Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 3 năm 2018 | 20:41

Khuất tất trong KCB BHYT ở TT Y tế Phủ Lý: Cần câu trả lời thỏa đáng!

Dư luận băn khoăn khi kết luận gửi các cơ quan chức năng và văn bản gửi cơ quan báo chí của Sở Y tế Hà Nam về những khuất tất trong điều hành khám, chữa bệnh BHYT tại Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý lại không đồng nhất.

Liên quan đến việc 9 trạm y tế trên địa bàn TP. Phủ Lý thực hiện khám, chữa bệnh BHYT từ năm 2016 đến năm 2017 nhưng chưa nhận được tiền chi trả và một số sai phạm theo đơn thư phản ánh về ông Trương Mạnh Sức, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã có kết luận chính thức về vụ việc. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn khi kết luận gửi các cơ quan chức năng và văn bản gửi cơ quan báo chí lại không đồng nhất; có việc bao che, lấp liếm sai phạm ở Trung tâm Y tế mắc phải hay vì một động cơ nào khác (!?)
Trụ sở Sở Y tế Hà Nam.
 
Liên quan đến những thông tin báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, ngày 05/3/2018, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 156/QĐ-SYT về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập Tổ xác minh tố cáo. Mọi công việc xác minh tố cáo đều được làm rất khẩn trương, nhưng kết luận của tổ công tác vẫn không làm dư luận khỏi băn khoăn vì giữa văn bản gửi các cơ quan chức năng và văn bản gửi cho cơ quan báo chí lại không đồng nhất. Băn khoăn ở chỗ tại sao Sở Y tế lại báo cáo các cơ quan chức năng một cách cụ thể, chi tiết những tồn tại của phòng khám Trung tâm Y tế thành phố cũng như sai phạm của cá nhân ông Trương Mạnh Sức – đối tượng được hướng đến trong đơn thư phản ánh của bạn đọc. Trong khi đó thông báo gửi đến cơ quan báo chí có nội dung hết sức sơ sài, qua loa.
 
Cụ thể,  trong Văn bản số 190/KL-SYT, ngày 15/3/2018 gửi các cơ quan chức năng đưa rất nhiều thông tin chi tiết sự việc như: Từ 01/10/2017 đến 31/12/2018, tổng số lần khám bệnh và nhận thuốc tại Trung tâm của người nhà, người thân của ông Trương Mạnh Sức là 22 lần  (có đơn thuốc), so sánh với nhiều đơn thuốc khác (không bao gồm đơn thuốc có chẩn đoán bệnh tăng huyết áp và/ hoặc đái tháo đường), đơn thuốc kê cho người nhà ông Sức không phải là các đơn có tiền thuốc cao nhất. Đơn thuốc cao nhất có tiền thuốc là 292.600 VNĐ, trong khi đó, đơn cao nhất của bố, mẹ ông Sức có tiền thuốc là 251.440 VNĐ. So sánh với 24 đơn thuốc có giá trị tiền thuốc từ 200.000VNĐ đến 300.000VNĐ: Giá trị trung bình 01 đơn của 24 đơn trên là 227.796VNĐ; người thân của ông Sức có 06 đơn thuốc (trong tổng số 22 lần khám, chữa bệnh) với giá trị trung bình của 01 đơn thuốc là 235.106 VNĐ (chênh cao khoảng 3%)...  
 
Tuy nhiên, Văn bản số 197/TB-SYT ngày 15/3/2018 gửi các cơ quan báo chí chỉ đưa sự việc rất chung chung với số lần khám chỉ có 09 lần và không đề cập đến số tiền? Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến sự khác nhau giữa hai văn bản trên, phải chăng có sự nể nang, bao che?
20180320_105450-1_resized.jpg
Trụ sở Trung tâm Y tế TP Phủ Lý. 
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Kim, Chánh thanh tra Sở Y tế (được lãnh đạo giao làm việc với phóng viên) cho biết, tổ công tác làm rất công tâm, không nể nang bao che, sự việc đến đâu xử lý đến đó. Còn việc hai văn bản khác nhau là vì bệnh của bệnh nhân là bí mật của bệnh nhân, nếu bệnh nhân không cho phép thì không được cung cấp,…
 
Trong khi chờ câu trả lời thỏa đáng của Sở Y tế tỉnh Hà Nam và các cơ quan chức năng, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều thông tin từ phía bạn đọc chỉ ra các sai phạm của cá nhân ông Sức, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, các sai phạm này mang tính hệ thống, diễn ra nhiều lần.
 
Cụ thể, ông Sức được phân công chịu trách nhiệm về chuyên môn tại phòng khám Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý nhưng đã để xảy ra sai sót nghiêm trọng như: Để cho nhân viên dưới quyền thực hiện chức năng khám, chữa bệnh sai với quy định, trái thẩm quyền; những vấn này đã được nêu trong báo cáo giải trình ngày 31/8/2016 của Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý. “Tại phòng khám, y sỹ Lê Quang Thắng được phân công thực hiện y lệnh của bác sỹ ngoại khoa, da liễu, nhưng lại ký sang bốc khám nội; bác sỹ Nguyễn Quốc Thái khám răng cho 1 bệnh nhân nhưng nói là bệnh nhân bị mất răng số 1.2, 4.7, 4.8 mà vẫn kết luận bình thường thể hiện sự tắc trách trong hoạt động khám, chữa bệnh; nhiều bác sỹ khám chưa đúng với chứng chỉ hành nghề,...
 
Ngoài những trường hợp kể trên, bác sỹ Trương Mạnh Sức đã phân công nhân viên trực khám không đúng với chuyên môn. Cụ thể, vào thời điểm tháng 7/2016, bác sỹ Nguyễn Thành Huy, Đào Thị Tuyết Mai không có chứng chỉ hành nghề khám chuyên khoa Nội, nhưng lại được bố trí trực khám nội sản; điều dưỡng trung cấp Trần Anh Tuấn được phân công khám chuyên khoa Tai-Mũi-Họng và Răng-Hàm-Mặt; điều dưỡng trung cấp Đoàn Thị Thu không đủ trình độ nhưng lại được phép ký thay bác sỹ chuyên khoa Mắt… Bản thân bác sỹ Sức có chứng chỉ hành nghề nội khoa nhưng lại khám ngoại khoa và khám da liễu”.
 
Thật khó hiểu cho cách điều hành phòng khám của một vị bác sỹ có thâm niên trong nghề. Những công việc khám, điều trị chuyên khoa đòi hỏi phải có trình độ bác sỹ trở lên, phải được đào tạo bài bản, nhưng tại Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý, những công việc này lại được coi hết sức bình thường, tưởng như ai cũng có thể làm được. Dự luận cho đây là hành động liều lĩnh, coi thường sức khỏe của người bệnh, vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức nghề y. Liệu rằng, khi người bệnh biết được những thông tin sai phạm của bác sỹ Trương Mạnh Sức - phụ trách phòng khám, họ có còn muốn giao tính mạng, sức khỏe của mình tại đây hay không?
 
Mặc dù, cả hai văn bản số 190/KL-SYT ngày 15/3/2018 và số 197/TB-SYT ngày 15/3/2018 đều chỉ ra nội dung tố cáo có đúng, có sai và đã yêu cầu ban Giám đốc Trung tâm y tế TP. Phủ Lý nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc không xây dựng đề án vay tiền báo cáo Sở Y tế nhằm triển khai công tác khám - chữa bệnh BHYT. Đối với ông Phạm Đức Ngọc, Giám đốc kiểm điểm trách nhiệm trong việc không xây dựng đề án báo cáo Sở Y tế nhằm triển khai công tác khám, chữa bệnh BHYT; nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc thiếu sót trong việc: Phân công điều hành, quản lý các bác sỹ Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý tham gia khám, chữa bệnh BHYT; chậm chỉ đạo bộ phận kế toán thực hiện thủ tục chỉ tiêu kinh phí từ nguồn khám, chữa bệnh BHYT. Đối với ông Trương Mạnh Sức, Phó giám đốc nghiêm túc rút kinh nghiệm về thiếu sót trong việc theo dõi, chỉ đạo về công tác chuyên môn trong khám - chữa bệnh tại trung tâm….
 
Dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ Sở Y tế tỉnh Hà Nam. Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top