Chiều 24/3/2017, Bộ Y tế chính thức khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Tham dự buổi lễ có sự góp mặt của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo nhiều cục, vụ ngành y tế, các tổ chức phi chính phủ...
Sau hơn 30 năm triển khai, chương trình tiêm chủng mở rộng đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh ở nước ta và được người dân hưởng ứng, tham gia một cách tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dịch vụ tiêm chủng cũng đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý đối tượng do biến động dân số, người dân thay đổi chỗ ở. Việc theo dõi lịch sử tiêm chủng của con em mình, đặc biệt trong những năm gần đây khi mà mỗi đối tượng được tiêm nhiều loại vắc-xin trong suốt cuộc đời mình theo hình thức tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Những khó khăn này đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc quản lý, thống kê, báo cáo và chỉ đạo điều hành công tác tiêm chủng.
Để khắc phục những khó khăn này, từ cuối năm 2015 đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng, triển khai áp dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia. Hiện nay, hệ thống này đã triển khai thí điểm ở 5 tỉnh thành phố và sẽ được tiến hành nhân rộng trên toàn quốc vào tháng 6 năm 2017.
Với ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng, sự cần thiết của hệ thống, mong muốn sớm được triển khai trên phạm vi toàn quốc, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/3, Bộ Y tế tổ chức lễ khai trương Hệ Thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Các đại biểu bấm nút khai trương hệ thống
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Công tác tiêm chủng gặp nhiều khó khăn, thách thức, làm thế nào để tăng cao nhận thức của người dân, của các bậc cha mẹ về tầm quan trọng của tiêm chủng đối với sức khoẻ của con em mình, cũng như quản lý các đối tượng tiêm chủng đang trở thành thách thức với toàn bộ hệ thống. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu trẻ em ra đời, nhưng còn những trẻ em trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ, chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa, các bản làng…Do đó nguy cơ bùng phát bệnh truyền nhiễm là rất lớn. Vì vậy, việc ứng dụng thông tin trong việc cung cấp thông tin về tiêm chủng, quản lý tiêm chủng, báo cáo, chỉ đạo điều hành là bước đột phá trong ngành y tế nói chung và công tác tiêm chủng nói riêng, nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác tiêm chủng”.
Góp mặt tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: "Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở, chuẩn bị tốt hơn nhân lực để hoàn thành kế hoạch đúng thời hạn". Đồng thời, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: Đây không chỉ là hệ thống tiêm chủng, mà là khởi đầu của hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho toàn dân mà bắt đầu từ trẻ nhỏ. Vì thế phải làm tốt và nghiêm túc ngay từ đầu.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi lễ
Bộ Y tế mong muốn Hệ thống được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước từ 2017. Các đơn vị tham gia công tác tiêm chủng từ trung ương đến địa phương triển khai áp dụng phần mềm Quản lý tiêm chủng Quốc gia, áp dụng toàn quốc từ ngày 1/6/2017 và đến ngày 1/6/2018 sẽ không còn sử dụng giấy trong tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc.
Tố Loan