Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 9 năm 2021 | 10:33

Học trực tuyến, cần giải pháp phù hợp với từng địa phương

Nhiều học sinh đang mắc kẹt ở vùng dịch, nhiều gia đình không đủ điều kiện về cơ sở vật chất cho con học trực tuyến…

Đây là những khó khăn ở một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội khi năm học mới kết hợp cả học trực tuyến và trực tiếp bắt đầu. Do đó, mỗi địa phương, tùy vùng miền, cần có giải pháp thích hợp để đảm bảo việc học tập cho học sinh, không để em nào bị bỏ lại phía sau.

 

a3-thời-gian-qua-một-số-trường-học-đã-triển-khai-dạy-online-cho-học-sinh.jpg
Thời gian qua, một số trường học triển khai dạy online cho học sinh. Ảnh: Tô Thế

 

 Tạo mọi điều kiện cho học sinh

Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng vừa giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Và tối 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến, nhất là tại các khu vực đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới. 

Thủ tướng  yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến. Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.

Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy cập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

Không để học sinh bị bỏ lại phía sau

Với phương châm “dừng đến trường, không dừng việc học”,  nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng các phương án để học sinh tiếp cận hình thức học phù hợp. Đối với học sinh có điện thoại thông minh, sẽ kết nối dạy học trực tuyến qua  Team, Zoom, Zalo...

Ngoài ra, còn tạo nhóm lớp học qua các mạng xã hội để giáo viên và học sinh gửi file, chuyển bài làm. Thầy cô quay video các bài giảng rồi gửi qua nhóm cho học sinh. Riêng đối với các em không có điện thoại, sẽ tính đến giải pháp giáo viên đến tận nhà giao bài, hướng dẫn học. Hướng dẫn học sinh học qua truyền hình...

 

a-4.jpg
Một học sinh tiểu học ở Hà Nội tham gia buổi học trực tuyến. Ảnh: Ngọc Thắng

 

Đợt dịch năm ngoái, nhiều trường cử giáo viên đến đến tận nhà để giao bài tập cho học sinh khá hiệu quả. Tuy nhiên, năm nay thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt hơn, thêm vào đó, nhiều giáo viên đang ở khu vực phong tỏa, vì vậy, việc giao bài tập đến nhà học sinh sẽ khó khăn.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo  tỉnh Đắk Lắk, nhận định, việc dạy học trực tuyến trong tình hình dịch gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở bậc tiểu học ở vùng sâu, vùng xa.

Do đó, Sở đề nghị trong thời gian này, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nắm rõ điều kiện cụ thể của các em, nhằm triển khai kế hoạch, phương pháp dạy học phù hợp.

Theo TS. Nguyễn Quang Tiệp, Trưởng Bộ môn Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), mỗi lứa tuổi có phát triển đặc thù, không thể vì lý do nào đó để trì hoãn sự phát triển khôn lớn của trẻ. Hiện, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giải pháp về công nghệ là tất yếu, nhưng vấn đề công nghệ cũng chưa đến được với học sinh người dân tộc. Vì vậy, phải sử dụng công cụ học tập thủ công, cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ tổ chức dạy học theo các nhóm trẻ, để các em tương tác được với nhau.

 

Hiện cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có trên 7,350 triệu học sinh thuộc 26/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang triển khai học trực tuyến. Theo thống kê ban đầu, tính tới ngày 12/9, có khoảng 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận, huyện) không thể tham gia học do thiếu thiết bị.

 

Có thể thấy, mỗi địa phương, vùng miền đang phải đối mặt với những khó khăn khác nhau trong việc tổ chức dạy học do ảnh hưởng của dịch bệnh. Không thể có công thức chung để giải quyết khó khăn cho các vùng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn cụ thể với từng đối tượng học sinh, yêu cầu các địa phương chuẩn bị nhiều phương án khác nhau để đảm bảo mọi học sinh đều được hỗ trợ trong quá trình học tập, không để em nào bị bỏ lại phía sau.

Tất cả vì tương lai của đất nước

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, thành phố có trên 72.000 học sinh tiểu học, THCS, THPT chưa có thiết bị và đường truyền để học trực tuyến. Nhằm hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh, Sở GD-ĐTTP đề ra nhiều giải pháp: Huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay tiếp sức học sinh khó khăn. Huy động nguồn thiết bị đã qua sử dụng trong cộng đồng thông qua các phong trào của các tổ chức, như chương trình “máy tính cũ, tri thức mới” của Thành Đoàn. Phụ huynh học sinh được mua trả góp máy móc, thiết bị với giá ưu đãi.

Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 11/4, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát động tham gia chương trình, với 10.000 máy tính sẽ được trao tặng cho học sinh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT và chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, tính đến 12/9, ngành giáo dục Thủ đô đã quyên góp được 2.345 thiết bị hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiết bị học trực tuyến.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 2/8, các doanh nghiệp viễn thông gồm : Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnam Mobile, SCVT đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới 10.000 tỷ đồng, triển khai từ 5/8/2021, kéo dài trong 3 tháng. Học sinh, sinh viên, giáo viên, các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ của 7 doanh nghiệp trên được tăng gấp 2 lần băng thông cho dịch vụ internet cáp quang với giá không đổi.

 

Bộ GD-ĐT cho biết, trước khó khăn chung của ngành GD-ĐT, nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh, giáo viên  máy tính, thiết bị dạy học, internet…

Các cơ sở giáo dục, giáo viên có nhiều sáng tạo để khắc phục khó khăn như dạy học và hướng dẫn việc học qua hình thức tin nhắn học đường, qua nhóm trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook…); dạy học và hướng dẫn việc học qua tài liệu do giáo viên chuẩn bị và photo gửi đến gia đình học sinh…

Kho học liệu của Bộ GD-ĐT đã được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.

Hiện nay có gần 7.000 bài giảng trực tuyến, trong đó có 1.500 video bài giảng trên truyền hình có chất lượng.

Có 14 kênh truyền hình của Trung ương và địa phương thường xuyên phát chương trình ôn tập và dạy học cho học sinh.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top