Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 11 năm 2021 | 15:33

Hoang hoải trên cánh đồng vụ đông

Một vụ đông mới đã rộ. Sáng thức giấc trong cái lạnh đầu đông mơn man da thịt, tôi chạy xe quanh cánh đồng làng, lòng như muốn lắng lại.

Nhìn cánh đồng sau vụ gặt, gốc rạ nằm chơ vơ, những vết bánh xe của máy gặt còn hằn trên mặt ruộng, tôi lại hỏi mình là đang vụ đông nhưng sao đồng đất lại bỏ không nhiều đến thế?

Những làng quê thuần nông bao đời nay đã không cho đất không nghỉ, người cũng không ngừng nghỉ, hết vụ mùa lại sang vụ đông như một sự luân hồi của kiếp cây, kiếp người trên cánh đồng quen thuộc.

Trước kia, khi chưa có sự can thiệp của cuộc “cách mạng công nghiệp vô cơ”, người nông dân thường sử dụng phân chuồng là loại phân hữu cơ được hình thành từ chất thải động vật như nước tiểu, phân gia súc, gia cầm…, tận dụng rơm, rạ đệm xuống làm phân bón.

Phân được trộn với rơm, rạ, chất thành đống trát bùn kín xung quanh, hoặc đào hố ủ kỹ cho phân mục tơi để phục vụ cho việc trồng màu. Phân hữu cơ có tác dụng làm tơi xốp đất, ổn định độ pH, giữ ẩm cho đất, ít gây hại đến môi trường, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển. 

Đốt rơm, rạ chuẩn bị cho việc cày ải trên cánh đồng thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

 

Còn nữa, lúc rảnh rỗi có người nông dân còn chịu khó đi cắt cây “lòm” về ủ hoặc băm nhỏ rải ra ruộng làm phân bón, gọi là “phân xanh”. Cây lòm là loại cây mọc hoang ở bụi, lá màu xanh đậm, hoa màu đỏ. Lý do cây được chọn làm phân xanh vì lá to, mềm dễ phân hủy.

Cánh đồng Đầm sau làng tôi được coi là “Bờ xôi ruộng mật” đất ở đây rất tốt nên được gọi là ruộng Đầm loại 1. Sau khi gặt xong vụ mùa, người dân tiến hành canh tác vụ đông. Đất ruộng ở đây tơi xốp, thích hợp với trồng khoai lang, vừa dễ trồng, ít phải chăm bón, sau thời gian ngắn cả cánh đồng được bao phủ một màu xanh.

Trồng khoai lang không đơn thuần để lấy củ, mà ngọn khoai còn được hái về luộc hoặc xào ăn. Dây khoai cắt về băm ra làm thức ăn cho lợn ăn. Khoai vụ đông được thu hoạch sau 3 tháng mới ngọt, mới ngon, từng chùm sai trĩu củ, vì trải qua 3 tháng mùa đông hanh hao, khoai rút bớt nước trong thân củ, lượng đường được giữ lại trong củ khoai khi luộc chín mới có độ ngon ngọt, rồi chảy mật vàng óng ra đáy nồi, tạo mùi thơm đầy sức hấp dẫn. Khoai lang quê tôi đã đi vào câu ca: “Dưa Quài, khoai Bái”.

 Canh tác xong vụ động còn lại số ít ruộng không dùng đến sẽ được cày ải để thau chua, phơi đất suốt 3 tháng đông chờ cho vụ xuân năm sau.

Trước đây, khi bắt đầu vụ đông thời tiết thường hanh khô, rau màu được trồng bằng phân hữu cơ, tưới nước giải ngâm ngấu pha loãng, nước sông, nước ao, thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho sự phát triển tự nhiên của rau màu. Đây mới đúng nghĩa là rau sạch. Bây giờ thì thời tiết đã thay đổi nhiều. Cách canh tác, chăm bón cây màu vụ đông cũng khác.

Cơ giới hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp giúp nâng cao hiệu quả lao động, người nông dân được giải phóng nhiều công đoạn, nhiều thứ dù đã thân thuộc, thiết yếu cũng trở nên không còn nhiều giá trị.

 

Giờ thì đã qua cái thời đói khổ, rơm không còn được đưa về để đun nấu hay làm thức ăn cho trâu, bò. Vì thế, mà được người nông dân đốt rơm ngay tại ruộng hoặc gom lại để phục vụ cho việc trồng màu. Còn rạ vì gặt bằng máy nên chẳng còn “khái niệm” đâu là rạ, đâu là rơm. Những thân cây lúa nằm dầm mưa, giãi nắng chờ ngày cày úp, ngâm ruộng, làm phân bón cho vụ mới.

 

 

Tư duy làm nông nghiệp đã thay đổi, bây giờ làm nông nghiệp chỉ là tranh thủ, với suy nghĩ trồng rau để lấy rau ăn; cấy lúa là để lấy thóc không phải đi ăn đong. Tôi được biết, một sào lúa sau khi trừ tất cả các chi phí (công cày, công cấy, công gặt, phân bón, thuốc trừ sâu, thuế ruộng…) thì chỉ lãi được từ 200.000 đến 300.000 đồng.

Số ít hộ chuyên canh trồng màu để kinh doanh, nhưng trước sự biến đổi của khí hậu, sâu bệnh, tàn dư của thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của họ. Mà để làm ra thành quả đã đành, nông dân vẫn phải thấp thỏm, lay hoay với bài toán “Được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Không chỉ riêng cánh đồng vụ đông sau làng tôi bỏ không, mà hàng nghìn héc ta vụ đông ở tỉnh Thái Bình cũng trong tình trạng tương tự.

Nhà máy đã len lỏi ngay trên chính cánh đồng làng, tư duy làm nông nghiệp đã thay đổi, đặc biệt là những người trẻ bây giờ xa dần với nông nghiệp. Họ chọn đi làm ở công ty, làm xây dựng, buôn bán xa nhà…

 Nhiều tỉnh phía Bắc trồng rau màu vụ đông để tăng thêm thu nhâp.

 

Dẫu vẫn biết trong cái “được” cũng có cái “mất”, nhưng tôi vẫn thấy tiếc những mảnh ruộng một thời được coi là “bờ xôi ruộng mật”, những cánh đồng vụ đông xanh mướt mát một thời nay hoang hoải trong khoảng lặng của vòng luân hồi đồng đất.

Tất cả chỉ còn trong ký ức. Những đứa trẻ lớn lên rồi sẽ chẳng còn được biết cách tự chế phân hữu cơ theo phương pháp truyền thống của ông cha chúng. Không còn biết cảnh những nông gia trước mỗi vụ mới thường chắp tay khấn trời cầu mong mưa thuận, gió hòa. Người làng ta ra phố và người làng ta đang lãng quên cánh đồng làng.

Tôi đứng đó lặng lẽ giữa ngày đông rộ vụ nhìn cánh đồng làng trong từng cơn gió thổi, hồi ức về những vụ đông ồn ao và trù mật một thời chưa xa.

 

 

 

Hữu Thuật
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top