Những ngày tháng 6, Hà Tĩnh kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm. “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.
Khắc ghi lời dặn của Người, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), đưa bộ mặt nông thôn phát triển toàn diện, nổi bật trong cả nước, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.
Về làng ngỡ phố
Sau chuyến đi thực tế trở về, Chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh Trần Huy Oánh, người được mệnh danh là “tư lệnh” của phong trào xây dựng NTM, đã chia sẻ với tôi rất nhiều điều về hành trình 12 năm xây dựng NTM của tỉnh nhà.
Hà Tĩnh bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ tỉnh có điểm xuất phát thấp. Năm 2010, tiêu chí bình quân mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, có 183/235 xã đạt dưới 5 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23,8%; thu nhập bình quân đầu người 8,46 triệu đồng/năm.
Đến nay, Hà Tĩnh có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 174/182 xã đạt chuẩn NTM; 44 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2021 đạt gần 36,5 triệu đồng.
“Chương trình MTQG xây dựng NTM được cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh xác định rõ ngay từ đầu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho xây dựng NTM. Nhờ đó, kết quả đạt được toàn diện, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn, việc thực hiện chương trình ngày càng đi vào chiều sâu”, ông Oánh khẳng định.
12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật. Người dân cả nước biết thêm về Hà Tĩnh - một địa phương có tinh thần “quyết liệt, bài bản”, với những phong trào hiến đất mở đường, “ngày thứ 7, chủ nhật về xây dựng NTM”…
Làng quê Hà Tĩnh sau công cuộc kiến thiết xây dựng NTM đã có nhiều vùng “về làng ngỡ phố”. Những con đường, ngõ xóm lầy lội bùn đất năm nào nay đã được bê tông hóa hoặc thảm nhựa phẳng lỳ. Cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo, đời sống văn hóa tinh thần vùng nông thôn.
Là phóng viên thường trú tại địa bàn, tôi đã đồng hành cùng phong trào NTM của Hà Tĩnh ngay từ những ngày đầu, đúng là nhiều miền quê đã thật sự lột xác ngoạn mục khi có Chương trình xây dựng NTM, cuộc sống của người dân bây giờ không chỉ ăn no mặc ấm mà còn ăn ngon mặc đẹp.
Về Hương Trà (Hương Khê) hôm nay, khó có thể nhận ra xã miền núi năm nào nay đã xanh mướt những đồi chè, sum suê vườn cây ăn trái và những tuyến đường bê tông rộng, dài đến tận ngõ xóm. Các thôn xóm, làng mạc với những khu dân cư khang trang đã trở thành điểm tham quan, học tập của hàng ngàn đoàn khách trong và ngoài nước. Tất cả đã tạo nên bức tranh sống động với gam màu tươi mới, minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân Hương Trà trong hành trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM (năm 2014), xã NTM nâng cao (2019) và xã NTM kiểu mẫu năm 2020.
“Người sống ở quê thì ra sức thi đua lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Con em xa quê thành đạt luôn một lòng hướng về quê hương bằng tình cảm, trách nhiệm và những đóng góp thiết thực trong xây dựng kết cấu hạ tầng, phong trào khuyến học, khuyến tài, các hoạt động văn hóa, thể thao....”, cụ Trần Văn Ba ở thôn Nam Trà (Hương Trà) tự hào nói.
Nông dân giàu có hơn
Phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh.
Với lợi thế ven đô, xã Tượng Sơn (Thạch Hà) được biết đến là vựa rau lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, chuyên cung cấp rau xanh cho thị trường thành phố Hà Tĩnh. Đặc biệt, qua Chương trình xây dựng NTM, người dân Tượng Sơn đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đưa khoa học kĩ thuật, chọn giống, cải tạo đất, thâm canh đạt năng suất cao. Đến cuối năm 2021, Tượng Sơn có mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 54 triệu đồng/năm, cao nhất trong nhóm các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của tỉnh.
Đến nay, toàn xã có 4 vùng sản xuất rau củ quả tập trung có diện tích từ 2ha trở lên, trong đó 3 vùng đã lắp đặt hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước, sản xuất chuyên canh trong năm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng đó là hơn 500 vườn hộ trồng rau màu, chăn nuôi gà, vịt có thu nhập từ 40 đến 120 triệu đồng/năm. Sản phẩm rau, củ, quả của Tượng Sơn đã được cấp chứng chỉ VietGAP, được đối tác là các siêu thị, công ty cung ứng rau quả trong và ngoài nước tìm đến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) có ra Quyết định số 18138/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tượng Sơn rau củ quả sạch huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh”.
Thấy tôi băn khoăn, ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, chia sẻ, để có thu nhập bình quân đầu người trên 54 triệu đồng/năm thì thu nhập từ vườn hộ của người dân Tượng Sơn chưa phải là thu nhập chính. Với sự năng động, nhạy bén thị trường và lợi thế ven đô, người dân Tượng Sơn còn có rất nhiều ngành nghề mang lại thu nhập cao như: thương mại dịch vụ, xây dựng, cơ khí, điện máy, xuất khẩu lao động và nuôi trồng thuỷ sản. Tượng Sơn đang có hơn 200 người đi xuất khẩu lao động, hằng năm đưa về khoảng 30 tỷ đồng. Đây là thu nhập chính để đưa con số thu nhập chung của xã lên trên 54,02 triệu đồng.
Trở lại câu chuyện với Chánh văn phòng điều phối NMT, ông Oánh tiếp lời, trong xây dựng NTM, Hà Tĩnh luôn giữ vững quan điểm “không dừng lại, không kết thúc” mà luôn củng cố, nâng cao các tiêu chí đã đạt, làm thực chất không đốt cháy giai đoạn, không làm hình thức. Việc thực hiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025 là minh chứng rõ nét khát vọng vươn lên của Hà Tĩnh.
Thời gian qua, dù tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM vẫn được duy trì, giữ lửa và thu về quả ngọt.
Ngoài 3 xã đã đạt xã NTM kiểu mẫu, 6 tháng đầu năm 2022, Xuân Thành, Thiên Lộc, Cẩm Bình, Thạch Hạ cũng cơ bản hoàn thành các tiêu chí để soát xét xã kiểu mẫu. Đó là niềm vui, động lực để Đảng bộ và Nhân dân các địa phương Hà Tĩnh tiếp tục phấn đấu trên chặng đường mới.
Chứng kiến hành trình đầy nỗ lực, với những thành quả kết tinh từ lao động sáng tạo, đoàn kết, một nhà báo như tôi, tin thời gian không xa, Hà Tĩnh sẽ là tỉnh NTM.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.