Có số phận không may mắn từ lúc chào đời, nhưng một học sinh khuyết tật ở Bắc Ninh đã nỗ lực không ngừng trong học tập, và đã được chọn trường vào thẳng đại học.
Nước mắt mẹ đã được đền đáp
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, bố của em Nguyễn Đức Thuận, thôn Công Cối, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), cho biết, Thuận được sinh ra khi cơ thể mẹ gặp nhiều bệnh như gan, thận yếu và chỉ nặng khoảng 40 kg. Nhất là thời tiết tháng Giêng năm 2003, lúc Thuận chào đời rất lạnh, đặc biệt là không khóc ngay như những đứa trẻ khác.
Em Thuận (ngoài cùng) và các bạn trong đội tuyển Quốc gia tại Trường Đại học KHTN (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Thuận chào đời từ lúc nửa đêm, nhưng đến 3h chiều gia đình mới phát hiện tay, chân của Thuận bị co quắp và tím tái. Đặc biệt, khoảng 4 -5 tháng sau, cổ của Thuận cũng không cứng cáp như những đứa trẻ khác mà mềm oặt như một sợi lạt, bố mẹ cứ phải bế ẵm ngửa để đỡ cổ.
Mắt cũng không bình thường, và hay chảy nước mắt, sau đó lại thấy có lông quặm bẩm sinh. Do vậy, gia đình phải đưa Thuận sang Bệnh viện mắt Trung ương để mổ, sau mổ, Thuận ho và thường xuyên bị sốt. Thấy sức khoẻ của Thuận yếu, bố mẹ đã thay nhau đưa con đi châm cứu ở Viện Châm cứu Trung ương.
Các bác sỹ ở đây kết luận, Thuận bị bệnh “bại não thể co cứng”, chân tay co quắp, không tự cầm nắm, đi đứng một mình đươc, sau đó Thuận phải châm cứu ở đây đến hết thời gian học mẫu giáo.
Do cơ thể như vậy nên khi Thuận vào tiểu học, 2 mẹ con phải cùng đến trường và ngồi chung một bàn học, con nghe giảng, mẹ chép bài, vì tay em khi cử động, hoặc cầm nắm thì quều quào không sử dụng bút được.
Cứ như vậy, đến lớp 5, một điều may mắn bất ngờ đã đến với Thuận, đó là cuộc thi học sinh giỏi toán – tin cấp huyện trên mạng. Nhưng do Thuận yếu, nên cô giáo không để ý, không phát hiện ra và không chọn cháu đi thi.
Rất may, Thuận đã mạnh dạn xin cô giáo cho tham gia, cô giáo đã báo cáo với ban giám hiệu, sau đó Thuận được đi thi và đoạt giải 3. Đây là vận may đầu tiên của em, và cũng là động lực cho em trong các năm học ở trung học cơ sở (THCS)
Tuy nhiên, lên đến THCS, Thuận đã được sử dụng máy tính để gõ bài, trong khi các bạn vẫn viết bút bình thường. Ở cấp học này, Thuận học đều các môn, nhưng nổi bật nhất vẫn là tin học, vì vậy, năm lớp 9, em tiếp tục đoạt Giải Nhất tỉnh Bắc Ninh môn Tin học.
Điều đáng ghi nhận là Thuận luôn tự tin, lạc quan yêu đời và không mặc cảm về số phận của mình.
Nhờ những thành tích đều đặn như vậy, lên đến bậc trung học phổ thông, Thuận được chọn vào lớp Tin học Trường THPT chuyên Bắc Ninh, và tiếp tục đoạt giải các cuộc thi Tin học Quốc gia do Tỉnh đoàn Bắc Ninh và ngành giáo dục tổ chức.
Có một bước ngoặt lớn vào năm 2019, đã làm thay đổi cuộc đời của Thuận, đó là khi em đang học lớp 11, có lẽ do muốn đền đáp công ơn cha mẹ, nhất là mẹ, người luôn ở bên cạnh em, từ đi học đến ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày, nên Thuận đã đoạt Giải 3 Quốc gia môn Tin học và chính thức tham gia đội tuyển quốc gia từ đây.
Niềm vui mới đang ở phía trước
Từ thắng lợi trên, tháng 11/2020 Thuận lại tiếp tục dự thi bộ môn Tin học trẻ toàn quốc, tổ chức tại Cà Mau, và đoạt Giải nhất bảng C khối THPT.
Nguyễn Đức Thuận (giữa) cùng các bạn trong Đội tuyển Quốc gia
Hiện, Thuận và 8 bạn trẻ trong đội tuyển Tin học Quốc gia năm 2020 đang luyện thi ở Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để chuẩn bị cho một cuộc tranh giải mới, vào cuối tháng 12/2020.
Khi chúng tôi hỏi ông Quỳnh về “cơ duyên” nào đã đưa Quỳnh đến với bàn phím từ rất sớm như vậy, ông cho biết, có lẽ, do lúc Thuận còn bé, gia đình đã mua cho cháu cái đàn đồ chơi bằng nhựa, cứ chạm vào bàn phím là phát ra tiếng nhạc, Thuận rất thích đồ chơi này và gõ chí choé cả ngày.
“Tình cờ, một lần ở cơ quan có cái máy tính bị hỏng, chợt nghĩ, con trai thích gõ lên bàn phím, tôi đã đưa về cho Thuận chơi, cháu mừng rỡ và say mê với nó không rời tay. Không ngờ, lớn lên, cuộc đời cháu lại gắn bó với bàn phím như vậy, cảm ơn công nghệ 4.0 đã giúp Thuận có công cụ để học hành.
Hy vọng, bàn phím và máy tính sẽ giúp Thuận có thêm niềm vui mới trong học tập, công việc, nhất là sau khi rời khỏi ghế nhà trường, bố mẹ đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, trong khi cuộc đời phía trước của Thuận còn rất dài” – ông Quỳnh cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Hoài San, mẹ của Thuận cũng chia sẻ: “Đi suốt đời, lòng mẹ vẫn theo con”, mỗi bước chân, bữa ăn giấc ngủ, bài học của Thuận đều dính liền với mẹ, bởi Thuận chỉ đi được vài bước chân, nếu không có người bên cạnh là ngã.
Quả thật, khi chứng kiến mẹ con Thuận đi trên sân trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi mới thấy hết Thuận đã cần mẹ biết chừng nào, chỉ đi được vài sải chân, khoảng một vài mét, nếu không có người đỡ bên cạnh, Thuận sẽ không đi tiếp được.
Chỉ những lúc Thuận vào lớp học, mẹ mới được một chút thảnh thơi, nhưng ngay sau đó lại tranh thủ ngồi vào máy khâu may đồ gia công. Đến giờ lại đón con về, nội trợ, giúp tắm giặt, ăn uống, công việc cứ theo vòng quay như vậy suốt mười mấy năm qua.
Vất vả nhất là những năm Thuận học THPT ở TP. Bắc Ninh, 2 mẹ con phải ở lại trường cuối tuần mới về nhà. Bố Thuận là bộ đội, đóng quân ở Hà Nội cũng 1 tuần mới về 1 lần, vì vậy, việc chăm sóc Thuận chủ yếu là mẹ.
Rất may, nhờ những thành tích trên, Thuận đã được tuyển thẳng vào đại học và được chọn trường mình yêu thích. Hiện, Thuận đã chọn Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2021 cháu sẽ tựu trường” – mẹ Thuận cho biết thêm.
Chúng tôi không đơn độc
Cũng theo bà San thì, gia đình bà có 2 con, chị gái đầu của Thuận cũng học rất giỏi, ở Trường THPT chuyên Bắc Ninh, sau đó thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Ra trường, cháu cũng tự thi tay nghề tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nay đã được nhận vào làm việc ở đó. Với hy vọng sau này sẽ giúp e chữa bệnh hiểm nghèo, chia sẻ vất vả với bố mẹ.
Hai mẹ con Thuận sau giờ tan học
Đặc biệt, khi Thuận được lên TP. Bắc Ninh để học tại trường chuyên, mẹ con phải ở đó cả tuần, nhưng chúng tôi không đơn độc, nhà trường và các thầy cô giáo ở đây đã hết lòng giúp đỡ 2 mẹ con.
Mẹ con bà Thuận không phải thuê trọ ở ngoài, nhà trường cho 2 mẹ con mượn một phòng ở tại trường, gần với lớp học. Trong đó có 1 phòng ăn và 1 phòng ngủ, có chỗ học cho Thuận, chỗ nấu nướng, sinh hoạt cho 2 mẹ con trong cả tuần. Cuối tuần, cả bố mẹ và Thuận mới đoàn tụ với nhau ở quê.
Riêng Thuận còn được Tỉnh hỗ trợ tiền ăn 50.000 đồng/ngày, từ đầu năm 2020 đến nay, ngoài ra, còn được học bổng 1.490.000 đồng/tháng, hỗ trợ đi thi Đội tuyển Quốc gia cuối năm 2020, các khoản thu khác ở trường Thuận đều được miễn phí hết.
“Đặc biệt, khi Thuận đi học thêm môn Tin học ở Thầy giáo Minh, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, từ cuối năm lớp 8 đến lớp 12 (mỗi tuần 7 buổi), cũng được thầy dạy kèm miễn phí. Cảm động nhất là những lần thấy tôi dìu Thuận lên lớp học, không những thầy cô giáo bộ môn mà cả thầy Hiệu trưởng cũng đến giúp sức, đưa Thuận lên lớp rồi mới quay lại.
Đến nay, khi Thuận sang học ở Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, cũng được các thầy đưa đón và dành nhiều điều kiện thuận lợi, để em hoà đồng với bạn bè cùng trang lứa, trong Đội tuyển Quốc gia của trường” – bà San cho biết thêm.
Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, anh Nguyễn Đức Sâm, cho biết: "Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, vì vậy, để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các ban ngành, tổ chức thành công Hội thi Tin học trẻ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVII năm 2020 để động viên, cổ vũ tuổi trẻ tích cực học tập, và ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống.
Theo đó, Hội thi đã thu hút trên 105 thí sinh là cán bộ, công chức trẻ và học sinh khối THPT, THCS, tiểu học, đã được lựa chọn từ Hội thi cấp huyện, thị xã, thành phố, tham gia tranh tài ở 5 bảng thi.
Bao gồm: Bảng A - Khối Tiểu học; Bảng B - Khối THCS; Bảng C - Khối THPT; Bảng D (gồm D1, D2, D3) dành cho khối cán bộ, công chức trẻ và Bảng E, cuộc thi sáng tạo. Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao 47 giải cho các thí sinh tham gia, trong đó có: 6 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba, và 16 giải Khuyến khích”.
Hy vọng, với niềm say mê, nỗ lực không ngừng của bản thân, gia đình, tấm lòng hảo tâm của các thầy, cô giáo, bạn bè, Thuận sẽ tiếp tục dành được nhiều phần thưởng lớn trong học tập và cuộc sống. Trở thành tấm gương sáng cho các bạn trẻ kém may mắn học tập, phấn đấu, nhất là kỳ thi cuối năm 2020 đang đến cận kề.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.