anh Bùi Văn Tám, Giám đốc HTX, với hơn 1.500 đàn ong, HTX đang thiếu khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng để đầu tư chăm sóc đàn ong lấy mật năm sau. HTX rất mong các cấp, ngành có chính sách hỗ trợ HTX vay vốn để duy trì sản xuất.

Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sau khi được công nhận là hoạt động quan trọng đối với các sản phẩm OCOP. Hàng năm, qua sự kết nối của các sở, ngành, địa phương, lần lượt chủ thể được tham gia hội chợ thương mại ở các tỉnh để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Tại tỉnh đã mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, sức lan tỏa của các sản phẩm chưa cao, nhiều người tiêu dùng trong tỉnh, thậm chí ngay tại TP Hòa Bình vẫn chưa biết về các sản phẩm OCOP. Một bộ phận người tiêu dùng lại không biết mua sản phẩm OCOP ở đâu.

Để Chương trình OCOP thực sự là cuộc cách mạng

Chương trình OCOP là sân chơi để khẳng định bản lĩnh, kiến thức và sự sáng tạo. Chất lượng, hiệu quả kinh tế của sản phẩm là những yếu tố quan trọng để quyết định thành công của chương trình. Mỗi sản phẩm OCOP còn là một câu chuyện hấp dẫn, thú vị về sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và chủ thể trong khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Không chỉ vậy, phía sau chất lượng, lợi nhuận kinh tế, các sản phẩm OCOP còn chứa đựng giá trị văn hóa, giá trị nhân văn.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian tới, để phát triển và nâng tầm sản phẩm OCOP, cần xây dựng chính sách hỗ trợ chủ thể có sản phẩm đã được chứng nhận OCOP và sản phẩm tiềm năng tham gia chu trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2021 có thêm ít nhất 20 danh mục sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 1 sản phẩm đạt 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao. Có 40 chủ thể đăng ký tham gia. Triển khai xây dựng điểm, trung tâm quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện...

Để đạt được mục tiêu đề ra trước hết cần tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP trên phạm vi toàn tỉnh, để người dân, các tổ chức KT-XH thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện chương trình. Đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, tuyên truyền thường xuyên, liên tục từ cấp tỉnh, huyện, xã, đến các khu dân cư; tôn vinh gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện chương trình.

Củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia. Hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình thông qua việc thành lập mới các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển làng nghề theo hướng có sự tham gia của cộng đồng, như thêm số thành viên, cổ đông, chuyển đổi loại hình cơ sở sản xuất thành hợp tác xã, doanh nghiệp. Mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh đối với HTX, doanh nghiệp có điều kiện, năng lực đưa vào sản xuất sản phẩm mới trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, khai thác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, nhân lực, nguyên liệu... theo nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh kết nối tổ chức kinh tế tham gia chương trình với nhà tư vấn, thúc đẩy mối quan hệ đối tác theo nguyên tắc cùng có lợi. Hỗ trợ tổ chức tham gia Chương trình OCOP nâng cao chất lượng quản trị, duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Song song với công tác tuyên truyền, củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Xây dựng, triển khai hỗ trợ các tổ chức kinh tế ứng dụng KHCN đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Chú trọng công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm OCOP tại các địa phương đối với những sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng. Đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, khuyến khích chủ thể sản xuất áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa để khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu OCOP trong và ngoài tỉnh...

Ứng dụng KHCN trong xây dựng, quản lý có hiệu quả nhãn hiệu sản phẩm "OCOP Hòa Bình” thông qua việc xây dựng phần mềm quản lý sản phẩm, đánh giá phân hạng sản phẩm. Hệ thống phần mềm quản lý Chương trình OCOP gắn với quản lý sản phẩm trên tem điện tử thông minh, đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như bảo mật chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các sản phẩm tham gia OCOP đều được đưa thông tin vào phần mềm để theo dõi, quản lý. Xây dựng bộ nhận diện chương trình, quy chế quản lý tem, nhãn mác sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao để đảm bảo việc quản lý…

 

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ thực hiện chương trình

Theo Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Hòa Bình Hoàng Văn Tuân, giai đoạn 2021 - 2025, các sở, ngành cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của T.Ư, của tỉnh có liên quan đến chương trình; tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan tích hợp, vận dụng cơ chế, chính sách; chủ động nghiên cứu tham mưu, điều chỉnh bổ sung, ban hành các chính sách mới hỗ trợ, khuyến khích tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, trong đó tập trung vào các nội dung hỗ trợ chủ thể có trọng tâm như: Hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm; chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ tổ chức kinh tế xây dựng hệ thống, điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP tại các địa phương; có chính sách thưởng cho chủ thể có sản phẩm tham gia thi, đánh giá phân hạng sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.

 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top