Sáng nay (12/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng cho biết, thông qua các diễn đàn VBF hằng năm và đặc biệt qua ý kiến phát biểu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ hôm nay, ông vui mừng nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đưa ra nhiều khuyến nghị, nhiều sáng kiến hay ở tầm vĩ mô lẫn vi mô để cùng Chính phủ định hình, xây dựng ngôi nhà chung Việt Nam ngày càng to đẹp.
Đánh giá cao đóng góp của VBF trong 20 năm qua và cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh ở thời điểm năm 2017 sắp đi qua, Chính phủ có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân. Nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua.
“Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội”, Thủ tướng cho biết và dẫn chứng, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay sẽ đạt mức kỷ lục trên 120 nghìn với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng; đồng thời có trên 25 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Thủ tướng bày tỏ, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam.
Điểm lại đánh giá của các tổ chức quốc tế về môi trường kinh doanh Việt Nam với xếp hạng ngày càng tăng, Thủ tướng nhìn nhận Việt Nam còn phải làm nhiều việc để tiếp tục cải thiện xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, hướng tới không chỉ nhóm đầu ASEAN mà các chuẩn mực cao của OECD, đặc biệt là kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tốt hơn, nhịp nhàng hơn như các đại biểu đã khuyến nghị.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã chỉ ra những xu hướng mới sẽ tác động đến phương thức, ý tưởng kinh doanh mới trong tương lai của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đầu tiên là sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của WB, hiện có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu và dự báo đến năm 2035, tỷ lệ này là khoảng 50%. Nghiên cứu của các tổ chức tư vấn uy tín cũng chỉ ra xu thế tương tự. Điều này sẽ thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới mà các doanh nghiệp cần năng động sáng tạo đón đầu.
Thứ hai là xu hướng thay đổi công nghệ trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo. Việt Nam là quốc gia có trên 52 triệu người dùng internet, chiếm trên 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối internet. Việt Nam cũng là nước kết nối di động cao với khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực với 8/10 người sử dụng điện thoại di động. Đây là nền tảng quan trọng, vừa là cơ hội lớn giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình đến lượng khách hàng tiềm năng lớn của Việt Nam.
Thứ ba, động lực tăng trưởng mới phải đến từ sáng tạo và các phát kiến.
Thứ tư, số hóa công tác quản lý và cung cấp dịch vụ. Thủ tướng cho rằng, chất lượng dịch vụ công hiện nay còn thấp, tệ quan liêu, cơ sở hạ tầng còn hạn chế đang thúc đẩy Chính phủ thực hiện số hóa dịch vụ công trên cơ sở công nghệ số, mã nguồn mở. Tất cả những điều này đều đang là động lực mới của tăng trưởng.
Thứ năm, cơ sở hạ tầng và tiến bộ công nghệ là chìa khóa cho hội nhập và chia sẻ phúc lợi.
Để cộng đồng doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề. Thứ nhất, Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế. Nhất là tính minh bạch. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ; lấy nền tảng con người và khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới.
Thứ hai, Chính phủ quyết tâm giữ vững ổn định vĩ mô, chính trị xã hội ổn định. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới đầy bất trắc và có nhiều biến động khó lường. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính, ngân hàng; xử lý nợ xấu; kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công; cải cách hệ thống thuế theo hướng hiệu quả trên tinh thần giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội. Đặc biệt, trong ngắn hạn, Chính phủ tiếp tục sử dụng linh hoạt các công cụ tài khóa và tiền tệ để nâng đỡ nền kinh tế, thúc đẩy việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.
Thứ ba, hiện Chính phủ đang tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, sự lành mạnh, an toàn và hiệu quả, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng; đảm bảo sự thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá. Sự thăng tiến xã hội là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoáy tích cực, thúc đẩy lẫn nhau giữa sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế. Chính cộng đồng doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là phương tiện để Chính phủ hiện thực hóa tầm nhìn và ước vọng, Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài những cam kết về hành động của mình, Chính phủ Việt Nam cũng đặt kỳ vọng về một lớp doanh nghiệp và một thế hệ doanh nhân mới. Trên thực tế phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. “Vậy làm sao để doanh nghiệp Việt Nam sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở của Chính phủ”, Thủ tướng chia sẻ và bày tỏ vui mừng khi gần đây tại Việt Nam xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Điều này cho thấy cơ hội trỗi dậy cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Chính phủ luôn khuyến khích tinh thần cạnh tranh công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp, mong muốn các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và khuyến khích áp dụng công nghệ quản trị hiện đại, hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn cao của OECD.
Thủ tướng nêu rõ và bày tỏ đồng tình với nhiều đại biểu rằng cái gì mà tư nhân làm được thì để tư nhân làm. Chính phủ kiến tạo môi trường đầu tư tốt cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế, tiếp tục cải cách đổi mới, không để thụt lùi về mặt chính sách trong quá trình hội nhập sâu rộng.
Chính phủ trân trọng và chào đón các nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam, nhưng không hoan nghênh các hoạt động làm ăn không chân chính. Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm, phá vỡ tính bền vững của môi trường tự nhiên, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội; sử dụng lao động bất hợp pháp trẻ vị thành niên; phân biệt đối xử, ít quan tâm đến quyền lợi người lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh chính cộng đồng doanh nghiệp là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới, và họ cũng sẽ là một động lực quan trọng, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo phát triển.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan tiếp thu các ý kiến tại Diễn đàn để tham khảo hoàn chỉnh các quy định pháp luật, các cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư; tin tưởng VBF sẽ tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và sự phát triển bền vững.
D.T
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.