Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 20 tháng 5 năm 2018 | 15:7

Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế

Sau 2 năm xảy ra sự cố môi trưởng biển tại 4 tỉnh miền Trung, Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm về các qui định xả thải.

Môi trường là một tam giác cùng với kinh tế, xã hội

Tháng 4/2016, sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, gây thiệt hại nặng nề về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản.

Sự cố này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của hơn 510.000 người dân.

Đã có nhiều ý kiến lo ngại sẽ phải mất nhiều năm sau mới khôi phục môi trường biển. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đến nay môi trường biển đã được khôi phục.

Nụ cười đã trở lại với ngư dân các làng chài miền Trung khi biển dần hồi phục, hải sản đã an toàn.

Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ đến thăm hỏi, nói chuyện cởi mở, chân tình với ngư dân tỉnh Quảng Trị, rồi mua cá mang về chế biến món ăn trong đêm để lại ấn tượng tốt đẹp.

Khi được Thủ tướng hỏi thăm, ngư dân Bùi Đình Sanh (ở thị trấn Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị) bộc bạch, thời gian khó đã qua, biển đã an toàn, nhiều khoản hỗ trợ của Nhà nước và tiền bồi thường đã giúp bà con đóng tàu to vươn khơi.

vov_thu_tuong_hoi_tham_tinh_hinh_va_mua_ca_tu_ngu_dan_vua_danh_bat_dpmx.jpg
Thủ tướng mua cá của ngư dân tỉnh Quảng Trị vừa đánh bắt. Ảnh: Vov.vn

 

“Sau khi xảy ra sự cố Formosa, Nhà nước hỗ trợ cho bà con ngư dân chúng tôi rất kịp thời. Bây giờ sắm thêm ngư lưới cụ và thuyền máy mở rộng sản xuất lớn, làm ăn phát triển. Bà con ngư dân có 2 nguyện vọng về mùa lũ có chỗ ẩn nấp và đề nghị nâng cấp cảng biển, tạo điều kiện mở rộng sản xuất”, ông Bùi Đình Sanh nói.

Sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển, vùng biển miền Trung trải qua những tháng ngày buồn bã. Người tiêu dùng quay lưng với hải sản. Bãi tắm hoang vắng đìu hiu. Thuyền lẻ bạn. Ngư dân bỏ biển đi khắp nơi tìm kế mưu sinh.

Bây giờ, môi trường biển được khôi phục, an ninh trật tự ổn định, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh Bắc miền Trung đã trở lại bình thường. Mọi người yên tâm dùng hải sản.

Hơn 6.400 tỷ đồng tiền bồi thường được chuyển đến tay các đối tượng thiệt hại tại 4 tỉnh Bắc miền Trung. Chính phủ cấp hơn 282 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng sự cố; hỗ trợ 190 tỷ đồng mua bảo hiểm y tế và học phí cho học sinh ở vùng biển bị thiệt hại; hỗ trợ đưa 32.000 người đi xuất khẩu lao động, tìm việc làm mới...

Nhớ lại những ngày vừa xảy ra sự cố môi trường biển, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, địa phương không mấy ai dám nghĩ rằng, sau 2 năm, môi trường biển sẽ phục hồi.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, ngày đó cả tỉnh lúng túng, lo ngại phải mất cả nhiệm kỳ cũng chưa thể khắc phục xong hậu quả.

Còn ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, thời điểm đó, nhân dân 64 xã ven biển của tỉnh bị ảnh hưởng hoạt động sản xuất tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự. Thiệt hại nghiêm trọng không phải ở những con số mà niềm tin của người dân suy giảm mới là điều lo ngại.

Theo ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, lúng túng nhất đối với địa phương là khâu thống kê, chi trả tiền đền bù bởi chưa có tiền lệ, khó xác định đối tượng thiệt hại.

“Khi chi trả đền bù, chúng tôi xác định đây là việc rất khó. Ngay từ ban đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định cần chỉ đạo nghiêm khắc và tuyên bố nếu bất cứ cán bộ nào vi phạm phải xử lý nghiêm. Nhiều nơi có khiếu nại, tố cáo thì chúng tôi cử cán bộ về trực tiếp đối thoại với dân để làm rõ. Có thể nói đó là một thành công”, ông Nguyễn Đức Chính cho biết.

Điều quan tâm lớn nhất của người dân hiện nay là nguồn thải từ hoạt động sản xuất của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có thực sự bảo đảm an toàn và liệu có xảy ra sự cố lần thứ hai?

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được 52 trong số 53 lỗi vi phạm về các qui định xả thải. Còn 1 lỗi vi phạm là phải chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô đang thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019.

Bộ này đã thành lập Hội đồng giám sát liên ngành để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải của Formosa Hà Tĩnh.

“Formosa Hà Tĩnh cam kết không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Nếu có sai phạm sẽ chịu xử lý và đóng cửa. Hoạt động của Formosa Hà Tĩnh đã và đang được Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổ giám sát liên ngành và tỉnh Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống quan trắc tự động về Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Tĩnh”, ông Võ Tuấn Nhân khẳng định.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa diễn ra ở tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định về bài học không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.

“Môi trường là một tam giác cùng với kinh tế, xã hội. Chúng ta phải giữ, một trụ cột của sự phát triển. Tất cả các địa phương phải giữ gìn môi trường, đặc biệt môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam. Từ sự cố Formosa, chúng ta nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển nước ta, phải làm tốt hơn không được ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

 

Nhập chất thải Formosa để sản xuất xi măng?

Mặc dù chưa được UBND tỉnh Quảng Bình cho phép, nhưng Công ty TNHH MTV Xi măng Sông Gianh (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) đã cùng Công ty TNHH Vận tải Thương mại Lê Nam (thị xã Ba Đồn) nhập chất thải dưới dạng tro bay từ Formosa về làm chất phụ gia trong sản xuất xi măng.

Từ đầu năm 2018, dư luận ở Quảng Bình xôn xao việc Công ty Xi măng Sông Gianh nhập chất thải của Formosa về làm chất phụ gia trong sản xuất xi măng. Tuy nhiên, khi làm việc với báo chí, lãnh đạo cả hai đơn vị trên đều phủ nhận việc nhập chất thải từ Formosa và nói chỉ nhập chất thải dạng tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng về làm chất phụ gia. Việc này theo lời 2 doanh nghiệp, được Chính phủ, các bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Quảng Bình cho phép. Để chứng minh, cả hai đơn vị đã cung cấp cho PV một số loại giấy tờ liên quan, đồng thời khẳng định: “Không nhập tro bay của Formosa vì nhạy cảm”.

15a_vmnn.jpg
Xe bồn của Công ty Lê Nam vào nhập tro bay ở Formosa. Ảnh: tienphong.vn

 

Theo những giấy tờ mà Xi măng Sông Gianh và Công ty Lê Nam cung cấp: Giữa 2 đơn vị này có một hợp đồng được ký vào ngày 21/8/2017 về việc mua bán tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, với khối lượng từ 10.000 - 15.000 tấn/tháng, đơn giá 185.000 đồng/tấn, đã bao gồm thuế VAT 10%. Ngoài ra, còn một bản công bố hợp quy của Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh (đơn vị có Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng) và công văn cho phép nhập tro bay từ Nhiệt điện Vũng Áng, do ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký ngày 1/8/2017.

Làm việc với ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xi măng Sông Gianh, ban đầu ông Thành phủ nhận việc nhập chất thải dạng tro bay từ Formosa. Tuy nhiên, khi PV cung cấp clip, hình ảnh, biển số xe… đồng thời đề nghị trích xuất camera, ông Thành mới đổ lỗi cho Công ty Lê Nam, cho rằng Công ty Lê Nam tự ý làm việc này, ông không hề hay biết. “Cuối tháng mới làm thủ tục xác nhận xuất xứ hàng hóa. Thực ra Sông Gianh không có lực lượng kiểm tra dọc đường… mình cũng đã nói với Lê Nam là không nên nhập từ Formosa” - ông Thành nói, đồng thời đề nghị PV giúp đỡ Nhà máy Xi măng Sông Gianh, bằng việc không viết bài.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Lê Nam thì chủ động tìm gặp PV để “trao đổi thông tin”. Tại cuộc gặp này, ông Hải thừa nhận là có chở “một ít xe” tro bay từ Formosa, vì tro bay của  Nhiệt điện Vũng Áng không đủ cung cấp cho nhà máy Xi măng Sông Gianh. Tại đây, ông Hải trưng ra một bản đăng ký công bố hợp quy sản phẩm tro bay của Formosa (tháng 10/2017) và công văn của Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép Xi măng Sông Gianh nhập tro bay của từ các nhà máy nhiệt điện làm phụ gia, do ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường ký ngày 13/2/2018.

Theo đó, Viện Vật liệu xây dựng, thuộc Bộ Xây dựng đã cấp giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm tro bay của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phù hợp quy chuẩn QCVN 16:2014/BXD. Giấy chứng nhận và dấu hợp quy có giá trị sử dụng từ ngày 1/9/2017 đến ngày 31/8/2020.

Ông Hải cho rằng, việc cả Nhiệt điện Vũng Áng và Formosa sử dụng bản hợp quy để bán trực tiếp sản phẩm tro bay ra thị trường là vi phạm các quy định hiện hành. Mỗi lô sản phẩm, đặc biệt là tro bay, trước khi xuất bán ra thị trường, ngoài chứng nhận hợp quy thì phải được kiểm nghiệm, để xem chất lượng có đúng với bản hợp quy hay không. Nếu không đạt chất lượng thì phải qua nhà máy có chức năng xử lí tro bay để loại bỏ những tạp chất và than đá cháy chưa hết. Tuy nhiên, lâu nay cả hai nhà máy nói trên đều bỏ qua bước kiểm nghiệm từng lô sản phẩm và cũng không qua nhà máy có chức năng xử lí.

Tại cuộc gặp, ông Hải nhiều lần xin PV tạo điều kiện bằng việc không viết bài. Theo ông Hải, việc nhập tro bay của Formosa ông cũng “không được mấy đồng” vì phải chia phần cho nhiều người, trong đó có “một số người ở Bộ Tài nguyên và Môi trường”?

Theo một chuyên gia trong ngành quản lí chất lượng, một sản phẩm hợp quy phải được kiểm nghiệm từ chất lượng nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, dây chuyền công nghệ… “Cụ thể như ở Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và Formosa, có thể dây chuyền công nghệ của họ ổn định, nhưng nguyên liệu đầu vào của sản phẩm tro bay, chủ yếu là than đá liệu có ổn định, hay hôm nhập của Việt Nam, mai nhập của Trung Quốc, ngày kia nhập của Indonesia… thì bản hợp quy có thời hạn 3 năm là chưa ổn. Ngoài ra, họ phải kiểm nghiệm từng lô sản phẩm mới được xuất bán ra ngoài vì tro bay là một loại hàng hóa đặc biệt” - vị chuyên gia này nói.

Theo một lãnh đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, năm 2017, Xi măng Sông Gianh có văn bản xin được nhập tro bay của Formosa làm chất phụ gia trong sản xuất xi măng. Tuy nhiên, sở này đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình là không cho phép vì nhạy cảm. “Formosa đã gây nhiều thiệt hại cho người dân Quảng Bình, nay cho nhập chất thải của Formosa nữa thì rất phức tạp, chứ chưa nói đến chất lượng của sản phẩm tro bay của họ như thế nào. Việc Xi măng Sông Gianh tự  ý nhập tro bay của Formosa mà không báo cáo để Sở Tài nguyên Môi trường giám sát định kỳ là vi phạm” - vị này nói.

 

Hang động triệu năm ở Thanh Hóa bị phá bán

Một doanh nghiệp ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa trong quá trình nổ mìn san núi để lấy đá đã phát hiện hang động tuyệt đẹp với nhiều thạch nhũ có giá trị nên đã âm thầm phá bán cho doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Trước vụ việc trên, lãnh đạo Tổng cục Địa chất và khoảng sản Việt Nam (Bộ TNMT) cho rằng, đây vụ việc xảy ra lần đầu trên quy mô khá lớn nên ngay sau khi nhận được thông tin mà báo phản ánh, cơ quan này đã lập đoàn công tác trực tiếp vào địa bàn để kiểm tra và xử lý vụ việc.

Nói về hướng xử lý vụ việc, lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, sau khi các thành viên của đoàn công tác vào địa bàn sẽ xem xét kỹ hồ sơ vụ việc và kiểm tra thực tế tình hình để có hướng xử lý cụ thể.

"Quan điểm của chúng tôi là sẽ phối hợp với địa phương làm nghiêm và chặt chẽ, ai sai đến đâu thì xử lý đến đó", vị này cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo này, cùng với việc kiểm tra xử lý vụ việc hang động bị tàn phá ở xã Hà Tân, đoàn công tác của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng sẽ rà soát và kiểm tra các địa bàn khác để có hướng ngăn chặn và bảo vệ kịp thời các hang động khác.

thanh-hoa-hang-dong-trieu-nam-bi-pha-ban_191058600.jpg
Hang động bị tàn phá cực kỳ nặng nề. Ảnh: Danviet.vn

 

Trao đổi về vụ việc, ông Nguyễn Minh Châu - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho hay: "Lẽ ra khi khai thác, nếu phát hiện hang động như thế này, chủ doanh nghiệp phải báo cho cơ quan quản lý, không được ém nhẹm thông tin.

Lãnh đạo Sở đã yêu cầu phòng chức năng của Sở ra công văn do tôi ký, tạm dừng mọi hoạt động khai thác tại khu vực có hang động, chờ chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hà Trung, UBND xã Hà Tân có trách nhiệm giám sát”.

 

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top