Tuy đã có nhà ở thành phố, nhưng với mơ ước có một trang trại của riêng mình, vợ chồng anh Lê Văn Hùng - chị Nguyễn Thị Hoa không ngần ngại dùng số tiền tích cóp được để mua đất làm VAC ở tổ 1, thị trấn Yên Bình (Yên Bình - Yên Bái).
Sau hơn 5 năm đầu tư, cải tạo, xây dựng, trang trại tổng hợp của anh chị với tổng diện tích hơn 4ha đã đem lại nguồn thu vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2014, sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, vợ chồng chị Hoa mạnh dạn dời ngôi nhà 2 tầng đầy đủ tiện nghi ở phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) về lập trang trại ở thị trấn Yên Bình. Sau một số lần tham quan ở nhiều địa phương trong tỉnh, anh chị quyết định lựa chọn mô hình trang trại tổng hợp làm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Ban đầu, anh chị tiến hành san gạt đồi xây dựng 2 khu chuồng trại nuôi gà thịt với quy mô 3.000 con/lứa. Xác định giống gà là khâu quan trọng trong chăn nuôi, sau khi tham khảo nhiều mô hình, anh chị quyết định lựa chọn giống gà Minh Dư để phát triển. Theo chị Hoa, đây là giống gà có phẩm chất thịt ngon, ít ấp, mắn đẻ, độ đồng đều cao và nhanh lớn nên phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chị áp dụng chăn nuôi gà theo hình thức bán công nghiệp, vừa thả đồi rừng vừa kết hợp với chăn nuôi trong chuồng.
Để có được những kiến thức về cách chăm sóc gà theo đúng quy trình kỹ thuật, chị luôn chịu khó học hỏi của những người chăn nuôi nhiều năm, học qua báo, tạp chí và đặc biệt qua các lớp tập huấn do Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Yên Bình tổ chức. Trong quá trình chăn nuôi, chị luôn tuân thủ theo các yêu cầu kỹ thuật, chuồng trại đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ. Khu vực chuồng úm có đủ ánh sáng và nhiệt độ phù hợp, đặc biệt khâu tiêu độc khử trùng và vệ sinh phòng bệnh luôn được gia đình chú trọng. Nhờ cách làm này mà đàn gà của trang trại luôn khỏe mạnh, tỷ lệ sống đạt cao. Theo tính toán của chị Hoa, mỗi lứa gà Minh Dư nuôi khoảng 4 tháng sẽ xuất bán, mỗi năm nuôi 4 lứa gà gối nhau, trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 250 triệu đồng.
Không chỉ có vậy, anh chị còn quyết định cải tạo diện tích lúa kém hiệu quả của gia đình thành 2 ao nuôi cá với tổng diện tích hơn 8.000m2. Để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất, anh chị lựa chọn nuôi các loài cá ăn ở các tầng nước khác nhau như: Cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá nheo, rô phi đơn tính… Tận dụng bờ ao, anh chị trồng thêm chanh tứ thời và mít Thái Lan, vừa có thêm thu nhập lại có bóng mát. Cứ 2 năm chị tát cạn ao 1 lần, mỗi lần thu khoảng gần 5 tấn cá, với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg, đem lại cho gia đình nguồn thu hơn 250 triệu đồng.
Chị Hoa chia sẻ: “Làm trang trại là theo ý thích, sở thích và tâm huyết của mình. Làm cái gì cũng phải yêu nghề chứ chưa tính đến chuyện lời lỗ. Bước đầu mình cũng gặp khó khăn về kinh tế nhưng nếu quyết tâm thì mọi khó khăn sẽ qua hết. Tôi đã đi tham quan một số mô hình về chăn nuôi thỏ, tuy không phải là vật nuôi mới nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro và đầu ra ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ cải tạo diện tích đất vườn sau nhà để làm chuồng nuôi thỏ”.
Bên cạnh đó, với gần 3ha đồi rừng, chị đầu tư trồng quế và keo, hai loại cây này chuẩn bị cho thu hoạch.
Nhờ chịu khó học hỏi, đầu tư đúng hướng, mô hình trang trại tổng hợp bước đầu mang về cho gia đình chị Hoa nguồn thu nhập vài trăm triệu mỗi năm.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.