Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao kiểm tra làm rõ nội dung tố cáo của ông Lê Văn Tắn, tố cáo một số cá nhân có dấu hiệu tham nhũng tại Dự án Phát triển GT-VT khu vực Đồng bằng Bắc bộ (có tổng mức đầu tư 110 triệu đô la Mỹ) do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư.
"Bản tấu chương" 3 nội dung tham nhũng bị lãng quên
Cụ thể, Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang là Cụm công trình lớn nhất của Dự án Phát triển GT-VT khu vực Đồng bằng Bắc bộ do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư nói trên, tổng giá trị 1.600 tỷ đồng (75 triệu đô la Mỹ).
Dự án được khởi công từ tháng 2/2014, khánh thành vào ngày 22/11/2015 và là cụm công trình lớn nhất về đường thủy được đầu tư trên khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Trong quá trình làm nhà thầu phụ thi công một số hạng mục tại dự án này, ông Lê Văn Tắn (xã Bát Trang, huyện An Lão, TP Hải Phòng) đã phát hiện nhiều dấu hiệu tham nhũng của nhiều cá nhân liên quan. Không đành lòng nhìn tiền của Nhà nước bị rút ruột, từ tháng 4/2015, ông Tắn đã viết đơn tố giác sự việc gửi các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí.
Kỹ sư Lê Văn Tắn
Sau khi tiếp nhận đơn và tiến hành điều tra, ngày 27/5/2016, Báo NNVN cũng đã vào cuộc và đăng tải bài viết "Một kỹ sư tố cáo tham nhũng lên Bộ trưởng Bộ GT-VT tại dự án 110 triệu đô la".
Theo đó, nội dung tố cáo của ông Tắn tập trung vào 3 vấn đề chính: Nhà thầu Locsha quỵt 3 tỷ đồng tiền nhân công lao động. Làm sai thiết kế, rút ruột công trình hàng chục tỷ đồng và vu khống người lương thiện.
Trong những lá đơn của mình, người đàn ông này luôn khẳng định: "Tất cả những gì trong đơn trình báo tôi gửi cơ quan chức năng là chính xác 100% và tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố giác của mình". Không những vậy, ông Tắn tha thiết đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm tra các nội dung tố cáo, “nếu phản ánh sai tôi xin chịu mọi phí tổn do việc kiểm tra gây nên”.
Cụ thể các dấu hiệu tham nhũng xuất hiện tại 4 hạng mục thi công sai thiết kế gồm: Đối với hạng mục đá kè đê biển, theo thiết kế, những tảng đá cục có trọng lượng từ 700kg – 800kg chèn dưới lớp haro 3,5T.
Tuy nhiên, từ hàng chân lên đến hàng thứ 3 (từ dưới lên) đã bị thay thế bằng đá lõi trọng lượng nhỏ từ 1kg – 200kg. Từ cục haro tiếp theo trở lên có đá 700kg – 800kg nhưng cũng chèn lẫn nhiều đá nhỏ.
Đối với hạng mục đá kè đê sông, theo thiết kế, những tảng đá cục có trọng lượng từ 500kg – 1.000kg (đoạn K0-K0+269) đã bị thay thế đá không đúng chủng loại, viên to nhất trọng lượng dưới 500kg. Đối với đá 1.000 kg – 2.000 kg (K0+718 – K1+330): bị pha tạp rất nhiều viên đá không đảm bảo cường độ, có nhiều cục đá đã bị phong hóa.
Đối với hạng mục khối haro đúc tại Hà Nam (6.000 m3), thì đó là bê tông đúc bằng đá tổng hợp pha lẫn mạt đá, không phải đá tiêu chuẩn như quy chuẩn kỹ thuật.
Theo cách tính toán của ông Tắn, giá trị rút ruột của các hạng mục nêu trên khoảng gần 10,2 tỷ đồng. Nếu để phải thi công lại theo đúng thiết kế, giá trị phần nguyên liệu làm lại này lớn hơn 30,7 tỷ đồng. Bằng chứng sai thiết kế: Đó là hàng vạn m3 đá sai quy cách, sai chủng loại, kém chất lượng, 6.000m3 bê tông đúc bằng đá tổng hợp không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đang có tại công trình.
Theo ông Tắn, đây là bằng chứng rõ ràng nhất, ai cũng có thể nhìn tận mắt, sờ tận tay. Ông Tắn cho biết thêm: “Trong thời gian ở công trình, khi thấy hạng mục đá bị thi công sai thiết kế, tôi có tham gia ý kiến nhưng tiếng nói của tôi không có ý nghĩa gì. Tôi cũng nhìn thấy các mảnh vỡ của các cục haro đúc tại Hà Nam đã lộ phần đá đúc là đá tổng hợp, không phải đá tiêu chuẩn như quy chuẩn kỹ thuật”.
Một hạng mục tại dự án Lạch Giang sai so với thiết kế
Những lá đơn của ông Lê Văn Tắn đã được gửi đi khắp các cơ quan chức năng liên quan và nhiều cơ quan thông tấn báo chí, tuy nhiên, những dấu hiệu tham nhũng tại dự án này vẫn chưa có kết quả xử lý.
Phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/6
Sau khi Báo NNVN đăng tải, ông Lê Văn Tắn tiếp tục có đơn tố cáo và tài liệu gửi kèm gửi Thủ tướng Chính phủ. Ngày 8/3/2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ nội dung tố cáo của ông Lê Văn Tắn; kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/6/2017.
Cũng xin được nói thêm, sau hàng loạt đơn thư gửi đi nhưng không được giải quyết thỏa đáng, ông Lê Văn Tắn đã gửi Báo cáo đề xuất biện pháp kiểm tra lên Bộ trưởng Bộ GT-VT, Thanh tra Bộ GT-VT, BQL các dự án đường thủy và các cơ quan thông tấn báo chí. Trong báo cáo đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, mục biện pháp kiểm tra, ông Tắn khẳng định: Các hạng mục rất dễ kiểm tra, không tốn kém, không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Nếu tố cáo sai ông Tắn chịu toàn bộ trách nhiệm và kinh phí kiểm tra.
Báo NNVN hi vọng, với sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ, nội dung tố cáo tham nhũng tại dự án trên của ông Lê Văn Tắn sẽ được làm sáng tỏ.
Theo HOÀNG ANH/NNVN
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.