Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2022 | 15:2

Khát vọng Y Tý

Với khát vọng biến vùng đất núi thành khu du lịch sinh thái đầy bản sắc, ông Trần Văn Quảng ở xã Y Tý (Bát Xát - Lào Cai) đã từng bước hiện thực hóa thành công từ những cánh đồng rau trái vụ.

Thu tiền tỷ từ rau

Ông Quảng dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rau xanh mát mắt đang vào vụ thu hoạch. Những cây bắp cải, cải thảo, su hào, súp lơ, cà chua, củ cải, mầm đá... đủ loại cứ chắc nịch, to tròn, xanh mướt nơi rẻo cao.

 

9b.jpg
Ông Trần Văn Quảng (ngoài cùng bên trái) đang cùng bà con
thu hoạch rau mầm đá.

 

Gia đình ông Quảng gắn bó với nông sản từ 20 năm nay nhưng chủ yếu là chuyên thu mua các mặt hàng nông sản của bà con trong tỉnh Lào Cai về chế biến xuất khẩu. Đầu tư trực tiếp sản xuất là kế hoạch lâu dài để gia đình ông có được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao và hơn nữa là chiến lược phát triển vùng du lịch sinh thái đậm bản sắc.

Y Tý là xã vùng cao biên giới, ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, Khí hậu mát mẻ như một Sapa thứ 2. Mùa đông, nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, trời sương giá, tuyết rơi. Vùng này vốn là nơi sinh sống của người Hà Nhì, Mông, Dao và Giáy với những nét văn hóa độc đáo đầy bản sắc. Tuy nhiên, bà con chủ yếu trồng ngô, lúa, thu nhập không cao. Vài năm trở lại đây, Y Tý dần khai mở phát triển du lịch, lượng khách đến với Y Tý nhiều hơn nhưng vẫn chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh sẵn có.

Sau khi nghiên cứu và được tư vấn, ông Quảng nhận thấy Y Tý là nơi lý tưởng, rất thích hợp cho cây vụ đông sinh trưởng, phát triển, nhất là khi huyện Bát Xát, xã Y Tý đang khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, đồng bào các dân tộc tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp. Với 20ha, ông  Quảng tiên phong phát triển mô hình nông nghiệp chất lượng cao kết hợp với dịch vụ du lịch, lấy chính sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho bà con địa phương và khách du lịch  đến với Bát Xát và Y Tý.

“Gọi là cây vụ đông vì những ở vùng khác chỉ trồng được ở điều kiện thời tiết mùa đông, nhưng ở Y Tý thì có thể trồng quanh năm. Chúng tôi phát triển mô hình kết hợp khép kín: rau, các loại cây, con đặc sản (các loại rau cải, khoai sâm, quả hồng, lợn bản, gà đồi, vịt bản giống địa phương...). Khách đến với Y Tý sẽ được thưởng thức món ăn đặc sản tươi, sạch, ngon từ chính khu vườn của người dân. Những phụ phẩm của rau củ có thể tận dụng để chuyển sang chăn nuôi để giảm chi phí, tăng thu nhập. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng 100% lao động địa phương để bà con có việc làm, thu nhập ổn định, đồng thời nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, dần thay đổi từ cách làm nông nghiệp truyền thống, không phù hợp sang nông nghiệp kết hợp thương mại, dịch vụ.

Ngoài diện tích làm đường sá, nhà xưởng, hồ ao, trồng cây ăn quả..., còn lại hơn 10ha đất được trồng rau. Với 1ha trồng 2 vụ/năm, bán giá 10.000 đồng/kg, chúng tôi thu về 600 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 400 triệu đồng/năm”, ông Quảng cho biết.

Hiện cơ sở của gia đình ông tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn chục nhân công với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. Đến thời vụ trồng hay thu hoạch phải thuê thêm khoảng 15-20 nhân công với mức thù lao 200.000 - 250. 000 đồng/người/ngày.

Ông Quảng kể, lúc đầu ông cũng gặp không ít khó khăn bởi nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, rủi ro lớn, khó về vốn hoặc có lúc được mùa thì rớt giá... Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng khu du lịch đã khiến ông quyết tâm vượt qua, tìm mọi cách khắc phục để gặt hái được thành công.

Hình thành thiên đường nghỉ dưỡng

Để du lịch Y Tý phát triển bền vững nhưng không mất đi vẻ đẹp tự nhiên; đồng thời, giúp người dân nơi đây giảm nghèo bền vững, huyện Bát Xát đang thực hiện chủ trương phát triển mạnh du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Dịch vụ homestay không chỉ là một sản phẩm du lịch đặc thù, một điểm lưu trú, khi đến đây, du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc và khám phá thiên nhiên, phong tục tập quán của người dân địa phương.

 

9a.jpg
Cánh đồng hoa cải là điểm check in yêu thích của nhiều du khách.

 

Ông Quảng đã sớm kiến thiết một khu du lịch sinh thái. Đứng ở cánh đồng vàng rực hoa cải, ông Quảng chỉ tay về phía ngọn đồi thoai thoải, nơi ông đang triển khai xây dựng khoảng 30 căn nhà trình tường được quy hoạch tại lưng chừng đồi với một khu nhà cộng đồng, nơi ông dự kiến mời những nghệ nhân trong cộng đồng các dân tộc địa phương đến sinh hoạt như: thêu, đan lát... giới thiệu các sản phẩm thủ công của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Ông Quảng bảo: “Ở Y Tý thì kiến trúc nhà trình tường của người Hà Nhì là phổ biến và độc đáo nhất. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và xây dựng theo đúng kiến trúc và bản sắc. Du khách đến nghỉ dưỡng sẽ được trải nghiệm cuộc sống đúng nghĩa của người dân địa phương trong môi trường và bản sắc văn hóa bản địa. Tại mỗi ngôi nhà trình tường có một mảnh vườn để các thành viên của gia đình du khách, các cháu học sinh thành phố được trải nghiệm cách trồng rau, hoa... Các cháu có thể quay lại khi vào mùa thu hoạch để hình thành tư duy nông nghiệp từ khi còn trẻ”.

Tuy hình dáng những ngôi nhà còn lụp xụp như bát úp, hiện mới được san nền nhưng ngắm nhìn cánh đồng hoa cải vàng rực dưới chân núi xanh lam, nắng như rót mật từ bầu trời xanh ngắt, tôi đã hình dung ra một bản làng nên thơ trên sườn núi, nép mình trong rừng lê trắng muốt hay hồng rực của đào xuân. Mùa quả chín, có thể đứng ở bậc thềm với tay hái quả, ra vườn tỉa những luống rau tươi non nhất hay đi dạo, trò chuyện với người dân bản địa bên những hàng rào rực rỡ hoa. Nhất định, tôi sẽ trở thành một trong những du khách đầu tiên trải nghiệm cuộc sống thanh bình ấy.

 

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Chuyện người Dao làm kinh tế

    Chuyện người Dao làm kinh tế

    Trên cung đường bê tông uốn lượn dưới chân đồi quế thẳng tắp vươn mình đón nắng, thôn Bỗng 2 xã Cam Cọn (Bảo Yên, Lào Cai) dần hiện hữu.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top