Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 7 năm 2020 | 14:27

Khát vọng thoát nghèo nơi vùng khó Mù Cang Chải

Những năm qua, NHCSXH huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tạo mọi điều kiện để người dân vùng khó được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, giúp đồng bào có thêm động lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

tr25.jpg
Được vay vốn chính sách, gia đình anh Lý A Tủa đã đầu tư mua 5 con dê sinh sản, đến nay, đàn dê đã sinh trưởng và phát triển được 35 con.

 

Điển hình vươn lên làm giàu

Gia đình anh Giàng A Dê ở xã La Pán Tẩn trước đây thuộc diện hộ nghèo. Với niềm đam mê làm du lịch, cùng với khát vọng làm giàu, năm 2017, anh vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Sau hơn 2 năm, đời sống của gia đình anh ngày càng được cải thiện, không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình anh thu về từ 30 - 40 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng. Đặc biệt vào cuối tháng 2/2020, Giàng A Dê đã tổ chức ra mắt Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hello Mù Cang Chải. Đây là công ty đầu tiên do thanh niên làm chủ được thành lập trên địa bàn huyện Mù Cang Chải về lĩnh vực kinh doanh du lịch homestay.

Bí thư xã đoàn Púng Luông Lý A Tủa cũng là một trong những điển hình vươn lên làm giàu thành công nhờ nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn. Anh Tủa cho biết: Năm 2017, gia đình tôi mạnh dạn vay NHCSXH 50 triệu đồng  đầu tư mua 5 con dê sinh sản. Đến nay, đàn dê đã sinh trưởng và phát triển được 35 con. Ngoài ra, gia đình còn có 5 con trâu, 9 con bò và gần 300 con gia cầm các loại. Sau khi xuất bán và trừ chi phí, gia đình thu lãi 50 - 60 triệu đồng/năm.

Cũng với 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện, anh Hờ A Dì ở xã La Pán Tẩn đầu tư mô hình nuôi dê (hơn 60 con), nuôi nhím (40 con). Bước đầu mô hình nuôi dê đã cho thu nhập. Mỗi năm anh Dì xuất bán 3 - 4 lần, với giá trung bình 2 - 4 triệu đồng/con.

Giúp 100% hộ nghèo được tiếp cận vốn vay

Mù Cang Chải là huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; có 13 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với hơn 95% đồng bào DTTS sinh sống; trong đó, chủ yếu là đồng bào Mông; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm hơn 63%, với 7.687 hộ.

Giám đốc NHCSXH huyện Bùi Văn Hóa cho biết: Với phương châm hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đơn vị đã truyền tải nhanh nhất nguồn vốn tín dụng đến các xã trên địa bàn huyện. Cùng với đó, tổ chức được 14 Điểm giao dịch xã, thị trấn hàng tháng tại trụ sở UBND xã và xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm phủ rộng trên tất cả 98 thôn bản, tổ dân phố.

Năm 2019, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện đạt gần 247 tỷ đồng, tạo điều kiện cho gần 1.600 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng dư nợ 246 tỷ đồng.

Cùng với đó, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các tổ hợp tác kinh tế mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo. Góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mù Cang Chải mỗi năm khoảng 7,5%.

Năm 2020, NHCSXH huyện Mù Cang Chải phấn đấu giúp 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách ở địa phương đủ điều kiện có nhu cầu đều được tiếp cận vay vốn. Để thực hiện được điều đó, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện tốt Nghị định 78 của Chính phủ về “Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác” và Chỉ thị số 40-CT/TW; tập trung huy động tốt mọi nguồn lực từ Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn khác để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn huyện..

 

 

Đăng quang
Ý kiến bạn đọc
Top