Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 7 năm 2021 | 15:45

Kênh rạch toàn TP. HCM 10 năm nữa sẽ hồi sinh

TP. HCM thực hiện hàng loạt giải pháp với mục tiêu vào năm 2030, tất cả kênh rạch sẽ hồi sinh thông qua việc 100% nước thải sinh hoạt, sản xuất được xử lý đạt chuẩn.

Ngoài kênh rạch đang ô nhiễm nặng - cá tôm không thể sinh sống - ở TP. HCM, có không ít kênh rạch được cho là đã phần nào hồi sinh với màu nước trong xanh nhưng cứ đến hẹn cá tôm lại đua nhau… phơi bụng.

Nắng sống, mưa chết vì đâu?

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn chảy qua địa bàn quận 6, TP HCM), cả năm qua nước bắt đầu trong, nhiều đàn cá bơi lội. Nhưng đó là chuyện của những ngày nắng, còn vào những ngày mưa, bầy cá đang khỏe mạnh bỗng thoi thóp trồi lên mặt nước. Đặc biệt ở đoạn kênh gần đường Võ Văn Kiệt, cứ mưa xuống là cá nổi trắng bụng.

Tương tự, mấy năm gần đây, con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn chảy qua quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình), năm nào cũng có 2, 3 đợt cá chết khi trời đổ mưa, khiến ai chứng kiến cũng không khỏi ngỡ ngàng. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM, cho biết mỗi lần mưa xuống công nhân phải vất vả xử lý cá chết ở các kênh lớn.

 

5-chot-1626789348443512296898.jpg
Mỗi lần mưa xuống, nhiều kênh rạch vừa được cải tạo ở TP HCM lại xảy ra hiện tượng cá chết do nước thải đổ trực tiếp không qua xử lý

 

Có rất nhiều lý giải cho tình trạng trên. Ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm, lý do cá chết cơ bản được xác định là do nước thải sinh hoạt tích tụ từ hệ thống cống gặp mưa đã đổ trực tiếp ra kênh, cộng với rác thải từ rạch Ruột Ngựa (quận 8) đổ vào làm gia tăng nồng độ ô nhiễm. Tương tự, lý do cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, giải thích do rác thải, hóa chất từ hệ thống ống cống đổ ra kênh khi mưa lớn đã che phủ mặt nước làm lượng ôxy giảm, kết hợp lớp bùn chứa nhiều khí độc tích tụ dưới đáy lâu ngày bị sục lên hòa tan trong nước, gia tăng ô nhiễm. Hai yếu tố đó làm thay đổi đột ngột môi trường sống khiến cá chết đồng loạt.

Vậy do đâu nước thải có thể dễ dàng hòa vào nước kênh? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trọng Thứ, Giám đốc Công ty Xây dựng Phú Thịnh, nói hàng trăm công trình mà công ty ông tham gia thiết kế hay thi công, đều có một điểm chung, đó là hệ thống nước thải sinh hoạt đều đấu nối trực tiếp ra ống cống công cộng, từ đó đổ ra kênh rạch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hà, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 4 (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP HCM), nói thêm nhiều năm nay ông luôn ám ảnh mỗi khi nạo vét cống trên đường có các quán ăn, quán nhậu. Bởi tất cả chất thải từ đồ chế biến lẫn đồ thừa đều đổ xuống cống. "Chừng một tháng không nạo vét là nước, chất thải tạo mùi hôi thối nồng nặc. Nước thải này mà đổ ra kênh thì đến lươn còn chết chứ huống chi cá tôm" - ông Hà bức xúc.

Qua đây, ông Hà mong muốn thành phố ngoài việc sớm đầu tự hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung thì cũng cần bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghiêm việc xử lý nước tại nơi sản xuất. Ngoài ra về lâu dài, cần hình thành các cụm xử lý nước thải mang quy mô khu phố, cụm dân cư để đỡ tốn sức và tiền của cho công tác nạo vét kênh rạch, xử lý bùn do chất thải tích tụ.

Mục tiêu 9 năm xử lý 90%

Theo Sở Xây dựng TP HCM, tính đến thời điểm này, tổng lượng nước thải toàn bộ TP mỗi ngày là hơn 3 triệu m3, trong khi hiện chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, gồm Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 131.000 m3/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa đạt 30.000 m3/ngày và Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát đạt 131.000 m3/ngày. Như vậy, có đến 90% lượng nước sinh hoạt và sản xuất sẽ được đấu nối đổ ra kênh, rạch và chảy trực tiếp ra môi trường.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Xây dựng cho hay đang đẩy nhanh việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng các nhà máy xử lý nước thải với mục tiêu năm 2025, thành phố phải hình thành thêm 12 nhà máy xử lý nước thải. Các dự án mời gọi đầu tư có thể kể đến gồm nhà máy Tây Sài Gòn công suất 150.000 m3/ngày, nhà máy Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m3/ngày; nâng cấp, mở rộng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (Nhà máy Xử lý nước thải Bình Tân) công suất 180.000 m3/ngày…

 

kenh-nhieu-loc-thi-n-02.jpg
Rác dưới dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chủ yếu là rác sinh hoạt do người dân thải ra. Từ vỏ chai nhựa, bao nylon quăng xuống dòng kênh.

 

Song song đó, Sở Xây dựng sẽ tập trung điều chỉnh các nhà máy Tây Sài Gòn (công suất 150.000 m3/ngày), Tân Hóa - Lò Gốm (công suất 300.000 m3/ngày), Bình Tân (công suất 180.000 m3/ngày) thành một nhà máy tại Bình Hưng Hòa để đầu tư. "Việc này dự kiến hoàn tất vào năm 2030, khi đó toàn bộ nước thải đô thị sẽ được thu gom và xử lý. Chất lượng nước khi thải ra đạt tiêu chuẩn A - tức có thể các loài nhạy cảm với sự thay đổi môi trường nước như cá có thể sống được" - Sở Xây dựng TP HCM kỳ vọng.

Tuy nhiên, cũng theo Sở Xây dựng, chi phí đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cũng như chi phí bảo dưỡng khá lớn nên để giải quyết bài toán một cách căn cơ, vừa qua, UBND TP đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Theo đó, tính từ năm 2022 người dân mua nước sinh hoạt phải đóng luôn cả tiền xử lý nước thải, số tiền này nhằm bảo đảm nguồn kinh phí bảo dưỡng và giảm việc sử dụng tiền ngân sách trong hoạt động đầu tư, xử lý nước thải.

Đầu tư thiết bị hiện đại để vớt rác trên kênh rạch

Thời gian qua, Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở GTVT TP.HCM) phối hợp với Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn đã vận hành thiết bị công nghệ mới trong việc thu gom rác, vớt rác trên kênh và đã mang lại nhiều hiệu quả.

Theo Trung tâm Quản lý đường thủy, sau thời gian triển khai thực hiện vớt, thu gom rác trên tuyến Vàm Thuật – Trường Đai – Tham Lương đã có những kết quả ban đầu hết sức khả quan. Kết quả hiện nay không còn tình trạng rác, lục bình, cây cỏ bịt kín lòng kênh hoặc kết thành mảng lớn gây tắc nghẽn trên luồng, nhờ đó giúp hạn chế phát sinh ruồi muỗi, mùi hôi do ô nhiễm vì ứ đọng lâu ngày, tạo môi trường sống trong lành. Dòng chảy trên tuyến được khơi thông, tăng lưu lượng nước dòng chảy làm cho tuyến sông được “gội rửa” nhiều hơn tạo ra dòng sông xanh trên tuyến Vàm Thuật.

Tăng dung tích chứa nước của sông tạo hồ điều tiết nước nhằm hạn chế ngập, tăng cường tiêu thoát nước trong khu vực. Giao thông đường thủy nội địa được đảm bảo thông suốt. Mang lại môi trường sống tốt hơn, tạo vẻ mỹ quan đô thị giúp thành phố trở nên tươi đẹp hơn Hiện nay, dự án đang được triển khai thí điểm trên tuyến sông Vàm Thuật – Trường Đai – Tham Lương với chiều dài tuyến khoảng 17 km, diện tích thực hiện hơn 900.000 m2.

Hoàn thành nạo vét trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Thời gian qua, dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ cầu Lê Văn Sỹ đến sông Sài Gòn được thực hiện khẩn trương, sau khi hoàn thành sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về môi trường sống dọc hai bờ kênh. Theo chị Lê Thị Thanh Thùy (quận 3, TP.HCM): sau khi tuyến kênh này được nạo vét, con kênh được trong xanh hơn, mùi hôi ít xuất hiện hơn vào những ngày nắng nóng. Ngoài ra, sau khi tuyến kênh rạch này được nạo vét, cải tạo xanh đẹp hơn thì người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. “Việc thực hiện cải tạo, nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là rất cần thiết.

baiprngchausotnmt-rackenhrachhinhbai_amzk.jpg
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. (Ảnh: NGUYỄN CHÂU)

 

Do hiện nay tình trạng ô nhiễm của các kênh, rạch rất trầm trọng. Vì vậy, ngoài kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP cần tập trung thực hiện các dự án cải tạo kênh, rạch khác để môi trường TP càng tốt hơn, đời sống của người dân được cải thiện hơn”, chị Thùy chia sẻ. Ngoài việc nạo vét, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện đang được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM thường xuyên vớt rác, ước tính mỗi ngày Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt khoảng 10 tấn/ngày, trong đó có cả lục bình và rác thải sinh hoạt. Nhờ thường xuyên duy trì công việc vớt rác trên kênh nên môi trường ở khu vực này cũng đã được cải thiện tốt hơn.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ phân chia vùng thoát nước thải, cụ thể, theo Sở Xây dựng TP HCM, TP sẽ sử dụng hệ thống cống chung cho khu vực nội thành hiện hữu (kết hợp sử dụng giếng tách dòng và hệ thống cống bao để tách và thu gom nước thải) và hệ thống thoát nước riêng cho các khu đô thị mới. Riêng khu vực có mật độ dân số thấp (dưới 200 người/ha) sẽ phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải theo từng cụm dân cư nhỏ.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ phân vùng thoát nước thải, trong đó khu vực có mật độ dân cư tập trung cao bao gồm khu nội thành hiện hữu và khu nội thành phát triển; các khu đô thị mới sẽ phân chia thành 12 lưu vực thoát nước thải.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top