Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 2 năm 2019 | 11:17

Hội nghị 5 cường quốc hạt nhân tại Trung Quốc có gì đáng chú ý?

Với việc Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF, Hội nghị 5 cường quốc hạt nhân diễn ra tại Trung Quốc với nhiều bất đồng và tranh luận gay gắt.

Đại diện 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng là các cường quốc hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, vừa nhóm họp tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) trong 2 ngày nhằm thảo luận về tiến trình giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

 

hoi nghi 5 cuong quoc hat nhan tai trung quoc co gi dang chu y? hinh 1
Ảnh minh họa của Yorkshire CND về Hiệp ước INF.

 

Trong bối cảnh Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khiến quan hệ Nga - Mỹ đặc biệt căng thẳng, cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí tranh luận gay gắt, với nhiều bất đồng giữa các bên.

Cứ trong vòng 5 năm, sẽ có 3 hội nghị giữa các cường quốc hạt nhân để xem xét thay đổi, điều chỉnh Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cho phù hợp tình hình thế giới. Và đây là cuộc họp thứ 3 để tiến tới Hội nghị đánh giá tổng thể vào năm 2020.

Theo thông tin từ nước chủ nhà Trung Quốc, Hội nghị nhóm P5 đã đạt được 3 nhận thức chung quan trọng: 5 nước cam kết sẽ gánh vác trách nhiệm chung đối với hòa bình và an ninh quốc tế; 5 nước cam kết cùng bảo vệ cơ chế Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT); 5 nước cam kết tiếp tục duy trì đối thoại phối hợp thông qua khuôn khổ hợp tác giữa 5 cường quốc hạt nhân.

Tại hội nghị lần này, phái đoàn Trung Quốc, do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trương Quân dẫn đầu, nhấn mạnh NPT là hòn đá tảng của hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân (VKHN) toàn cầu; năm cường quốc cam kết thực thi toàn diện NPT. P5 thỏa thuận cố gắng đạt tiến bộ hơn nữa trong giải trừ VKHN, giải quyết vấn đề không phổ biến VKHN thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân. P5 cũng sẽ tăng cường trao đổi ý kiến về các chính sách và chiến lược hạt nhân nhằm ngăn ngừa các nguy cơ hạt nhân gây ra do hiểu hoặc đánh giá sai ý định của nhau.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị rút khỏi một hiệp ước khác là Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, thông tin từ phái đoàn Nga, do Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov dẫn đầu, cho biết tại hội nghị lần này, Moscow và Washington đã không đạt được tiến bộ nào trong tranh cãi về INF.

Mặc dù không thể giúp Mỹ và Nga tìm kiếm các biện pháp hóa giải những bất đồng xoay quanh Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, nhưng hội nghị được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho việc đánh giá lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào giữa năm 2020.

Trung Quốc hiện là nước điều phối luân phiên của cơ chế hợp tác giữa 5 cường quốc hạt nhân gồm Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Trung Quốc, do vậy, trước tiên, Trung Quốc muốn thông qua hội nghị lần này thể hiện vai trò dẫn dắt, dàn xếp để các bên có thể đi đến những nhận thức chung trong việc giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều này khá là có ý nghĩa trong bối cảnh hội nghị năm 2015 đã không thành công khi không đưa ra được kết luận cho tuyên bố chung có nội dung thực chất. Có nhận định cho rằng, nếu hội nghị năm 2020 tiếp tục thất bại, nỗ lực chống phổ biến hạt nhân sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Ngoài ra, Trung Quốc luôn muốn thể hiện và khẳng định vai trò cũng như trách nhiệm nước lớn trong các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã phát biểu trước khi 5 nước nhóm họp tại Bắc Kinh rằng thực trạng an ninh quốc tế ngày một bất ổn và thiếu tính chắc chắn khiến "quan hệ và trách nhiệm nước lớn" trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại hội nghị, Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục cố gắng xây dựng đồng thuận và kiểm soát khác biệt giữa năm cường quốc hạt nhân về an ninh chiến lược, thúc đẩy hợp tác cùng thắng, đóng góp vào hòa bình và ổn định của thế giới.

Trung Quốc muốn thông qua hội nghị lần này gửi đi thông điệp rằng trong những thời điểm quan trọng đe dọa đến an ninh thế giới, đối thoại sẽ giúp các bên hiểu nhau hơn và giúp thúc đẩy xây dựng lòng tin, sự phối hợp cần được thay thế cho sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Đối phó với các thách thức an ninh quốc tế với thái độ tích cực sẽ giúp tăng cường niềm tin của cộng đồng quốc tế vào môi trường an ninh toàn cầu./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Về Điện Biên những ngày đầu tháng 3, chủ ý đi ngắm hoa ban trắng và tham quan vùng đất anh hùng, nhưng đi loanh quanh thế nào lại gặp nhân duyên, đó là bà chủ farm Nguyễn Thị Lan Hương, người sáng lập Cara Farm ở bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

Top