Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 23 tháng 6 năm 2019 | 15:4

Khánh Hòa: Tăng cường kiểm soát tôm hùm nước ngọt

Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa chưa ghi nhận thông tin nào về sự xuất hiện của tôm hùm nước ngọt trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, Chi cục Thủy sản yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát chặt loại sinh vật ngoại lai nguy hiểm, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào nhập, buôn bán, nuôi loài tôm hùm nước ngọt. Hiện nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT chưa ghi nhận thông tin nào về sự xuất hiện của tôm hùm nước ngọt trên địa bàn tỉnh.
 
images5367419_tom_hum_nuoc_ngot.jpg
Trên địa bàn toàn tỉnh chưa phát hiện tôm hùm nước ngọt (ảnh báo Khánh Hòa)
 
Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, đây là loài động vật ăn tạp, có khả năng thích nghi cao với môi trường (có thể sống ở cả môi trường nước ngọt, nước lợ), nhanh chóng thiết lập quần thể tại nơi chúng xuất hiện. Đây là loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm, bởi chúng cạnh tranh môi trường sống, truyền bệnh cho các loài tôm bản địa. Do là loài ăn tạp nên loài này sẽ làm giảm quần thể thực vật thủy sinh, động vật không xương sống, động vật thân mềm, động vật lưỡng cư. Tôm hùm nước ngọt còn là loài có khả năng đào hang nên gây thiệt hại đối với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp… Nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận sự xâm lấn nguy hiểm của loài tôm hùm nước ngọt như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Kenya…
 
Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, mới đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo việc tăng cường kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt. Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, ban, ngành liên quan chủ động triển khai các biện pháp để kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt.
 
Phú Yên: Làm tốt công tác tuyên truyền PCCC rừng
 
Do thời tiết nắng nóng kéo dài, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 19,7ha. Với thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, nguy cơ cháy rừng rất cao, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
rung190620.jpg
Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra rừng trong những ngày nắng nóng (ảnh báo Phú Yên)
 
Ông Nguyễn Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh, cho biết: Hiện nay là mùa khô, nhiều khu vực rừng trên địa bàn huyện có nguy cơ cháy rất cao, để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng, ngay từ đầu năm, huyện Sông Hinh đã xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cho từng khu vực, từng địa phương. Từ kế hoạch này, các địa phương và chủ rừng đã chủ động triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng.
 
Theo Ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, đơn vị đã phân công lực lượng thường xuyên ứng trực trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, kiểm soát và nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong rừng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng có thể xảy ra.
 
Theo Sở NN-PTNT, hiện thời tiết nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao nên đơn vị đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các chủ rừng chủ động triển khai các phương án bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng.
 
Tuy Phước - Bình Định: Dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp
 
Từ một vài ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tháng 6.2019 tại xã Phước Thành, huyện Tuy Phước đến nay loại dịch bệnh này đã lây lan ra tại 7 thôn của 4 xã: Phước Thành, Phước Lộc, Phước An, Phước Nghĩa. Ngành chức năng của huyện Tuy Phước và chính quyền các địa phương đã tiêu hủy trên 250 con heo các loại. Trong số các xã xuất hiện dịch tả heo châu Phi, xã Phước Thành vẫn là địa bàn mà loại dịch bệnh nguy hiểm này diễn biến phức tạp nhất, nguy cơ lây lan ra diện rộng rất cao.
 
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Để hạn chế dịch bệnh lây lan, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức vệ sinh, phun thuốc tiêu độc sát trùng, rải vôi khu vực chăn nuôi và một số tuyến đường giao thông ra vào vùng dịch; vận động các hộ chăn nuôi không sử dụng thức ăn thừa tại các quán ăn, nhà hàng làm thức ăn cho heo trong thời điểm hiện nay. Đồng thời, hợp tác với thú y cơ sở và chính quyền địa phương trong việc phát hiện, báo cáo nhanh các trường hợp heo bệnh, chết để được hỗ trợ, hướng dẫn, phối hợp xử lý kịp thời.
 
Diễn biến DTLCP đang diễn ra rất phức tạp, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương tích cực vào cuộc quyết liệt để phòng chống và ngăn chặn DTLCP, bảo vệ đàn lợn đang được chăn nuôi tại các trang trại tập trung, xử lý triệt để tránh để dịch bệnh lây lan.
 
Mộ Đức – Quảng Ngãi: Đưa nhiều mô hình kinh tế mới về địa phương
 
Thời gian qua, UBND huyện Mộ Đức đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn đa dạng về các giống cây trồng, vật nuôi, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất tiến bộ, tạo diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.
 
images2212433_nuoiruoi.jpg
Ấu trùng hay còn gọi là sâu can xi từ mô hình nuôi ruồi lính đen giúp cung cấp lượng đạm phong phú trong chăn nuôi. (ảnh báo Quảng Ngãi)
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng cho hay: “Tất cả các mô hình được đầu tư năm 2019 đều dựa trên sự thành công từ các mô hình đã có. Với các mô hình mới, lãnh đạo huyện đã tính toán và chọn những địa phương có điều kiện thích hợp để thực hiện. Nếu thành công thì sẽ được nhân rộng ở các địa phương khác”.
 
Trong năm 2019, UBND huyện Mộ Đức đã trích hơn 1,1 tỷ đồng để triển khai thêm 6 mô hình khuyến nông mới. Trong đó, có mô hình nuôi ruồi lính đen, nuôi cá chình thương phẩm và trồng thử nghiệm rong nho.
 
Tháng 4 vừa qua, mô hình nuôi ruồi lính đen được triển khai đầu tiên tại một hộ dân ở thị trấn Mộ Đức. Đây được xem là một trong những mô hình khó, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao. Khi ruồi lính đen được nuôi sẽ sinh sản ra một loại ấu trùng có tên là sâu can xi. Loại sâu này có tỷ lệ đạm từ 40 - 47%, rất phù hợp cho việc nuôi các loại gia cầm, gia súc khác.
 
Là người trực tiếp thực hiện và theo dõi mô hình này, anh Nguyễn Thanh Quang - Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộ Đức cho hay: “Mô hình này được chúng tôi học hỏi từ huyện Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh). Loại ruồi này không gây hại, không gây ô nhiễm môi trường. Thức ăn chủ yếu của chúng là nước đường và ấu trùng sẽ ăn các loại trái cây để lớn. Vòng đời của loại ruồi này chỉ từ 45 - 50 ngày và sinh trưởng rất nhanh. Do đó, nếu muốn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thì đây là mô hình kết hợp hiệu quả để tăng lượng đạm trong chăn nuôi”.
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top