Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 9 năm 2021 | 10:14

Học trực tuyến lớp 1: Cha mẹ phải đồng hành cùng con và thầy, cô giáo

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh lớp 1 ở một số tỉnh, thành phố sẽ phải học trực tuyến ngay từ những ngày đầu của năm học 2021-2022.

Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của thầy cô, rất cần sự đồng hành của cha mẹ cùng các con trong quá trình học tập.
3s.jpg
Những nét tập viết đầu tiên rất cần phải được uốn nắn trực tiếp.

 Nỗi lo khi con vào lớp 1

Anh Lê Bá Anh Đức, ở Thành Công (Ba Đình - Hà Nội), bác sỹ Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW, có con vào học lớp 1 trong năm học này, chia sẻ: Năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đa số thời gian học mầm non con phải nghỉ ở nhà, không tiếp cận được với tiền tiểu học ở trường. Do bận công việc cơ quan nên vợ chồng tôi không có nhiều thời gian để kèm con học, nhất là việc làm quen với bảng chữ cái và các con số.
“Điều tôi lo nhất là cháu sẽ học như thế nào khi lớp 1 phải tập viết. Nếu không có sự kèm cặp, hướng dẫn trực tiếp của cô giáo, không biết con có viết chuẩn được không?”, anh Đức nói.
Lo lắng hơn cả anh Đức, anh Trần Hoàng Giang ở Bồ Đề (Long Biên – Hà Nội) cũng có con vào lớp 1 nhưng con đang ở quê với ông bà. Năm học mới bắt đầu mà con không thể về được do thực hiện giãn cách xã hội.
Anh Giang tâm sự: “Nhà ông bà không có máy tính, không có internet, nếu có ông bà cũng khó có thể ngồi học cùng cháu. Tôi quyết định cho con học nhờ ở trường tiểu học gần nhà ông bà”.
Còn anh Lê Văn Đức (Thanh Oai - Hà Nội) bộc bạch: “Vợ chồng tôi có con đầu lòng vào lớp 1. Khi biết con nhiều khả năng phải học qua Zoom, vợ chồng rất bối rối, bởi cả hai đều làm nông nên cũng không biết nhiều về công nghệ. Dạy con trực tiếp đã khó giờ lại phải hướng dẫn cách con học qua Zoom thực sự là rất khó khăn. Tôi chỉ mong có thể lui lịch học cho các con mới vào lớp 1, để các con và cả bố mẹ đỡ vất vả”.
Nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm học này chung băn khoăn: Khi các con học trực tuyến, tư thế ngồi sẽ như thế nào, cách cầm bút ra sao, tập viết như thế nào cho đúng? Nếu như không được các cô trực tiếp uốn nắn, chỉ bảo cho từng động tác, liệu con có thực hiện được không?
Đó là chưa kể đến những gia đình không có điều kiện sắm cho con điện thoại thông minh hay máy tính phục vụ cho việc học tập.
1s.jpg
Thiếu thốn thiết bị học tập cho con là một trong những khó khăn,
nhất là đối với học sinh lớp 1.

 Cần sự hỗ trợ của phụ huynh

Cô Vũ Thị Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Bích Sơn (Việt Yên - Bắc Giang) cho rằng, để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, phụ huynh phải đồng hành cùng giáo viên để hỗ trợ các con trong suốt buổi học. 
"Các cháu phải học buổi tối vì ban ngày phụ huynh đi làm, lớp 1 các con chưa thể sử dụng được phương tiện học online. Trong quá trình học, phụ huynh sẽ là người hỗ trợ con học các kĩ năng ở lớp 1 như nghe, nói, đọc và ý thức tự giác học tập", cô Huệ chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TP.HCM), tâm sự: Dạy lớp 1, giáo viên thường theo sát các con, cầm tay hướng dẫn. Giờ học ở nhà, để có buổi học hiệu quả, trước hết phụ huynh phải học với con, nghe bài giảng cùng con và làm bài cùng con. Dạy học online bài bản, hiệu quả thì phần lớn phụ thuộc vào sự hợp tác tốt giữa phụ huynh và giáo viên.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Lâm (Long Biên - Hà Nội), tâm sự, năm học này thật sự là năm học có nhiều khó khăn, vất vả không chỉ đối với các con lớp 1, mà ngay cả đối với giáo viên dạy lớp 1 cũng vậy. Bởi vì hầu như hơn năm qua các con học ở bậc học mầm non phải nghỉ học do dịch bệnh, nên không được dạy để biết mặt chữ cái, nhiều học sinh không đạt chuẩn đầu ra được quy định tại Thông tư số 23/2010/TT-BGDĐT ngày 22/7/2010 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy định về Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.
Quy định các con phải đạt chuẩn thuộc lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và giao tiếp là nhận dạng được chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và chuẩn thuộc lĩnh vực phát triển nhận thức  là nhận biết con số phù hợp với số lượng trong phạm vi 10.
Theo tâm sinh lý của học sinh lớp 1, các con đang chuyển từ hoạt động vui chơi ở cấp học mầm non sang hoạt động học ở cấp học tiểu học, không còn được tự do thoải mái như trước, nếu học trực tuyến sẽ rất khó kiểm soát, uốn nắn các con theo nề nếp.
Cô Huyền chia sẻ, điều chúng tôi lo lắng nhất khi dạy trực tuyến là phụ huynh phải có đủ điều kiện, phương tiện để cho các con học. “Nếu không có sự tham gia của cha mẹ học sinh, thì kết quả không thể như mong muốn, thậm chí, sẽ khó thành công. Vì vậy, chúng tôi rất mong phụ huynh  quan tâm và đồng hành cùng giáo viên trong việc hướng dẫn con học tập”, cô Huyền nhấn mạnh.
Để dạy học trực tuyến hiệu quả, theo cô Huyền, thầy cô phải xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, nắm chắc hoàn cảnh, điều kiện của từng học sinh, phụ huynh học sinh để có kế hoạch, chương trình cụ thể cho từng học sinh, phụ huynh với trang thiết bị công nghệ, thời gian hiệu quả nhất trong ngày để phụ huynh tham gia học tập cùng con.
 
Không tạo áp lực cho học sinh
Đứng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cấp giáo dục tiểu học năm học 2021-2022.
Theo đó, các cơ sở tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến.
 
Thời gian đầu, dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành GD-ĐT xác định, dạy học trực tuyến trở thành việc lâu dài.
Dù Bộ GD-ĐT cho phép dạy học trực tuyến ngay từ đầu năm học với lớp 1, nhưng không ít địa phương chưa áp dụng hình thức này với lý do không yên tâm về chất lượng.
Thiếu thốn thiết bị học tập cho con là một trong những khó khăn, nhất là đối với học sinh lớp 1.
 
Giáo viên phải được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến; cha mẹ học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà.
Thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, không gây áp lực đối với học sinh. Ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định.
Phối hợp cùng phụ huynh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” đã được Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng để giúp các học sinh lớp 1 học phần học vần.
Cùng đó, hướng dẫn giáo viên sử dụng các bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” để gửi bài giảng đến phụ huynh để cùng hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể của gia đình.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề cập đến mục tiêu “chuyển sang trạng thái bình thường mới” của ngành Giáo dục, nhằm thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực, để duy trì việc dạy và học.
Bộ GD-ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học, từ đó, các địa phương triển khai sao cho linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đặc biệt, cần tận dụng “thời gian vàng” để dạy trực tiếp các nội dung cốt lõi, căn bản. Khi bắt đầu những ngày đầu tiên của năm học thì nên đi ngay vào dạy chương trình cốt lõi này.
 
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Thứ trưởng Bộ GD-ĐTHoàng Minh Sơn cho biết, trước khi vào năm học mới, ngành Giáo dục đã bàn kỹ vấn đề trọng tậm là đảm bảo chất lượng dạy và học trong bối cảnh dịch. Tinh thần được xác định là "linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp, công cụ để thích ứng trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, có thể diễn biến phức tạp".
"Việc dạy và học trong thời gian thực hiện giãn cách, cách ly thì tận dụng các phương tiện điện tử, truyền hình, lớp học ảo, học từ xa... Dù khó khăn đến đâu vẫn phải đảm bảo chất lượng. Nơi nào có điều kiện học trực tiếp tại nhà trường thì tổ chức dạy và học đảm bảo an toàn" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Bộ cũng đã tổ chức tổng kết đối với từng bậc học, có chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cho từng bậc học; có công điện hướng dẫn, chuẩn bị công tác dạy và học, việc khai giảng...
Tuy nhiên, việc dạy và học qua các phương tiện trực tuyến cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Việc dạy và học qua các ứng dụng trực tuyến có ưu điểm là tương tác thời gian thực giữa thầy cô và học sinh, nhưng việc tổ chức khó khăn, nhất là thiếu thiết bị và thiếu đường truyền. Nếu chỉ 10% trên tổng số 2 triệu học sinh cùng trực tuyến học thì khó đảm bảo về đường truyền.
Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng, chuẩn bị kho học liệu lớn trên mạng, tận dụng các bài giảng, bài học điện tử; phát trên các kênh truyền hình như VTV1, VTV2, VTV7... Với những học liệu đó, nơi nào không có điều kiện về đường truyền, học trực tuyến thì thầy cô gửi cho học sinh qua mail, zalo... cùng với các tài liệu hướng dẫn học tập.
"Việc đảm bảo chất lượng dạy và học trong bối cảnh dịch không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà còn cần sự chung tay của xã hội, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương và gia đình, nhất là về phương tiện, thiết bị dạy và học" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top