Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 9 năm 2020 | 13:20

Kích cầu du lịch trở lại

Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch quá nửa đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt, giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách du lịch nội địa đạt chỉ đạt 23 triệu lượt, giảm gần 50%. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã và đang là thách thức đối với doanh nghiệp du lịch.

Ảnh hưởng nặng nề

Ảnh hưởng vì dịch Covid-19 tính đến tháng 6 vừa qua, đã có 148 doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Dự báo từ nay đến cuối năm, số lượng doanh nghiệp đóng cửa vì khó khăn do dịch sẽ còn tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp lớn chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, số còn lại nghỉ không hưởng lương hoặc hưởng mức lương giảm đến 80%.

Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%, giảm mạnh so với công suất trung bình năm trước 52%, nhiều cơ sở lưu trú du lịch đặc biệt là cơ sở du lịch cao cấp phục vụ khách quốc tế vẫn tiếp tục đóng cửa…

 

du-lịch-covid.jpg
Đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch toàn cầu lao đao.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, để thích ứng với tình hình mới các doanh nghiệp du lịch cần có những định hướng, điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp.

Theo đó, cần tăng cường liên kết, xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch. Tiếp tục quan tâm đến thị trường ngách và thiết kế chương trình theo nhu cầu của từng nhóm khách hành; lựa chọn, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với thị hiếu mới của khách du lịch nội, đem lại sự tin cậy và tâm lý an toàn cho khách.

Đồng thời, bắt nhịp các xu hướng mới như tự đi du lịch, đi theo nhóm nhỏ, gia đình, người thân, đi bằng phương tiện cá nhân, quan tâm đến thiên nhiên, điểm đến còn hoang sơ… Đẩy mạnh việc cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp du lịch, xem xét các yếu tố nội tại bên trong, cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng năng động, tiết kiệm, hiệu quả.

“Rõ ràng là tiết giảm kinh phí chúng ta phải rà soát lại các quy trình phục vụ, tránh chồng chéo những chi phí không cần thiết, nhưng mà vẫn phải đảm bảo được chất lượng dịch vụ. Về Marketing rõ ràng là nhu cầu của khách du lịch họ đã thay đổi rất là nhiều, nên chúng ta sẽ thay đổi các biện pháp marketing truyền thống sang các biện pháp marketing online”, bà Hương nói.

“Chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì các mối quan hệ bạn hàng với cả nước ngoài, xây dựng các gói sản phẩm giá cả hợp lý phù hợp với nhu cầu của khách du lịch quốc tế. Để khi nào Chính phủ cho mở cửa trở lại, thì chúng ra tay vào việc ngay, để không có độ trễ”, đại diện Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.

Phố đi bộ Hà Nội tấp nập

Phố đi bộ Hà Nội bắt đầu hoạt động trở lại từ tối 18/9, ngay buổi đầu tiên các tuyến phố đã tấp nập, đông người qua lại.

 

pho-di-bo-hn.jpg

Phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm), hàng trăm thanh niên xếp hàng để vào bar, có rất nhiều người không đeo khẩu trang.

 

Chị Hà Thị Thu Thảo (30 tuổi, ở quận Cầu Giấy) cùng gia đình lên phố dạo chơi, cho biết chị thường lên phố tận hưởng không khí nhộn nhịp với nhiều trò chơi thú vị nên khi biết thông tin phố đi bộ được hoạt động lại chị đã lên đây sau khoảng thời gian ở nhà.

Tuy nhiên, nhiều người dân Hà Nội vẫn chưa chấp hành tốt việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Dịch tuy đã lắng xuống, nhưng người dân không vì thế mà lơ là, chủ quan.

Khách du lịch đến Quảng Ninh dịp cuối tuần tăng trở lại

Theo Sở Du lịch, 2 ngày cuối tuần trước, du lịch Quảng Ninh đón khoảng 4.000 lượt khách tham quan, tăng gấp 10 lần so với dịp cuối tuần trước đó, thời điểm chưa ban hành gói kích cầu du lịch 100 tỷ đồng theo Nghị quyết số 286 của HĐND tỉnh.

Trong đó, những điểm du lịch, di tích, danh thắng được miễn giảm vé tham quan theo gói kích cầu của tỉnh đều tăng như: Vịnh Hạ Long đón 2.500 lượt khách, Bảo tàng Quảng Ninh đón 1.000 lượt, Yên Tử đón 600 lượt.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã tích cực khôi phục trở lại các hoạt động, chủ động xúc tiến du lich, xây dựng sản phẩm kích cầu riêng từ nay đến cuối năm đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn phòng dịch để thu hút du khách.

Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng cho thấy, chính sách kích cầu được triển khai vào thời điểm này là kịp thời, phù hợp. Qua đó, khôi phục ngành du lịch, đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh để Quảng Ninh thực hiện thành công mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Mở lại 6 đường bay quốc tế

Mặc dù việc mở lại 6 đường bay quốc tế không áp dụng cho du khách nhưng DN du lịch nhìn nhận đây là tín hiệu ban đầu tích cực để ngành du lịch phục hồi.

Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour Trần Thế Dũng chia sẻ: Quyết định mở cửa lại đường bay quốc tế dù chưa thể tác động ngay nhưng vẫn là thông tin tốt cho thị trường du lịch bởi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 và sẽ mở cửa đón khách trở lại trong thời gian tới.

Trước thông tin Chính phủ cho phép nhập cảnh gồm các nhà ngoại giao, các chuyên gia đang thực hiện dự án tại Việt Nam, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước… Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng: Mặc dù Chính phủ chưa cho phép khách du lịch của Việt Nam tới các nước và ngược lại nhưng quyết định này đã mở ra cánh cửa hy vọng cho ngành du lịch được khôi phục. Chia sẻ việc chuẩn bị đón du khách quốc tế, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên cho biết, Saigontourist đã chuẩn bị các dịch vụ để có thể đón hãng du lịch tàu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam từ 3.000 - 5.000 khách. “Bất cứ khi nào Chính phủ mở cửa lại thị trường khách quốc tế là Saigontourist cũng sẵn sàng đón khách”- ông Yên khẳng định.

 

molaiduongbay.jpg

Nói về lợi ích với ngành du lịch khi 6 đường bay quốc tế mở cửa trở lại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Việc mở cửa đường bay quốc tế sẽ nâng cao hình ảnh Việt Nam về khả năng ứng phó với dịch Covid-19, tạo điều kiện cho ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế nói chung sớm phục hồi. Mặt khác, điều này thể hiện Việt Nam là 1 trong các điểm đến an toàn trong khi nhiều quốc gia đang phải gồng mình chống dịch.

Bắt tay tạo cú hích cho ngành du lịch

Theo các chuyên gia, để chuẩn bị cho làn sóng khách quốc tế đến Việt Nam, DN du lịch và hàng không cần kết hợp chặt chẽ, tạo cú hích giúp ngành du lịch từng bước trỗi dậy. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Phùng Quang Thắng, trong thời điểm này, các DN du lịch cần hợp tác hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là sự cảm thông, chia sẻ từ phía các DN cung ứng dịch vụ. Đặc biệt ngành hàng không có phương án tốt nhất, thuận lợi nhất, giúp hạn chế các thiệt hại của DN du lịch. Còn chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: Giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour nên việc các hãng hàng không từ đầu tháng 8 đến nay liên tục đưa ra chương trình giảm giá vé đã giúp DN du lịch xây dựng sản phẩm giá rẻ, chất lượng không thay đổi.

Nhìn nhận những cơ hội mà du lịch đem lại, các DN hàng không và du lịch đã có những cú “bắt tay” trị giá nghìn tỷ đồng hợp tác đầy triển vọng, góp phần tạo nên một xu hướng mới hiện nay.

Cụ thể, Vietnam Airlines và Vingroup “bắt tay” nhau phối hợp xây dựng sản phẩm kết hợp hàng không và du lịch trên toàn bộ mạng đường bay và cơ sở lưu trú du lịch của hai DN.

Tương tự hãng hàng không Bamboo Airways cũng tận dụng tối đa hệ thống quần thể nghỉ dưỡng sân golf của Tập đoàn FLC để khai thác các gói dịch vụ kết hợp giữa hàng không và du lịch, với mức giá ưu đãi.

Vietjet cũng đã ký hợp tác với Tổng cục Du lịch Việt Nam đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam ra thế giới, mang đến cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện cho người dân Việt Nam và du khách quốc tế; đặc biệt kết nối Việt Nam với thế giới gắn với các điểm đến mà Vietjet có đường bay trực tiếp.

Việc DN du lịch, hàng không tăng cường liên kết ngoài việc kích cầu thị trường du lịch nội địa, còn tạo điều kiện để ngành du lịch chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế ngay khi Việt Nam mở cửa cho phép đón du khách quốc tế.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top